Phóng to |
Bên cạnh những ngôi biệt thự ở đường Lê Ngô Cát là những ngôi mộ nằm ngay mặt tiền đường - Ảnh: Q.Phong |
Hai phường Thủy Xuân và An Tây là nơi “nóng” nhất về tình trạng “âm dương lẫn lộn”. Ở P.An Tây, ông Nguyễn Văn Luyện, đường Tam Thai, chỉ chúng tôi xem một ngôi mộ mới chôn cách nhà ông vài chục mét. “Không biết tại sao người ta có thể qua mặt chính quyền phường để dễ dàng chôn cất mộ ngay sát khu dân cư và đường giao thông như thế?” - ông Luyện thắc mắc, rồi kể thêm mới đây cả nhà ông phải đấu tranh cương quyết mới chặn được ý định đào huyệt để mai táng tại khu đất ngay sát lối vào nhà ông.
Trong khi đó, P.An Cựu có cách quản lý việc chôn mới khá hiệu quả. Cùng với biện pháp tuyên truyền, chính quyền phường còn mời tất cả “đầu nậu” chuyên cung cấp dịch vụ mai táng ký cam kết không mua bán đất trong khu dân cư cho việc chôn cất mồ mả. Cách làm này đã khiến mộ “chui” trên địa bàn phường giảm hẳn. |
Ông Nguyễn Viết Thành, phó chủ tịch UBND P.An Tây, cho hay tổ quản lý đô thị của phường chỉ có sáu cán bộ, không thể quán xuyến hết địa bàn rộng 1.000ha. “Chúng tôi chỉ ngăn chặn được khi mới phát hiện người ta đang đào huyệt mộ, chứ khi linh cữu đã đưa đến rồi thì đành chịu” - ông Thành nói. Trong hai năm 2010-2011, chính quyền phường đã xử phạt khoảng 30 trường hợp vi phạm.
Theo ông Thành, con số thực tế còn cao hơn nhiều, vì với khoản phạt hành chính quá thấp như hiện nay (200.000-500.000 đồng/trường hợp lấy đất vườn để chôn cất), thì người dân sẽ chọn cách nộp phạt rồi vẫn chôn. Ông Nguyễn Văn Hòa, phó chủ tịch UBND P.Thủy Xuân, cũng thừa nhận chính quyền địa phương “lực bất tòng tâm”. Ông Hòa nói tuyên truyền chỉ đến với người trong phường, trong khi mồ mả đưa đến Thủy Xuân chôn cất còn có người từ phường xã khác, bởi hiện vẫn diễn ra tình trạng mua đất vườn để mai táng theo hình thức “giấy tay”, phường không kiểm soát được.
Ông Lê Viết Cường, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường TP Huế, cho biết trên địa bàn TP hiện tồn tại rất nhiều ngôi mộ vừa mới vừa cũ, chiếm diện tích gần 700ha đất, muốn giải tỏa phải cần đến hàng nghìn tỉ đồng. Do đó, TP cần phải có một giải pháp lâu dài và đồng bộ mới mong đến năm 2020 sẽ di dời hết lăng mộ ra khỏi nội thị.
Ông Đoàn Đình Lương, phó chủ tịch UBND P.An Cựu, cho biết người dân không tha thiết đến việc di dời các lăng mộ đã xây dựng ra khỏi vườn nhà hoặc khỏi khu dân cư, vì theo quy định đất lăng mộ không thuộc quyền sử dụng của họ, nếu có di dời thì họ cũng không được sử dụng phần đất này.
Ông Lương cho rằng đã đến lúc Nhà nước cần phải bổ sung quy định cụ thể về quyền sử dụng đất mồ mả xen lẫn trong vườn nhà dân và khu dân cư để tháo gỡ vướng mắc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận