02/06/2017 12:27 GMT+7

Lăng mạ người khác, sao chưa bị phạt?

BÁ TRUNG
BÁ TRUNG

TTO - Gần đây có hai vụ có dấu hiệu xúc phạm danh dự người khác khá “đình đám” nhưng dư luận chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý thỏa đáng.

Vụ thứ nhất là trường hợp một phụ nữ tự xưng là nhà báo để “giải cứu” một trường hợp vi phạm giao thông (ở Hà Nội) và khi bị từ chối đã văng tục, có nhiều lời lẽ không đúng mực với các chiến sĩ CSGT.

Khi bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa triệu tập làm việc, chị này thừa nhận vi phạm, đồng thời gửi lời xin lỗi đến các CSGT có liên quan. Cho đến thời điểm này, chưa có thông tin gì về việc xử lý trách nhiệm pháp lý đối với người phụ nữ trên.

Theo khoản 2, điều 20, nghị định 167/2013, hành vi “có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ” bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Từ quy định này mà một tài xế ở Quảng Nam khi lái xe trong tình trạng có nhiều hơi men lại còn “xỉ vả” CSGT đã bị cơ quan công an tỉnh này xử phạt đến 20 triệu đồng cho hai lỗi, trong đó có 2,5 triệu đồng cho lỗi lăng mạ CSGT...

Như vậy, người phụ nữ trên cũng cần phải bị phạt tiền như thế để đảm bảo được sự răn đe.

Vụ thứ hai là trường hợp một cựu người mẫu buông lời xúc phạm một nữ nghệ sĩ trên mạng xã hội vì một bình luận chưa được kiểm chứng.

Cho là đã bị nghệ sĩ này bình luận “vô văn hóa” khi mình đang livestream (trực tiếp phát hình) trang điểm, người mẫu đó đã viết dòng trạng thái trên Facebook và phát clip để miệt thị nữ nghệ sĩ.

Thế nhưng, theo nữ nghệ sĩ này thì bà không phải là tác giả của lời “comment” đó, tài khoản Facebook của bà có thể bị giả mạo.

Đối chiếu với khoản 3, điều 66, nghị định 174/2013 thì hành vi của người mẫu trên đã có dấu hiệu “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Vậy người mẫu ấy có bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng theo quy định của điều khoản này?

Thực tế trước nay rất ít trường hợp lăng mạ người khác bị xử phạt. Một trong các lý do là những người bị hại ít khi chính thức đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp.

Có lẽ để “mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh” thì từ các thông tin đang có trên mạng, cơ quan có thẩm quyền nơi người mẫu đó cư trú nên nhanh chóng xác minh.

Nếu có đủ căn cứ thì có thể xử phạt, còn không thì yêu cầu gỡ bỏ nội dung lăng mạ người khác.

BÁ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên