Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Minh Vũ năm 1971 - Ảnh tư liệu gia đình |
Một vị tướng trận, một chính khách, một nhà thơ, một nhà văn, một nghệ sĩ, một nhà báo... khi trở về với gia đình, với vợ con, vẫn chỉ là một người chồng, người cha với cuộc sống cơm áo đời thường. Nhưng với những người con, cha luôn là vĩ đại, và qua con mắt của con từ trong chính cuộc sống thường nhật ấy, những vị tướng, chính khách, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo lại hiện ra, lồng lộng mà vẫn ấm áp tình cha.
Chuyện nhà văn Nguyên Hồng đưa cả đàn con lít nhít lên tận Yên Thế, Bắc Giang để được sống và viết “chính là mình” nhiều người đã biết, nhưng đến bài viết của hai cô con gái Thanh Thư, Nhã Nam thì cuộc sống của Nguyên Hồng ở ấp Cầu Đen mới hiện ra đủ mùi đủ vị.
Nguyên Hồng nuôi lợn, trữ gạo nếp, đỗ xanh để lo tết cho con. Nguyên Hồng dành dụm nhuận bút sắm cho các con tủ sách bảo vật. Nguyên Hồng chuẩn bị việc viết văn của mình một cách thiêng liêng: trải chiếu, đặt chiếc bàn gỗ chân thấp, bày biện giấy bút, nghiên mực. Nguyên Hồng xoài người trên tấm bảng vẽ sơ đồ khối các chương, nhân vật trong tiểu thuyết. Nguyên Hồng với những câu thơ tiễn con đi bộ đội khiến mọi người phải rớt nước mắt trong không khí ra quân hừng hực thời chiến tranh...
“Con chúng ta năm xưa võng ru
Mụ dạy cười mơ rồi nức nở
Chim hót, nắng bừng cũng giật mình bỡ ngỡ
Vú mẹ đêm này ấp ủ thịt măng tơ...”.
Học giả Phan Khôi cùng vợ và hai con nhỏ: Phan Lang Sa (hàng đầu) và Phan Nam Sinh vào năm 1956 - Ảnh tư liệu gia đình |
Chuyện nhà văn Phan Khôi với 10 người con, tình cảm khi ấm khi lạnh, những cuộc trò chuyện lúc thân thiết lúc gay gắt. Vài câu đối thoại, nhắn nhủ nhát gừng với con trai, cháu nội mà phải nhiều năm sau này, các con mới thật sự hiểu được những tư tưởng vượt trên thời đại và niềm đau sâu kín của cha mình...
Chuyện người cha công an của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Một lần chuẩn bị liên hoan cuối năm ở cơ quan, ông chở hai sọt cá tạt qua nhà. Muốn lấy một con cá nấu cháo cho con, ông cứ sục tìm mãi một con cá bé nhất. Nhưng rồi không tìm được con nào có thể khiến mình yên tâm khi lấy của tập thể làm của riêng, ông lại lấy lá chuối đậy hai sọt cá lại mà chở đi trong nước mắt thương chồng, thương con, thương mình của vợ...
Những cuộc trao đổi về nghệ thuật, sân khấu giữa nhà thơ Thế Lữ và con trai, từ ngày còn là một cậu học sinh cho đến ngày trở thành đạo diễn Nguyễn Đình Nghi với những bản dựng sân khấu nổi tiếng về sự độc đáo, ấn tượng, sâu sắc...
Gia đình nhà thơ Chế Lan Viên - nhà văn Vũ Thị Thường. Nhà thơ Chế Lan Viên bế con gái Phan Thị Vàng Anh - Ảnh tư liệu gia đình |
44 câu chuyện. 88 cuộc đời. Mỗi người cha một cách yêu con. Mỗi người con một cách tự hào về cha mình. Đều là những người nổi tiếng đã từng góp đời mình vào lịch sử, vào nền văn hóa, vào sự phát triển xã hội, một lát cắt, một ký ức cuộc đời của mỗi người đều hằn rõ dấu chân của những thăng trầm, biến thiên thời cuộc như thế. Cuộc đời chung đọc được ở đó. Cuộc đời riêng cũng đọc được ở đó.
Và người đọc nhận ra cái vĩ đại của sự nghiệp khoa học, văn hóa, nghệ thuật đã nảy mầm từ cuộc sống, bắt rễ trong cuộc đời như thế. Những người cha ấy đã in dấu ấn của mình vào cuộc đời con cái như thế. Cái truyền thống “con nhà tông” đã được nối đời như thế...
Chuyện của cha không chỉ chạm đến trái tim con mà còn đến được với trái tim nhiều người đọc là vì vậy.
Ký ức, câu chuyện giữa những cặp cha - con nổi tiếng hẳn nhiên sẽ đem đến cho người đọc nhiều sự thông hiểu về nhiều khía cạnh cuộc đời hơn là tình cha con mà ai cũng đã mang sẵn trong lòng. Đọc về họ, những cặp cha - con: Hoàng Tuệ - Bảo Ninh, Đặng Thai Mai - Đặng Thanh Lê, Nguyên Hồng - Thanh Thư - Nhã Nam, Văn Cao - Văn Thao, Nguyễn Phan Chánh - Nguyệt Tú, Thạch Lam - Nguyễn Tường Giang, Đặng Văn Ngữ - Đặng Nhật Minh, Lưu Quang Thuận - Lưu Khánh Thơ, Lưu Quang Vũ - Lưu Minh Vũ, Chế Lan Viên - Phan Thị Vàng Anh, Phan Khôi - Phan An Sa, Hoàng Ngọc Hiến - Hoàng Tố Mai, Nguyễn Thế Truyện - Nguyễn Thế Thanh, Khái Hưng - Trần Khánh Triệu, Trần Huy Liệu - Trần Chiến, Nguyễn Huy Tưởng - Nguyễn Huy Thắng, Văn Hanh - Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Quí Kỳ - Lưu Đình Triều, Hữu Mai - Bình Ca, Thanh Tòng - Quế Trân, An Thuyên - Bông Mai..., người đọc sẽ biết được cách mà những người cha trao truyền tâm huyết và hun đúc sự nghiệp cho con mình. Trong tình cha con ấy có lịch sử, có văn hóa. Có cách mà những người cha, một tay nâng niu đứa con, tác phẩm bằng xương bằng thịt, một tay chi chút chắt lọc những thơ, những văn, những công trình nghiên cứu, tác phẩm từ tim từ óc. Có cách mà những người con, trái tim ôm giữ cha trong mái ấm, lý trí buông trả cha cho sự nghiệp, đôi chân bước theo lẽ sống mà cha trao truyền. Và cuộc đời trở nên bất tử vì thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận