23/05/2012 08:24 GMT+7

Làng góa phụ

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Ngày 22-5, trở lại làng Pháp Cổ (X. Lại Xuân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) - nơi xảy ra vụ nổ mìn, sạt lở đá làm 9 người thiệt mạng, 4 bị thương, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi biết nơi đây gọi là “làng góa phụ”.

xPsN6IgC.jpgPhóng to
Hai cháu Nguyễn Mạnh Tiến Cường (7 tuổi) và Nguyễn Thị Phương Doanh (6 tuổi) trở thành trẻ mồ côi sau khi cha bị “ngã đá”. Các em đang dựa vào bà ngoại, khi mẹ (đang mang thai 6 tháng) như ngã quỵ vì nỗi đau đến đột ngột - Ảnh: Thân Hoàng

Mỏ đá núi Trượt mang lại cho người dân địa phương một công việc có thu nhập ổn định, nhưng cũng chính mỏ đá này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân nghèo. Hàng chục phu đá xấu số bị chôn vùi trong đá, để lại nỗi nhọc nhằn mưu sinh đè nặng lên vai những người vợ, những đứa trẻ mồ côi.

KhYH2wkp.jpgPhóng to

Chị Chu Thị Hưởng - góa phụ có hoàn cảnh éo le nhất trong làng Pháp Cổ - Ảnh: Thân Hoàng

Ngõ “ba bà góa”

Làng Pháp Cổ với hơn 1.000 hộ dân, cách trung tâm huyện Thủy Nguyên về hướng tây bắc gần 20km, nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá vôi đang được các doanh nghiệp khai thác đá hoạt động hết công suất. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe trọng tải lớn nối đuôi nhau vào ra khai thác đá. Tiếng mìn nổ, tiếng động cơ của máy móc phá đá và khói bụi bao trùm lên vùng này từ bao năm nay.

Lập nghiệp và xây nhà ở làng này cách đây hàng thế kỷ, người dân Pháp Cổ từ bao đời nay chỉ biết kiếm sống từ nghề khoan đá, bốc vác đá thuê. Dù ai cũng biết nghề này nguy hiểm nhưng chẳng ai ngờ hiện làng Pháp Cổ có gần 50 gia đình mất đi “trụ cột” vì nghề làm đá.

Theo ông Phạm Văn Phán - trưởng làng Pháp Cổ, chưa có thống kê danh sách cụ thể những người đàn ông bị “ngã đá”, nhưng tính sơ sơ trong làng cũng có đến vài chục gia đình phải chịu cảnh “nhà không nóc”. “Trong làng đa số là góa phụ trẻ. Có người vừa lập gia đình, có người mới sinh con thì chồng đã mất. Mất đi trụ cột là mất nguồn thu nhập chính nên đa số hoàn cảnh của các chị đều khó khăn” - ông Phán nói.

Theo lời ông Phán, chúng tôi tìm đến một con ngõ nhỏ cuối làng, người dân ở đây gọi là “ngõ ba góa”. Con ngõ dài hơn chục mét mà có đến ba phụ nữ là các chị Đỗ Thị Lương, Trần Thị Mịn, Bùi Thị Minh đều có chồng thiệt mạng trên núi đá. Khi chúng tôi đến, chị Mịn và chị Minh đi hỏi thăm những gia đình có người thân bị nạn trong vụ nổ mìn mới xảy ra, còn chị Lương đang tranh thủ trồng thêm luống rau sau vườn.

Nhớ lại cái ngày tai họa ập đến cách đây sáu năm, chị Lương vẫn không hiểu sao mình có thể vượt qua những khó khăn, cực nhọc khi phải nhọc nhằn nuôi con một

mình. “Những ngày đầu hẫng hụt, khó khăn, không biết làm gì mà sống. Nhà vắng bóng đàn ông như nhà không nóc. Thế rồi tôi cũng phải gượng dậy, nguôi đi nỗi đau mất chồng để gánh vác gia đình. Một mình bươn chải, ai thuê gì tôi cũng làm để kiếm tiền nuôi con” - chị Lương nói.

Chị Lương cho biết chồng chị làm đá trước lúc lập gia đình khoảng một năm. Từ ngày vẫn còn phá đá thủ công bằng cách đục tay, hơn 20 năm đổ mồ hôi trên mỏ đá núi Trượt đến lúc chồng bị “ngã đá”, gia đình chị Lương vẫn chưa thoát khỏi diện nghèo. Lúc chồng mất, tài sản lớn nhất của gia đình chị là 7 sào ruộng với nỗi lo kiếm tiền nuôi ba con ăn học.

“Ngày ông nhà còn sống, cứ khoác áo đi làm là mấy mẹ con lo ngay ngáy. Từ ngày ông ấy “ngã đá” thì mấy mẹ con kiếm gì ăn đấy. Sáu năm nay rồi không biết đến tiền lương, không biết đến cái sốt ruột chờ ngày thanh toán lương của chồng” - chị Lương nói.

YyjXt8zD.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hiền phải nuôi ba con sau khi chồng mất cách đây năm năm

Nuôi con một mình

Núi đá đã biến làng Pháp Cổ thành “làng góa phụ” với gần 50 bà mẹ đơn chiếc. Một vai hai gánh, những phụ nữ này phải một mình chống chọi với những mất mát, cực nhọc để tiếp tục giấc mơ nuôi con học hành tưởng chừng như đã bị tắc nghẽn, bị chôn vùi trong đá. Chị Chu Thị Hưởng, người có hoàn cảnh éo le nhất ở “làng góa phụ”, già hơn nhiều so với tuổi 39, đôi mắt trũng sâu, nước da đen sạm, khuôn mặt bắt đầu xuất hiện những vết chân chim.

Chưa quên hết những ngày tháng nhọc nhằn, chị Hưởng kể: “Ngày anh nhà tôi mất, trời mưa to lắm. Nhận được điện báo, chạy vào đến mỏ thì nghe người ta bảo sét đánh làm nổ mìn, chồng tôi bị đá đè chết. Mất cả buổi người ta mới bới đá tìm được anh ấy. Nhìn thi thể chồng chôn vùi trong đá mà tôi như chết đứng”.

Sau ngày chồng mất cuối năm 2010, ruộng ít không đủ gạo ăn, chị Hưởng lại xin đi bốc vôi thuê, cào đá dăm trong các mỏ làm đá. Sức phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng chị Hưởng vẫn cố làm gấp rưỡi người khác để mỗi ngày kiếm hơn trăm nghìn đồng đong gạo, mua sách cho con. Từ khi chồng mất, chị Hưởng mắc chứng đau đầu kinh niên nhưng những ngày bệnh chị vẫn phải cố gượng dậy đi làm.

“Khi nào ốm quá nằm một chỗ thì tôi mới nghỉ. Một ngày không làm việc là con đường học hành của hai con tôi thêm gập ghềnh, đứt đoạn” - chị Hưởng nói. Hiện hai con gái của chị là Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang chuẩn bị thi vào lớp 10 và Nguyễn Hồng Nhung vừa học hết lớp 8. Ước mơ nuôi con nên người của chồng chị đã vỡ vụn trong núi đá, giờ đây một mình chị vắt kiệt sức làm lụng mà vẫn lo không gánh nổi chuyện học hành của các con.

Cách nhà chị Hưởng không xa, bà Nguyễn Thị Hiền (45 tuổi) đã năm năm nuôi con một mình. Trước ngày chồng mất một tháng, bà Hiền chạy vạy khắp nơi vay tiền mua xe công nông cho chồng chở đá. “Ông ấy bảo cố đi khoan đá vài tháng nữa để lấy tiền trả nợ rồi bỏ hẳn, về chạy xe công nông. Nợ chưa trả được thì ông ấy bỏ mạng trong núi đá” - bà Hiền kể.

Sau khi chồng mất, ba con của bà Hiền phải lần lượt nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Căn nhà lụp xụp của mấy mẹ con bà cứ mỗi ngày mưa là nước dột lỗ chỗ. Thương con, bà quần quật suốt ngày, hết đi bỏ đá lại theo xe bê vôi thuê. Sau gần một năm làm không có ngày nghỉ, mấy mẹ con bà đã tự tay xây được căn nhà cấp 4 để có chỗ “chui ra chui vào”. “Giờ nghĩ lại vẫn thấy hãi hùng. Có những lúc kiệt sức, tưởng bỏ cuộc, không ai nghĩ có ngày hôm nay” - bà Hiền tâm sự.

Ngày 22-5, sau khi đưa các nạn nhân xấu số về nơi yên nghỉ, làng Pháp Cổ lại có thêm ba phụ nữ trẻ trở thành góa phụ với chín đứa trẻ mồ côi cha. Đau đớn nhất trong những góa phụ mới này là chị Nguyễn Thị Ngọc Út phải chịu nỗi đau mất chồng trong lúc mang thai con thứ ba được 6 tháng, hai con lớn một đứa 7 tuổi, một đứa 6 tuổi.

Những người đàn ông giã từ đời phu đá nhọc nhằn để lại sau lưng họ là những phụ nữ góa bụa và những đứa trẻ mồ côi...

pP4Apj2O.jpgPhóng to
Cơ quan công an có mặt tại hiện trường vụ tai nạn nổ mìn ở núi Trượt - Ảnh: Thân Hoàng

Ngày 22-5, Cơ quan điều tra Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra vụ nổ mìn khai thác đá làm sáu người thiệt mạng tại mỏ đá núi Trượt (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên).

Cơ quan điều tra đã phá kíp nổ một số quả mìn còn sót trước khi tiếp cận để đo đạc, khám nghiệm hiện trường. Khu vực này hiện vẫn bị phong tỏa vì cơ quan điều tra xác định vẫn còn một số quả mìn chưa bị kích nổ. Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra và chưa khẳng định nguyên nhân vụ nổ có phải do sét đánh hay không.

Cùng ngày, ông Nguyễn Trần Lanh - chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên - cho biết UBND TP Hải Phòng đã ra thông báo yêu cầu tất cả công ty khai thác đá ở xã Lại Xuân tạm dừng sản xuất đến khi công an làm rõ nguyên nhân vụ nổ mìn trên. Lãnh đạo TP Hải Phòng đã yêu cầu huyện Thủy Nguyên kiểm tra toàn bộ quá trình khai thác đá của các công ty trong khu vực mỏ núi Trượt, xem xét làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thành - bí thư Thành ủy Hải Phòng - đã đi kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng tại mỏ khai thác đá xã Lại Xuân. Sau khi làm việc với huyện, ông Thành cho biết đã yêu cầu lập đoàn kiểm tra rà soát hiện trạng khai thác đá ở Thủy Nguyên. Theo ông Thành, sẽ có những biện pháp mạnh và rút giấy phép đối với những cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo an toàn lao động trong khai thác đá.

* Cùng ngày, ông Hoàng Văn Tuấn - phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Tân Hoàng An - cho biết nguyên nhân ba công nhân của công ty thiệt mạng chiều tối 21-5 là do sạt lở đá. Danh tính của ba nạn nhân là Bùi Văn Nam (1973), Bùi Văn Thành (1983) và Trần Văn Thanh (1974) cùng trú tại Lương Sơn, Hòa Bình. Ông Tuấn nói sau khi xảy ra vụ nổ mìn đã yêu cầu tất cả bộ phận tạm dừng khai thác đá. Ba công nhân này lên núi đá để kiểm tra đồ đạc nên xảy ra tai nạn đáng tiếc.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên