Chủ tịch CLB Nguyễn Giang Đông đứng khoanh tay phía sau, nhường cho “nhà tài trợ” Đỗ Quang Hiển huấn thị và thưởng cho cầu thủ CLB Hà Nội sau trận thắng Đà Nẵng - Ảnh: Ngọc Duy |
Nếu trước đây, “trận đấu của nhà bầu Hiển” chỉ dùng để chỉ trận đấu của Hà Nội T&T với SHB Đà Nẵng thì sau này và ở V-League 2016 còn có thêm hai đội nữa là QNK Quảng Nam với CLB Hà Nội mới thăng hạng.
Sau trận đấu, với kết quả CLB Hà Nội thắng đậm SHB Đà Nẵng, nhiều người bình luận rằng đó là cách đánh bóng thương hiệu cho CLB Hà Nội trước kế hoạch Nam tiến. Chứ xét về thực lực, CLB Hà Nội - đội đã thua tan nát HAGL đến 0-5 thì làm sao thắng đậm được SHB Đà Nẵng. Một clip của truyền hình đã đưa lên mạng quay cảnh bầu Hiển hào hứng thưởng đậm cho CLB Hà Nội.
Ông Hiển cũng đưa ra những huấn thị cho các cầu thủ với một phong thái rất ư là ông chủ, trong khi chủ tịch CLB Hà Nội - ông Nguyễn Giang Đông - khép nép đứng sau! Xem clip và những hình ảnh này xong, CĐV Trần Song Hải đưa lên Facebook của mình và viết “bằng chứng của việc một ông chủ của nhiều đội bóng”! Lập tức, rất nhiều người bình luận và cho rằng chuyện đó cả làng ai chẳng biết.
Nhưng chuyện cả làng ai cũng biết - bầu Hiển làm chủ 4 đội bóng - sao lại tồn tại được, khi trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi năm 2015) đã ghi rõ “LĐBĐVN không công nhận tổ chức, cá nhân sở hữu hai CLB, đội bóng trở lên tham gia trong cùng một giải đấu”? VFF lý giải bầu Hiển chỉ là “nhà tài trợ” chứ không phải là “ông chủ”!
Trong một lần tiếp xúc với ông Yukio Nakano - tổng giám đốc Công ty J-League (đơn vị điều hành hai giải bóng đá hàng đầu Nhật Bản là J-League 1 và 2), tôi có hỏi về chuyện “nhà tài trợ” với “ông chủ” cần phải phân biệt như thế nào và ở bóng đá Nhật có chuyện tương tự hay không?
Ông này cho biết lịch sử bóng đá Nhật cũng có lúc xảy ra chuyện tương tự và phải tìm mọi cách đấu tranh, loại bỏ ngay. Nếu là một ông chủ có nhiều (từ 2 trở lên) đội bóng tham gia trong một giải thì phải cấm là điều quá rõ. Nhưng nếu họ lách luật bằng cách đóng vai “nhà tài trợ” thì phải tìm cách chứng minh vai trò này có gây ảnh hưởng đến đội bóng.
Dựa vào gợi ý của ông Nakano, tôi nghĩ clip quay cảnh ông Hiển tuyên bố thưởng tiền và đưa ra những huấn thị hùng hồn cho CLB Hà Nội đủ là bằng chứng để cho thấy ông có ảnh hưởng mạnh đến đội bóng này. Với SHB Đà Nẵng, chúng ta cũng có những bằng chứng như việc cả đội bóng này tung hô ông Hiển sau khi đoạt cúp vô địch. Còn Hà Nội T&T thì rõ rồi, đó là đội bóng chính danh của ông Hiển.
Chưa hết, xem kỹ lại Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, ở điều 14 quy định về sở hữu và chuyển đổi chủ sở hữu của CLB, đội bóng còn ghi rõ: “LĐBĐVN không công nhận: tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều CLB tham gia quản lý, điều hành nhiều CLB, đội bóng thi đấu trong cùng một giải đấu.
Các trường hợp có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp được xác định theo quy định tại điều 4 Luật doanh nghiệp, gồm: công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đó đối với công ty con; công ty con đối với công ty mẹ; người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định, hoạt động của doanh nghiệp đó thông qua các cơ quan quản lý doanh nghiệp; người quản lý doanh nghiệp...”.
Không lẽ với chừng ấy quy định vẫn không xử lý được chuyện bầu Hiển với bốn đội bóng Hà Nội T&T, CLB Hà Nội, QNK Quảng Nam, SHB Đà Nẵng? Chỉ e rằng VFF và lãnh đạo ngành thể thao không muốn xử mà thôi! Một khi câu chuyện này tiếp tục tồn tại thì đừng bao giờ nói đến hai từ “chuyên nghiệp” với bóng đá Việt.
Khó có chuyện sở hữu nhiều đội bóng ở châu Âu Chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng” cũng là vấn đề được bàn cãi khá nhiều ở bóng đá châu Âu. UEFA và từng LĐBĐ thành viên đều có những quy định ngăn ngừa việc một cá nhân hoặc một công ty nào đó cùng lúc nắm quyền điều khiển hai đội bóng thi đấu trong cùng một giải đấu. Theo quy định ở Anh, một người (hoặc một công ty) đã sở hữu một CLB không thể nắm nhiều hơn 9,9% cổ phần tại một đội bóng khác trong nước. Khái niệm “sở hữu” ở Anh tương đương việc nắm từ 30% cổ phần trở lên hoặc là giám đốc của đội bóng. Gần đây nhất, tỉ phú người Iran Farhad Moshiri đã phải bán 15% cổ phần của mình tại Arsenal trước khi mua 49% cổ phần ở Everton. Ở Tây Ban Nha, quy định này càng gắt gao hơn khi không cho phép ông chủ của một đội bóng nào đó có thể sở hữu từ 5% cổ phần trở lên ở một đội bóng khác trong nước. Còn theo luật của UEFA, hai đội bóng (thuộc hai quốc gia khác nhau) có nhiều hơn 50% cổ phần được sở hữu bởi một ông chủ sẽ không được thi đấu cùng nhau tại một giải đấu. Tức nếu một người nào đó sở hữu hai đội bóng như vậy cùng giành quyền vào chơi Champions League hoặc Europa League, họ sẽ phải bỏ bớt một đội. Nhưng để phòng ngừa những trường hợp lách luật (như sử dụng nhiều công ty khác nhau để tài trợ cho từng đội bóng hoặc bơm tiền cho CLB nhưng lại không đứng tên sở hữu), UEFA và nhiều LĐBĐ thành viên còn đặt thêm một số điều luật khác. Cụ thể, UEFA có quy định: “Không một cá nhân hoặc một thực thể pháp lý nào có thể kiểm soát một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo ảnh hưởng cùng một lúc lên hai đội bóng thi đấu chung giải đấu của UEFA” - tờ Telegraph (Anh) dẫn lại. |
“Hi vọng anh Hiển hành xử sao cho fair-play” Ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị VPF - nói như vậy khi đề cập “nghi án” sở hữu 4 đội bóng của bầu Hiển. Ông Thắng nói: “Việc anh Hiển có là ông chủ của 4 CLB đang chơi ở V-League 2016 hay không rất khó nói bởi cả 4 CLB này đều có pháp nhân khác nhau. Tôi cũng từng có lần hỏi anh Hiển về chuyện này và anh Hiển khẳng định mình không liên quan mà chỉ đứng ở góc độ là nhà tài trợ. Giấy tờ cũng cho thấy như thế thì chúng tôi có thể làm gì? Anh ấy có nhiều tập đoàn, công ty và mỗi tập đoàn, công ty lại đứng ra tài trợ cho các đội bóng thì đâu có gì vi phạm”. Trả lời cho câu hỏi: Chẳng lẽ VPF bó tay không có cách nào để giải quyết khi mà dư luận đều khẳng định ông Hiển là ông chủ của 4 đội bóng?, ông Thắng cho biết: “Những đóng góp của anh Hiển cho bóng đá VN (tài trợ cho các đội bóng) là đáng trân trọng. Và về lý hay về tình, chuyện anh Hiển có là ông chủ thực sự của 4 đội bóng hay không thì khó có thể chứng minh được. Do đó, chúng tôi hi vọng anh Hiển sẽ hành xử sao cho fair-play để dư luận không xầm xì”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận