![]() |
Lan vua khoe sắc |
Tìm trong... vang bóng
Trong truyện Hương cuội ở tập Vang bóng một thời của mình, cụ Nguyễn Tuân đã viết thật kỹ về thú thạch lan hương với một bữa tiệc rượu của cụ Kép thết đãi những người bạn tri âm tri kỷ trong tiết đầu năm. Đó là buổi tiệc rượu ngâm thơ - uống rượu “tăm” ngâm lâu ngày, nhấm với viên đá bọc mạch nha tẩm hương sau một đêm hoa lan khai nở...
Chẳng giống với đất Bắc, ở Huế một thời thạch lan hương là thú thưởng trà của dân chơi sành điệu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa thông tin tại Huế, kể về những tiệc trà của cụ thân sinh - cụ nghè Đường Nguyễn Hữu Tuân tại khu nhà rường - vườn Sum viên lúc sinh thời. Thuộc loại thượng thừa trong việc thông hiểu cây và biết cách trồng, cụ thường tạo cho hoa nở nụ đầu tiên vào đúng dịp ngày đầu của năm mới.
Từ trước đó, cụ sai gia nhân đi tìm những hòn sỏi trắng muốt nằm trên những bãi sông, khe suối về rửa sạch, đem cất. Đến chiều tối 30 tết, cụ sai đem sỏi rửa sạch, lăn trên mạch nha tạo thành lớp mỏng, đem rải đều lên mặt chậu đã được trải giấy bảng; dùng lồng bàn cốt tre cao, dán giấy bảng trùm kín toàn bộ chậu lan.
Qua suốt một đêm hoa nở, hương lan quanh quẩn trong lồng bàn và thấm vào mạch nha. Vào buổi sớm tinh mơ ngày đầu năm, những người bạn tri kỷ đến thăm được mời ngồi quanh cái tợ đặt chậu lan và trà nước. Giở lồng bàn ra, mọi người cùng thưởng ngoạn cành hoa đầu tiên bao gồm cả hoa vừa nở, hoa hàm tiếu và búp, cùng uống trà và thuởng thức từng viên kẹo sỏi thơm hương…
![]() |
Cụ Vĩnh Ký và những chậu mặc lan quí của mình |
Theo ông Thông, giới chơi địa lan cao thủ ngày xưa ở Huế thường phổ biến chơi các loại lan như hoàng ngọc, thanh ngọc, bạch ngọc, đông lan, tứ thời, hội điểm, tiểu kiều, đại kiều, báo hỉ... và “vua” của các loài địa lan ấy chính là mặc lan (có người còn gọi là hắc lan, có nghĩa lan đen).
Sở dĩ người ta chọn mặc lan phục vụ thú thưởng trà bởi hương hoa không quá đậm đặc, nồng nặc như các loài lan khác mà lan tỏa trong gió, hương kiêu sa, huyền bí, ma quái… Chính hương thơm phảng phất ấy không những không át mùi trà mà còn tôn thêm hương vị cho buổi tiệc trà…
Mặc lan lại nở
Tưởng chừng mặc lan đã tuyệt tích theo thú thưởng trà tao nhã của người xưa, nào ngờ trong những ngày gần đây giới chơi hoa ở Huế râm ran chuyện năm chậu mặc lan của cụ Vĩnh Ký trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế đồng loạt nở rất nhiều hoa. Tìm đến nhà, chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Với góc sân trong của căn nhà phố rộng chưa đầy 3m, một dãy năm chậu lan xếp thành hàng dài đều nở hoa, mỗi chậu từ 3-4 nhánh.
Hoa nở đều màu nâu đen điểm trắng nhạt giữa khóm lá sum suê, không rực rỡ lộng lẫy nhưng lại mang một vẻ đẹp thật sự quí phái, sang trọng. Một điều lạ lùng, ghé mũi sát hoa hầu như không nghe được hương thơm, nhưng ngồi uống trà chuyện trò cạnh đó thì hương thoang thoảng, phảng phất.
![]() |
![]() |
Cụ Vĩnh Ký cho biết để trồng được lan, cụ cứ loay hoay mãi với cách làm đất tổ mối theo cách chỉ dẫn của nhiều người mà cây không hề phát triển. Trong một thời gian dài suy nghĩ, cụ đi khắp nơi tìm những hầm xí hoai mục lấy đất đem về, trộn đều với đất sét ven bờ ruộng ngâm vào nước vôi để khử ấu trùng sâu bọ, vắt thành từng cục bằng nắm tay trẻ em và phơi khô.
Cụ sắp đều, lớp đất lớp vỏ trấu và mồi lửa để trấu ngún trong nhiều ngày, thành nên những cục đất cứng, vàng ươm... “Trồng bằng loại đất này cây tốt đến lạ, có lẽ vừa đủ độ thoáng vừa đủ độ ẩm mà đảm bảo dưỡng chất, vị lại hợp với cây, điều này nhiều người hỏi tui không giấu nhưng tui thấy ít ai làm vì có lẽ hầm xí bữa nay không dễ tìm như trước đây” - cụ Ký cho biết.
Cũng theo cụ Ký, muốn cây đẹp, tươi tốt, cho hoa nở đều thì phải yêu cây, hiểu cây, chăm cây như chăm con dại vậy. “Đi đâu tui cũng mong về để tưới tắm, giao cho con cháu không yên tâm, sợ ảnh hưởng đến sức cây; ngay cả việc nhiều lần con cái bảo lãnh định cư ở nước ngoài, thậm chí đi du lịch tui cũng không nhận lời vì không thể để mặc những chậu lan này!” - cụ Ký cho biết.
Không đủ sức khôi phục thú thưởng trà của người xưa, nhưng những chậu hắc lan cũng chính là lý do cho các buổi uống trà với những người bạn tri kỷ, đồng thời còn đề tài cho câu chuyện của những tiệc rượu diễn ra ngay sát hàng cây.
Ông Phan Đình Ngôn, giám đốc Công ty Công viên cây xanh Huế, nhận xét: “Hắc lan là loài lan rất quí của Huế, trồng lên được đã khó, trồng tốt và cho hoa nhiều như cụ Ký là quá giỏi và công kỹ, vì đây là loài rất khó trồng, chưa nói đến cho hoa nhiều và đều đặn như vậy!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận