29/09/2024 09:01 GMT+7

Lấn biển tạo đà phát triển

Điểm khác biệt và đáng chú ý nhất trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng phát triển về hướng đông, cụ thể là phát triển 50.000ha về hướng biển, lấn biển để tạo đà phát triển.

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 1.

Một góc khu đô thị lấn biển ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hướng đi này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội cho tỉnh.

Đây cũng là địa phương đầu tiên công bố việc lấn biển sau khi các quy định về hoạt động lấn biển được thể hiện tại điều 190 Luật Đất đai 2024. Ngày 16-4-2024, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 42, hướng dẫn chi tiết quy định của điều 190.

"50.000ha lấn biển - mở rộng biên cương lãnh thổ"

Tại buổi họp báo về hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024, ông Nguyễn Trúc Sơn, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, nêu rõ thực trạng "đất chật người đông" của tỉnh Bến Tre.

"Với dân số thực tế khoảng 1,6 triệu người và không ngừng tăng lên trong khi diện tích tự nhiên không đổi với khoảng 2.360km2, chúng tôi không còn cách nào khác nữa là phải mở rộng biên cương lãnh thổ. Nói nôm na là như thế, vì khu lấn biển là vùng để phát triển kinh tế. Trên đó sẽ có những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư...", ông Sơn nói.

Nói rõ hơn về ý tưởng này, ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết thêm tỉnh Bến Tre có 65km đường bờ biển vốn từ lâu chưa khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh này.

Trong 50.000ha diện tích lấn biển, khu vực lấn biển tại huyện Bình Đại lớn nhất với khoảng 21.000ha, huyện Thạnh Phú khoảng 15.000ha và huyện Ba Tri khoảng 14.000ha để phát triển đô thị biển, các khu, cụm công nghiệp.

"Theo quy hoạch, Bến Tre có cảng biển loại 2, đây cũng là định hướng chúng tôi muốn phát triển tới đây, qua đó sẽ phát triển các dịch vụ logistics, du lịch, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng mới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ.

Ngoài lý do phát triển hướng đông để tạo thêm không gian phát triển kinh tế, ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thêm thời gian qua ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tỉnh Bến Tre rất ác liệt, do đó lấn biển cũng nhằm để giữ đất, chống chọi với biến đổi khí hậu, đây là tầm nhìn mang tính lâu dài của tỉnh.

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 2.

Hiện trạng dự án lấn biển làm khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Còn nhiều vấn đề phải bàn

Chưa khi nào, việc công bố quy hoạch tỉnh Bến Tre có ý tưởng lấn biển được người dân quan tâm như thời điểm này. Trong khi hầu hết người dân địa phương tin tưởng vào định hướng phát triển này thì cũng có nhiều mối lo ngại về nguồn lực, nguồn cát...

Để thực hiện được mục tiêu quy hoạch đề ra, riêng trong giai đoạn từ 2021 - 2025, Bến Tre cần 190.000 tỉ đồng, giai đoạn tiếp theo từ 2026 - 2030 cần tới 310.000 tỉ đồng để đầu tư các công trình dự án trọng điểm, đưa Bến Tre phát triển theo các nghị quyết của trung ương, khu vực ĐBSCL và các nghị quyết của tỉnh.

Trong khi đó, thu ngân sách tỉnh Bến Tre chín tháng đầu năm 2024 chỉ khoảng 4.800 tỉ đồng. Lo thì có lo nhưng theo tính toán, nguồn vốn có thể huy động từ nhiều nguồn.

Còn nguồn vật liệu bồi đắp thì sao? Trong những năm gần đây, việc tìm kiếm nguồn cát lấp cho các công trình giao thông trọng điểm tại khu vực ĐBSCL đã trở thành vấn đề lớn, khó giải quyết. Do đó, khi thực hiện khu lấn biển hàng chục ngàn hecta, vấn đề tìm kiếm nguồn cát lấp cũng cần được tính toán và cân nhắc.

Trên thực tế, tại ĐBSCL đã có những khu lấn biển được thực hiện thành công ở Kiên Giang nhưng hầu hết các khu lấn biển này sử dụng các vật liệu san lấp như cát đen, cát pha đất được vận chuyển từ nơi khác đến.

Trở lại Bến Tre, ông Dương Văn Phúc, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho hay hiện tỉnh đang mời các chuyên gia, nhà khoa học tính toán trong 50.000ha lấn biển thì sẽ làm trước bao nhiêu, thực hiện đồng bộ trên cả ba huyện hay làm riêng một huyện, giải pháp kỹ thuật thế nào, vướng mắc cơ chế những gì và cần kiến nghị điều gì, nhà đầu tư trên khu lấn biển sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi gì ngoài những chính sách ưu đãi hiện hành?...

"Còn rất nhiều vấn đề cần phải bàn trong thời gian tới", ông Phúc chia sẻ.

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 3.

Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, khu lấn biển được kỳ vọng sẽ chặn đứng tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng ở Bến Tre những năm qua - Ảnh: M.TRƯỜNG

Học hỏi và làm tốt sẽ không có phản đối

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, chia sẻ lấn biển là hướng đi mới, không chỉ của Việt Nam mà đối với tất cả các quốc gia trên thế giới vì đất đai có hạn trong khi dân số ngày một tăng, nhiều vùng còn có nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng.

Lấn biển còn kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới, thu hút đầu tư, giúp bộ mặt đô thị ven biển phát triển hiện đại, ấn tượng.

Để thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động lấn biển, Nhà nước cần tạo cơ chế ưu đãi về vốn vay, khoa học kỹ thuật cũng như hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước về thủ tục pháp lý... bởi đầu tư một khu kinh tế ven biển tốn kém rất nhiều thời gian cũng như tiền của.

Để hoạt động kinh tế biển sôi động, tầm cỡ, kết nối các khu vực kinh tế, nên nghiên cứu sâu những dự án đã triển khai thành công. Ngoài ra, có thể học kinh nghiệm của một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức..., những quốc gia đã ra nhiều khu kinh tế, đô thị biển tiêu biểu, trở thành biểu tượng.

Bên cạnh đó tạo cơ chế về nguồn vốn, tập trung nghiên cứu vật liệu mới phục vụ cho san lấp để giảm thiểu tối đa gây tác hại đến môi trường. "Tại sao trong những năm qua cứ nói đến lấn biển thì người dân luôn phản đối? Vì doanh nghiệp làm chưa bài bản, gây ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, sinh thái.

Nếu hoạt động lấn biển mà giúp khu vực đó đẹp hơn, khang trang hơn thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình ngay. Bên cạnh đó khâu quản lý, giám sát hệ thống xử lý nước thải cũng rất đáng lưu tâm vì ven biển mà xảy ra tình trạng xả thải trộm thì sẽ rất nguy hại cho đại dương", ông Doanh nói.

Quan trọng nhất: tầm nhìn chung

Trong khi đó, TS Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhận định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2030, kinh tế biển đang được đặc biệt quan tâm. Nhưng từ thực tế cho thấy cũng đặt ra vấn đề phải có quy hoạch chung, tầm nhìn lâu dài.

Hoạt động lấn biển không nên triển khai độc lập mà cần phải liên kết ven biển để tạo thành các khu kinh tế, tạo động lực phát triển cho địa phương, cả nước.

Hiện khung pháp lý đã rõ ràng, tuy nhiên lấn biển là hoạt động phức hợp, tích hợp nhiều yếu tố nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai từng dự án cụ thể. Quy hoạch đã có thì cần phải cụ thể hóa hơn và tính đến biến đổi khí hậu để khi phát triển các dự án khai thác có hiệu quả.

Hoạt động lấn biển phải phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như tuân thủ quy hoạch quốc gia. Trong kinh tế biển có du lịch, vận tải biển, nuôi trồng thủy sản... Làm sao để chúng ta liên kết được các loại hình kinh tế thì cần phải quy hoạch bài bản, có tầm nhìn.

Không nên cấp phép lấn biển để làm các dự án nhỏ lẻ, manh mún. Cần có một quy hoạch bài bản để xác định trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển khu vực nào được lấn và quy mô từng khu vực được lấn ra sao.

Cần thời gian để thực hiện khát vọng

Ông Trần Ngọc Tam, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ có thể nói Bến Tre có giàu, có khá lên hay không là do hướng ra biển, phát triển về hướng đông nên đây cũng là một cơ hội và tỉnh mong muốn thực hiện được khát vọng này.

Để hiện thực hóa khát vọng này đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư, việc kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực này, đặc biệt vào khu lấn biển là nhu cầu rất lớn của tỉnh. "Tôi mong rằng các nhà đầu tư nên nghiên cứu đầu tư vào Bến Tre, đặc biệt là đối với khu lấn biển", ông Tam nói.

Theo ông Tam, để hiện thực hóa khát vọng này tỉnh Bến Tre cần phải có thời gian và phải được sự chấp thuận chủ trương, những chính sách của trung ương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương.

Về quá trình kêu gọi đầu tư, Bến Tre cam kết sẽ thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư. Riêng tỉnh Bến Tre cũng có một số chính sách ưu đãi, tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Lấn biển để phát triển kinh tế biển

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai. Tuy nhiên theo các chuyên gia, thực tế dù Việt Nam có lợi thế 3.200km bờ biển nhưng trong những năm qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế này.

Thực tế vẫn chưa có khu kinh tế hay đô thị lấn biển thực sự ấn tượng, trở thành điểm nhấn cảnh quan do các quy định của pháp luật trước đây chưa "mở" cũng như thiếu chính sách ưu đãi vốn, thu hút nhà đầu tư quốc tế có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển.

Kiên Giang: lấn biển và xây đảo nhân tạo

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 4.

Một góc lấn biển TP Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ CÔNG

Trước khi đưa vào quy hoạch tỉnh khu lấn biển 50.000ha, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức tham quan các dự án lấn biển tại tỉnh Kiên Giang và một số nhà đầu tư tại tỉnh Kiên Giang cam kết sẽ sẵn sàng bố trí đội ngũ nhân lực có nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Bến Tre về dự án lấn biển.

Ông Đinh Quang Vũ, trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết đến năm 2040, diện tích TP Rạch Giá sẽ gồm 10.446ha và khoảng 3.440ha lấn biển mới và phát triển các đảo trên không gian vịnh Rạch Giá (các khu lấn biển mới khoảng 640ha và các đảo nhân tạo khoảng 2.800ha).

Ông Vũ cho biết thêm mục tiêu của việc quy hoạch này đến năm 2030 nhằm cân bằng và phát triển bền vững cấu trúc đô thị kinh tế biển bền vững - xanh; phát huy thế mạnh kinh tế biển, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 1 (là trung tâm kinh tế lớn nhất tỉnh, trung tâm đầu mối cấp vùng).

Trên cơ sở đó, Kiên Giang sẽ phát triển Rạch Giá là trung tâm vùng kinh tế phát triển năng động, là đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế bền vững, phát triển đô thị thông minh trong các lĩnh vực mũi nhọn... có tổng dân số 580.000 - 590.000 người.

Trong đó, dân số khu vực lấn biển mới của thành phố khoảng 35.000 - 45.000 người; dân số khu vực phát triển không gian bờ biển và hệ thống đảo nhân tạo trên vịnh Rạch Giá khoảng 95.000 - 105.000 người vào năm 2040.

Tất nhiên dự án đều có đi kèm theo tác động môi trường dù ít hay nhiều. Do đó, chủ đầu tư đều có giải pháp bảo vệ môi trường trong lúc thi công dự án như: bố trí lưới lọc rác trước các miệng cống thoát (tách rác); thường xuyên dọn dẹp vệ sinh trên công trường sau mỗi ngày thi công, thu gom rác thải, hạn chế tránh ngập úng cục bộ và tác động xấu đến môi trường do nước mưa tràn, chảy.

"Các dự án lấn biển thời gian qua được triển khai đã giúp thành phố Rạch Giá phát triển năng động vượt bậc, đời sống người dân nâng lên, kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhiều.

Lấn biển Rạch Giá còn kết nối phát triển tam giác kinh tế Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc; phát triển tứ giác du lịch Hà Tiên - Phú Quốc - Nam Du - Rạch Giá, hình thành tuyến du lịch biển Tây", ông Vũ cho biết thêm.

Đà Nẵng: khu thương mại tự do trên đất lấn biển

Với diện tích nhỏ cùng địa hình đồi núi chiếm đa số, nhiều năm trước Đà Nẵng đã lấn biển để triển khai dự án đô thị. Đó là dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước triển khai trên đất lấn khu vực biển bên ngoài đường Nguyễn Tất Thành thuộc vịnh Đà Nẵng.

Đáng tiếc trong quá trình giao đất triển khai thực hiện dự án, UBND TP Đà Nẵng, các sở ngành chức năng, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm và nhiều người phải dính vòng lao lý, dự án dở dang.

Riêng dự án nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29ha với nhiều hạng mục, công trình đang trong cảnh hoang tàn. Đã có hàng trăm người dân bỏ tiền tỉ ra mua nhà, sinh sống từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn trong cảnh "ở chui" do các vướng mắc liên quan bản án của tòa đã tuyên.

Hiện nay Đà Nẵng đang thực hiện đại dự án cảng Liên Chiểu. Đây cũng là một dự án có phần thi công lấn ra biển rất lớn trong vịnh Đà Nẵng nằm dưới chân đèo Hải Vân.

Vào tháng 6 vừa qua khi Quốc hội đồng ý thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, địa phương này đã khảo sát đưa ra nhiều phương án triển khai thành lập khu thương mại tự do, trong đó có phương án đề xuất lấn biển.

Vào đầu tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Đà Nẵng và đi khảo sát thực tế tại khu vực nghiên cứu lấn biển đường Nguyễn Tất Thành để làm khu thương mại tự do.

Thủ tướng đồng ý chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển. Tuy nhiên cũng lưu ý cần nghiên cứu, tính toán kỹ các vấn đề nguyên vật liệu san lấp. Diện tích đất sau khi lấn biển cần thực hiện đúng chức năng theo tiêu chí khu thương mại tự do...

Vừa qua, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết 10 vị trí được dự kiến xây dựng thành các khu chức năng: khu sản xuất, khu logistics và khu thương mại - dịch vụ của khu thương mại tự do Đà Nẵng. Trong số đó có vị trí lấn biển dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành ra vịnh Đà Nẵng - đoạn từ đường Nguyễn Sinh Sắc đến giáp khu đô thị quốc tế Đa Phước.

Qua khảo sát thực tế vị trí lấn biển nói trên, Sở Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị khoanh vùng sơ bộ vị trí với tổng diện tích khoảng 420ha. Như vậy, nếu thực hiện lấn biển làm khu thương mại tự do như kịch bản thì khu vực lấn biển sắp tới sẽ giáp với đại dự án lấn biển Đa Phước đang còn dang dở.

Bài toán thêm đất, không mất môi trường

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 4.

Dự án cải tạo đất để tăng kết nối với cảng Tuas của Singapore dự kiến bắt đầu vào năm 2025 và hoàn thành vào khoảng năm 2029 - Ảnh: Straits Times

Theo trang ScienceDirect, Dự án cải tạo đất ven biển ở Malaysia năm 2023 (Coastal Reclamation in Malaysia) đã triển khai quy mô lớn để đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Kuala Lumpur và Johor Bahru. Theo báo cáo năm 2023, các dự án cải tạo đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Ví dụ, tại bang Penang, kế hoạch cải tạo 4.500ha đất ven biển để xây dựng các đảo nhân tạo cho phát triển thương mại và khu dân cư đang được triển khai. Ngoài ra, dự án Forest City tại Johor Bahru là một trong những dự án lớn, với mục tiêu cải tạo hàng trăm hecta đất ven biển, thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Singapore năm qua cũng đã công bố những phát triển quan trọng trong các dự án lấn biển nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở, tăng cường nguồn cung nước sạch và ứng phó với mực nước biển dâng.

Chẳng hạn, dự án Long Island được công bố vào ngày 28-11-2023 sẽ lấn khoảng 800ha đất dọc bờ biển phía đông của Singapore.

Theo Straits Times, dự án này sẽ tạo ra một hồ chứa nước ngọt mới và dự kiến sẽ mở rộng gấp đôi kích thước của vịnh Marina, nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt của Singapore trước các thách thức về nguồn nước do biến đổi khí hậu gây ra. Dự án còn được kỳ vọng cung cấp không gian cho nhà ở và các tiện ích trong tương lai.

Cùng với đó là dự án cải tạo đất để tăng kết nối với cảng Tuas. Theo Straits Times, việc lấn biển này là một phần trong nỗ lực tái sinh các khu công nghiệp cũ và cải thiện kết nối với cảng Tuas. Trước đây Tuas là vùng đất ngập nước, sau được lấp đầy và phát triển thành khu công nghiệp.

Từ những năm 1980, diện tích đất ở Tuas được mở rộng đáng kể thông qua các dự án lấn biển. Hiện nay Tuas là một khu vực công nghiệp lớn, tập trung nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp nặng và công nghệ sinh học. Hai trong số bốn nhà máy đốt rác lớn nhất Singapore cũng nằm ở đây.

Khi hoàn thành, cảng này sẽ có khả năng xử lý 65 triệu container hàng mỗi năm, gần gấp đôi so với hiện nay. Cảng Tuas được kỳ vọng sẽ trở thành cảng biển thông minh, tự động hóa và bền vững bậc nhất thế giới, góp phần củng cố vị thế của Singapore là trung tâm hàng hải quốc tế.

Chiến lược bền vững cho lấn biển

Lấn biển để có thêm đất là cần thiết nhưng nguy cơ gây ô nhiễm cũng là vấn đề rất được quan tâm. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của những dự án này, nhiều chiến lược bền vững đã được đề xuất tại các nước.

1. Các kế hoạch quản lý môi trường cần được xây dựng và thực hiện nghiêm túc nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và các loài động thực vật. Việc thực hiện các nghiên cứu sâu để xác định thời điểm và cách thức cải tạo đất có thể giảm thiểu thiệt hại là rất quan trọng.

2. Thiết kế và xây dựng các bức tường biển và đê chắn sóng không chỉ bảo vệ đất đã cải tạo mà còn giữ lại các môi trường sống tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và công nghệ tiên tiến cũng giúp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình cải tạo đất.

Trong dự án siêu cảng Tuas, theo Straits Times, JTC và Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) sẽ thử nghiệm việc sử dụng tro đáy từ lò đốt - một loại chất thải rắn từ quá trình đốt rác - làm vật liệu lấp. Thí nghiệm này là một phần trong nỗ lực nhằm giảm thiểu lượng chất thải từ lò đốt vào bãi rác Semakau, bãi rác duy nhất của Singapore.

3. Việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ ngay từ giai đoạn lập kế hoạch có thể đảm bảo nhu cầu và ý kiến của người dân được lắng nghe và xem xét.

Qua đó, các dự án cải tạo không chỉ đáp ứng được nhu cầu phát triển mà còn bảo vệ được môi trường và lợi ích của các cộng đồng địa phương. Sự tham gia này cũng giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế.

Lấn biển tạo đà phát triển - Ảnh 6.Thủ tướng đồng ý chủ trương lấn biển để làm khu thương mại tự do Đà Nẵng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý chủ trương lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian làm khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên