![]() |
Đại diện báo Tuổi Trẻ tại Quảng Ngãi trao huy hiệu “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” và phần thưởng cho anh Nguyễn Quang Vương - Ảnh: Văn Kỳ |
Đó là vụ cướp vàng bằng “thôi miên” ở Quảng Ngãi, vụ cướp tiệm vàng bằng ôtô ở Bình Thuận và vụ bắt cướp ly kỳ ở TP.HCM. Chiều 22-11, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao huy hiệu Làm báo cùng Tuổi Trẻ và phần quà 1 triệu đồng cho bạn đọc Q.V. làm việc ở P.2, Q.Bình Thạnh - người đã cung cấp thông tin về “một vụ bắt cướp ly kỳ” (Tuổi Trẻ 30-10).
Ông V. chia sẻ: “Có gì đâu, đọc báo Tuổi Trẻ thường xuyên nên khi thấy có vụ cướp trắng trợn và bắt được nên tui gọi để báo đăng tin cho mọi người biết mà cảnh giác. Sáng hôm sau tui mua báo thật sớm và đọc thấy tin bắt cướp nên mừng lắm. Tự nghĩ bụng mình đã làm được một việc tốt và không có gì phải sợ”.
Người đoạt giải thứ hai là bạn đọc Nguyễn Quang Vương (29 tuổi), ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), công tác tại chi nhánh Viettel huyện Bình Sơn - người đã kịp thời báo tin vụ dựng hiện trường giả cướp tại tiệm vàng Tín Huy (thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn) ngày 21-10.
Anh Vương cho biết cơ quan anh làm việc cách tiệm vàng Tín Huy chừng 300m, hôm đó thấy người dân hiếu kỳ, tụ tập đông và xôn xao việc cướp tiệm vàng. Anh sẵn lưu số điện thoại đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ nên gọi điện ngay. Việc báo tin sớm của anh Vương đã giúp phóng viên báo Tuổi Trẻ nhanh chóng có mặt tại hiện trường và đã đưa bài, ảnh lên Tuổi Trẻ Online (TTO) sớm nhất, lúc 13g46 cùng ngày. Anh Vương cũng là người báo tin cho Tuổi Trẻ vụ xe khách giường nằm Cúc Tùng bị bốc cháy đoạn qua xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) hồi tháng 11-2010.
Anh Vương cho biết anh là độc giả trung thành của Tuổi Trẻ từ năm 2001, khi còn là sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM. Khi đó, không có tiền nên anh cùng bạn ở phòng ký túc xá góp chung tiền để mua báo Tuổi Trẻ đọc hằng ngày, từ đó đến nay “ghiền” luôn. Anh Vương tâm sự sở dĩ anh luôn báo tin cho đường dây nóng Tuổi Trẻ bởi anh kỳ vọng báo luôn thông tin nhanh nhạy, chính xác, nóng hổi, phong phú... hấp dẫn người đọc, đồng thời giúp xây dựng được nhiều điều tích cực hơn trong xã hội.
Còn anh Nguyễn Phi Hùng, người báo tin vụ “cướp tiệm vàng bằng ôtô” (Tuổi Trẻ 15-10), cho hay do nhà anh ở cách hiện trường đêm xảy ra vụ cướp tiệm vàng Thu Thành chỉ 500m nên vừa hay tin anh đã ngay lập tức chạy đến xem, nắm thông tin và sau đó chạy ngay về nhà gọi cho Tuổi Trẻ báo tin.
Anh Hùng cho biết nhà anh có tiệm bách hóa, trong đó có bán các đầu báo. Mỗi ngày anh bán khoảng 20 tờ Tuổi Trẻ và xem báo như một người bạn của mình. Anh nhận xét so với các báo, chỉ có Tuổi Trẻ là có đến hai trang Bạn đọc nên anh chọn báo để cung cấp tin. Anh chia sẻ: “Nhận được thư cảm ơn và quà của quý báo, tui mừng quá nên đi khoe với bạn bè, hàng xóm. Ai cũng xin số của Tuổi Trẻ để lưu vô máy, có thông tin gì sẽ gọi ngay cho báo”.
Trăn trở với “Thế hệ... gối ôm” Chị Đào Thị Thanh Tuyền (52 tuổi) tác giả của bài viết “Thế hệ... gối ôm” (bút danh Kim Duy) trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần 30-10 cũng được trao giải tháng này. Chị Tuyền cho biết mình là độc giả trung thành của Tuổi Trẻ cuối tuần nhiều năm nay và đã có nhiều tác phẩm đăng trên Tuổi Trẻ ở mục truyện ngắn, trang bạn đọc... “Đi trên tàu tôi thấy nhiều chàng trai tuổi teen ngồi mở máy lướt web, tai đeo phone nghe nhạc, nhưng thường thiếu hụt kỹ năng trong những việc bình thường. Rồi khi đưa con gái vào TP.HCM nhập học cũng phải cùng con gái đi mua gối ôm, tôi đã nảy sinh ý tưởng cho bài viết “Thế hệ... gối ôm”. Tôi nghĩ đó là tâm sự của mình muốn chia sẻ với mọi người. Sau đó, đọc bài viết “Gối ôm tròn cũng có hai mặt” đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tôi thấy đây là vấn đề có phần do khách quan, rất đáng quan tâm” - chị Tuyền nói. Chị Tuyền cho biết sẽ tiếp tục cộng tác với báo Tuổi Trẻ bởi ở đó chị được chia sẻ nhiều hơn những suy nghĩ, cảm xúc của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận