24/05/2011 09:35 GMT+7

Làm việc không hợp với sếp, có nên nghỉ việc?

phanngo....@....
phanngo....@....

TTO - Tôi 24 tuổi, đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chuyên ngành kỹ thuật hóa học. Tôi đang làm nhân viên kinh doanh tại một công ty TNHH nhỏ dạng công ty gia đình một năm nay, kinh doanh sản phẩm sinh học (trái ngành học của tôi).

gmszgVRn.jpgPhóng to
Ảnh: integrityhr.com

Trong quá trình làm việc vài tháng đầu, tôi nhận ra mình thích công việc kinh doanh và mong muốn làm giàu từ công việc này. Tôi vui vì mình có định hướng công việc tốt, vì bạn bè cùng trang lứa với tôi đã nhảy việc 2-3 nơi mà vẫn chưa tìm ra sự yêu thích trong công việc.

Tuy nhiên, cách quản lý kiểu công ty gia đình làm mọi người trong công ty mệt mỏi, và tính từ lúc tôi vào làm đã có năm người nghỉ việc, trong đó có cả chị trưởng phòng kinh doanh tài giỏi mà tôi kính nể. Tôi ngày càng chán nản, mỗi ngày đi làm nặng nề như cả tảng đá. Đặc biệt, sếp thường xuyên cáu gắt nên một người mới vào nghề như tôi rất muốn học hỏi về khách hàng, sản phẩm nhưng sợ không dám hỏi. Tôi cũng chẳng có ai khác để hỏi ngoài sếp vì mọi người đã nghỉ việc gần hết.

Mọi việc tôi đều phải hỏi ý kiến sếp, tuy nhiên ý kiến của ông ấy thường xuyên thay đổi (đặc biệt về giá cả khi làm báo giá) và tôi phải giải thích lại sự thay đổi đó cho khách hàng bằng những lý do tôi tự nghĩ ra. Tôi không muốn làm khách hàng của mình ngày càng có đánh giá không tốt về công ty. Tôi muốn chăm sóc họ thật tốt mặc dù tôi không nhận được hoa hồng từ lợi nhuận tôi kiếm được. Công việc của sếp lại quá nhiều nên công việc của tôi hay bị dồn lại vì chờ ý kiến từ sếp quá lâu. Lúc ấy khách hàng luôn phàn nàn và nghĩ công ty này sao mà chậm chạp quá.

Trong vòng hai tháng nay, tôi luôn rơi vào trạng thái chán nản và muốn nghỉ việc ngay. Nhưng tôi còn đi học thêm buổi tối và lo cho gia đình riêng nên tôi sợ chưa tìm được việc mới mà đã nghỉ, chồng tôi sẽ không đủ sức lo cho gia đình.

Mong chuyên gia cho ý kiến tôi có nên nghỉ việc không?

- Chào bạn. Cách quản lý tập quyền là một trong những nét văn hóa của công ty, cách quản lý này có những mặt ưu và khuyết điểm riêng (so với các cách quản lý khác như phân quyền, dân chủ). Do văn hóa công ty sẽ từ người đứng đầu/ sáng lập công ty gầy dựng nên và “truyền” xuống các cấp thấp hơn nên là một nhân viên, nếu muốn gắn bó với công ty bạn nên tập thích nghi với cách quản lý này.

Bạn khó có thể thay đổi văn hóa công ty, song bạn hoàn toàn có thể cải thiện mối quan hệ với sếp. Cụ thể là: tìm hiểu nguyên nhân khiến sếp “thường xuyên cáu gắt”, có thể khối lượng công việc quá nhiều (như bạn đề cập) là một nguyên nhân. Để hợp tác suôn sẻ với một ai nào đó, bạn cần quan sát và hiểu tính cách của người đó (thích gì, không thích gì…), với cấp trên cũng vậy.

Từ đó, bạn chọn thời điểm thích hợp để hỏi ý kiến sếp và cần hạn chế khi sếp đang quá bận. Trong trường hợp khẩn cấp, khi hỏi bạn nên tự đề xuất luôn phương án giải quyết hiệu quả hoặc cách khác, đề nghị sếp cấp quyền hạn cho bạn đối với một số vấn đề trong khả năng.

Mỗi công việc đều có “cái được” và “cái chưa được”. Do vậy, trước khi quyết định thay đổi công việc bạn cần cân nhắc: “Cái được” mà công việc hiện tại mang đến cho bạn có phù hợp và giúp ích cho mục tiêu nghề nghiệp của bạn? “Cái chưa được” có ảnh hưởng như thế nào đến những yếu tố quan trọng như cuộc sống tinh thần, sức khỏe của bạn? Từ đó, vì “cái được”, liệu bạn sẵn lòng chấp nhận “cái chưa được” và vui vẻ phấn đấu vượt qua những giai đoạn khó khăn (như hiện nay) để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình?

Bạn nên tìm một công việc mới trong trường hợp cách quản lý của sếp ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả công việc cũng như cuộc sống gia đình, đồng thời trong một năm qua bạn đã tích lũy được vốn kinh nghiệm như ý, và “tận đáy lòng” bạn thật sự mong muốn tìm một người sếp khác phù hợp hơn. Bạn có thể tìm công việc mới phù hợp hơn ngay trong thời gian làm ở công ty hiện tại, tuy nhiên cần lưu ý: bạn cần sắp xếp thời gian để đảm bảo hoàn thành tốt công việc hiện tại, để lúc “ra đi” bạn có thể đường hoàng và tự tin nhìn về những gì bản thân đã cống hiến cho công ty cũ.

Kinh doanh là lĩnh vực có sự thay đổi nhân sự khá thường xuyên. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng rất coi trọng lòng trung thành của ứng viên đối với doanh nghiệp, điều này thể hiện qua thời gian bạn gắn bó với một công ty. Thời gian an toàn nên trên một năm.

Do vậy, ngay từ bước đầu chọn công việc, bạn cần tìm hiểu kỹ tính chất công việc, người quản lý trực tiếp cũng như văn hóa công ty trước khi nhận lời làm việc. Như bạn đã tự rút ra, đảm nhận một công việc phù hợp sẽ giúp bạn gắn bó lâu dài với công ty.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

phanngo....@....
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên