Chân dung Trần Từ Duy. Tranh: Lan Vo. |
"Hóa ra lão thi sĩ Bùi Giáng đã viễn kiến cái ngày này từ 20 năm trước. Dạo ấy Bùi tiên sinh sau khi: “Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn” đã ghé lại căn nhà cấp 4 trong con hẻm nhỏ đường Phan Xích Long bây giờ í ới gọi “Duy Từ Trần ơi! Duy Từ Trần hỡi!” rồi sau đó một già một trẻ nâng ly đế và phúng chuyện đời
Duy đã đến Tuổi Trẻ Cười dạo cuối những năm 80 khi tôi được phân công phụ trách tờ báo đó, mỗi chiều tôi thường uống bia hơi với mấy người bạn “giang hồ” xứ Quảng như nhà thơ Trần Phá Nhạc, Hưng Văn, Lưu Hồng Cúc… Duy thường cầm một ca lớn bia hơi đến bàn: “mình góp bia, ngồi tán dóc hỉ”.
Nói tán dóc nhưng anh toàn châm chọc người này người khác, ngồi một chập thế nào cũng gây chuyện. Anh hay nói đến chữ “khẩu nghiệp”. Khẩu nghiệp nếu có chắc anh phải mang đến cả vạn cái nghiệp. Anh châm chọc không từ một ai kể cả đến những điều thiêng liêng không mấy ai dám đùa cợt:
“Đã có lúc ta về chơi cửa Phật
Sau bao năm nương náu ở cửa mình
Và ta biết cửa nào rồi cũng vậy
Ta đa tình đâu thoát cửa vô minh”
(Cửa)
Hoặc
Làm thơ rồi lại làm giàu
Cả hai thứ ấy làm nhàu đời ta
Đôi lần gặp Phật Thích Ca
Phật khuyên tốt nhất nên là làm thinh
Ác thay ta thích làm tình…
(Làm gì?)
Một buổi sáng anh đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười:
- Ông cho tôi làm cộng tác viên hen! (Dạo ấy tôi chưa biết nhiều về Duy)
- Ông cộng tác mảng nào?
Anh xin một tờ giấy rồi hí hoáy ngồi viết
Sài Gòn có gã Đông Ki
Rét ngồi ngựa gỗ tay ghì dây cương
Người thì dở, sức thì ương
Cũng đòi vào chốn văn chường múa may
Rằng hay thì thật là hay
Nhưng mà không múa thì hay hơn nhiều
Đọc xong bài thơ tự trào của Duy tôi phá lên cười:
- Thôi ông khỏi làm cộng tác viên mà mỗi tuần vào đây lo cái vụ thơ châm biếm cho tôi. Thế là cái mảng văn vần trên Tuổi Trẻ Cười là do Duy sáng tác và tuyển chọn từ đó. Cứ mỗi lần họp hội đồng biên tập Tuổi Trẻ Cười, anh là “ngòi nổ” để cãi nhau đủ thứ chuyện. Anh hết châm chọc Mai Bá Kiếm đến cà khịa Hoàng Thiếu Phủ hoặc đùa
Tôi còn nhớ dạo nhà báo Vũ Quang Hùng rời khỏi báo Công An, Duy đã ghi nhận sự kiện bằng hai câu thơ Bút Tre: “Hoan hô đồng chí Vũ Quang/ Hùng anh bỏ báo Công An thánh phò (thành phố)”.
Thực ra Duy đến với nghiệp văn chương không chỉ bằng mảng thơ trào phúng mà có khá nhiều bài thơ trữ tình của anh được lưu truyền trong giới bè bạn như:
“Mai người đi chắc chuyến đò đông
Không theo tiễn người về cuối bến
Tôi sợ mình mang cơn bão đến
Chao đời người trên mặt sông…”
(Tiễn người)
Thức đi! Đừng ngủ con ơi
Lòng cha cũng muốn ru hời à ơi
Nụ buồn chẳng nở hoa vui
Đắng cay cha hát ngọt bùi được sao.
(Hát ru thức)
Thơ Duy mượt mà nhưng cách ăn nói và hình dáng khá “xù xì”, râu tóc bờm xờm, tướng mạo như con gấu, uống rượu như hũ chìm. Ngồi đâu cũng chọc phá gây gổ hết người này đến người khác. Cãi lộn là vậy nhưng không mấy ai ghét bỏ vì như Duy thường nói: “Câu chuyện của tôi là mồi nhậu cho mấy ông mà”.
Hôm nay Duy đã ra đi, cái giá vẽ anh tặng tôi vẫn còn đó, để mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến những nét đối nghịch trong một nhà thơ".
Tuổi Trẻ Cười số ra ngày 1-11-2015 phát hành toàn quốc với nhiều nội dung đặc sắc. các cây bút tham gia: Đồ Bì, Lê Minh Quốc, Hậu khảo cổ, nghệ sĩ Xuân Hương, Trần Bung... Mời các bạn tìm mua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận