Bởi trước đó nhiều mặt hàng đã tăng giá mạnh trong sáu tháng đầu năm 2024, trong khi thu nhập vẫn chưa hồi phục vì kinh tế khó khăn đã tạo ra áp lực lớn đến kinh tế nhiều hộ gia đình.
Thách thức lớn với giá cả
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - giám đốc Emonica Việt Nam - nhấn mạnh việc tăng lương là rất cần thiết, tăng thu nhập cho cán bộ, công viên chức, tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động. Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương cũng cần thiết nhằm kích cầu, tăng tiêu dùng trong nước trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông Bình lo ngại nếu không có giải pháp hợp lý thì việc tăng lương sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng. Thực tế việc tăng lương sẽ có tác động tới lạm phát không phải từ quy mô thực tế, mà vấn đề ở yếu tố kỳ vọng.
Quan sát từ những dịp điều chỉnh trước, ông Bình nhắc lại có xuất hiện hiện tượng "té nước theo mưa", "nước nổi bèo nổi", thậm chí lương chưa kịp tăng giá cả đã đẩy lên.
Cũng theo ông Bình, việc chọn tăng lương thời điểm từ 1-7 (giữa năm) cơ bản sẽ giảm áp lực tăng thêm so với quý cao điểm về giá cả như đầu năm hoặc cuối năm. Với những mặt hàng Nhà nước quản lý giá, có thể can thiệp bằng cách tạm dừng chưa tăng để giảm áp lực cộng hưởng lên lạm phát.
"Còn với những mặt hàng giá do thị trường quyết định, cần thiết những giải pháp về mặt truyền thông chính sách để giảm bớt kỳ vọng lạm phát, không thể tăng lương là tăng giá theo", ông Bình nói. Cụ thể, cần tuyên truyền, truyền thông để các doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiểu rằng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, sức cầu yếu, việc tăng sẽ ảnh hưởng đến sức mua.
Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) - lưu ý việc tăng lương diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng kể từ đầu năm, khả năng tạo áp lực lớn trong quý 3.
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2024 tăng 0,05% so với tháng trước và 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia MBS nhận định giá thịt heo bật tăng và những đợt nắng nóng xuất hiện đã đẩy giá điện lên cao và kéo CPI tăng trong tháng.
Bình quân 5 tháng năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,7%. Diễn biến CPI đang cho thấy chiều hướng tăng kể từ đầu năm nay và đang tiến gần đến mức 4,5% mục tiêu Chính phủ đề ra, bà Hiền nhận định.
Chưa kể, theo bà Hiền, chi phí vận chuyển và giá vé máy bay cũng tăng do nhu cầu du lịch phục hồi tác động không nhỏ đến lạm phát trong nước. Áp lực tỉ giá lại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu và nhiên liệu.
Thực tế trước khi thực hiện tăng lương, mặt bằng giá cả đã chịu áp lực rất lớn khi doanh nghiệp phải trả thêm chi phí đầu vào. "Chi phí sản xuất tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm qua đã dẫn đến việc tăng giá bán, điều này có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường trong những tháng tới", chuyên gia MBS nhận định.
Tăng cường kiểm soát
Ông Lê Duy Bình nhấn mạnh cần làm rõ hơn từ ngày 1-7 sẽ áp dụng tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (30%) cho tất cả cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang.
"Số lượng cán bộ hưởng lương ngân sách chỉ chiếm vài phầm trăm dân số, quy mô không lớn để tạo ra áp lực tăng giá thực sự, nếu có thì phần lớn là kỳ vọng. Những thông tin này cần làm rõ để những người cung cấp dịch vụ, sản phẩm hàng hóa cân nhắc trước khi quyết định đẩy giá lên", ông Bình nói.
Ông Bình cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thanh tra, giám sát để phát hiện kịp thời những trường hợp vi phạm luật cạnh tranh, liên kết tăng giá vô tội vạ, ảnh hưởng đến thị trường.
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng đề xuất cần có các biện pháp kiểm soát tránh tình trạng "té nước" theo lương.
Đại biểu Hoàng Anh Công - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng việc tăng lương mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nhưng Chính phủ, các cơ quan cũng cần có các giải pháp quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát giá cả, giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, cần làm tốt công tác thanh tra kiểm tra quá trình niêm yết giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tình trạng tăng giá bất hợp lý làm mất đi ý nghĩa việc tăng lương, gây ảnh hưởng đời sống người lao động. Nhất là phải kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống...
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết thông tin đề xuất tăng lương cơ sở từ 1-7 lên 2,34 triệu đồng là niềm vui với bất cứ người lao động nào. Tuy nhiên thực tế nhiều năm nay, trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng hàng hóa "té nước" theo lương, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều dù ai cũng mong muốn có thể sống được bằng chính đồng lương của mình.
Thực tế Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong thời gian qua để giải quyết tình trạng này.
Do vậy, cần tiếp tục thực hiện cho tốt, trong đó các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá công khai, thông tin về giá. Tổ chức thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Chỉ khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, nói cách khác, chỉ khi hạn chế được tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng", "giá tăng theo lương" thì mục đích của việc tăng lương cho người lao động mới được thực hiện đầy đủ.
Đề cập đến giải pháp kiểm soát, điều hành giá khi ngày 1-7 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở, ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho biết Chính phủ điều hành chủ động các mặt hàng giá Nhà nước quản lý trên cơ sở các tín hiệu của thị trường để kiểm soát lạm phát, cùng với những giải pháp về thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đã phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra.
Áp lực lạm phát
Theo dữ liệu từ WiGroup - một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính doanh nghiệp, chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 54% trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 1-2024. Mức này cao nhất trong bốn quý trở lại đây. Quý 4 năm ngoái, chi phí này chỉ chiếm 48%. Dữ liệu được thống kê trên hơn 1.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết.
Ông Lê Duy Bình cũng cho rằng áp lực lạm phát đến thực tế từ phía cầu không lớn mà chủ yếu đến từ phía cung, khi chi phí sản xuất tăng cao. Việc này cần được theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận