Đưa nghê Việt vào thay thế sư tử ngoại lai
Ngày 8/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL - MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý, của các địa phương, cùng với sự tuyên truyền của các cơ quan truyền thông đại chúng, việc triển khai thực hiện công văn 2662 đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ.
Nói không với sinh vật ngoại lai
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công văn 2662 ra đời đã kịp thời chấn chỉnh việc các ban quản lý di tích ở địa phương tự ý tiếp nhận, đưa hiện vật lạ vào di tích.
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, từ việc có 435 sư tử đá và hiện vật không phù hợp tại các di tích, sau 3 năm thực hiện, nhiều di tích ở Hà Nội đã tự di dời, gỡ bỏ các hiện vật không phù hợp truyền thống và thuần phong mỹ tục. Và cho đến nay, hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các vật phẩm lạ không phù hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong nội tự các di tích ở Thủ đô.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình, cho biết sau 3 năm thực hiện, Ninh Bình đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ, huyện Hoa Lư và đền Đức thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn. Một số di tích nhỏ và hộ gia đình cũng tự nguyện di dời linh vật ngoại lai. Đặc biệt, trào lưu sử dụng sư tử đá để trang trí nội, ngoại thất ở các gia đình, trụ sở công ty, nơi làm việc... hầu như không còn. Ngay ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, không còn mấy khách đặt mua linh vật ngoại lai nữa.
Ở nhiều địa phương khác như Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bến Tre... các linh vật ngoại lai tại các di tích được xếp hạng đã di dời khỏi khuôn viên di tích, hầu hết các di tích đều không còn trưng bày các sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam...
Đưa linh vật Việt vào đời sống
Tuy nhiên, có một thực tế là ở nhiều địa phương, một số cán bộ và nhân dân vẫn còn chưa phân biệt được các loại tượng, hiện vật ngoại lai, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ngoại lai và các sản phẩm truyền thống. Thậm chí, người dân chưa nhận thức đầy đủ về việc trưng bày các vật phẩm, linh vật không phù hợp văn hóa Việt là vi phạm với Luật Di sản.
Bên cạnh đó, việc di dời, xử lý các linh vật ngoại lai cũng gặp nhiều khó khăn, do các tượng, linh vật bằng chất liệu đá, xi măng, trọng lượng rất nặng, nhiều linh vật mang kích thước lớn, do đó chỉ di dời ra khỏi khuôn viên các di tích mà vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để nên các tượng trên vẫn còn tồn tại trên địa bàn...
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho rằng, cần phải loại bỏ vĩnh viễn các linh vật ngoại lai, chứ không chỉ là di dời, bởi nếu chỉ di dời, đặt vào một chỗ khác thì rất có thể thế hệ sau không hiểu sẽ sử dụng lại. Như vậy, những linh vật này sẽ tiếp tục trở thành "kẻ xâm lăng văn hóa". Chính vì vậy, để loại bỏ vĩnh viễn những linh vật ngoại lai này, cần phải làm triệt để bằng cách tiêu hủy, hoặc chế tác lại các linh vật ngoại lai đó thành các linh vật thuần Việt, đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu để người dân hiểu, thế nào là linh vật Việt, để từ đó, dân biết, dân tin và dân sẽ làm theo.
Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một trong những giải pháp hữu hiệu để triệt để loại bỏ linh vật ngoại lai, là phải nhận diện và làm sống lại những giá trị của linh vật Việt. Và để làm được việc đó, cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đặc biệt là của các nhà nghiên cứu văn hóa.
Thực tế cho thấy, trong 3 năm thực hiện Công văn 2662, cùng với việc loại bỏ, di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích, rất nhiều người tâm huyết với giá trị văn hóa Việt đã tham gia vào công cuộc "làm sống lại" linh vật Việt.
Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu tượng, tranh, sách về các linh vật Việt, nhiều cá nhân rất tâm huyết với linh vật Việt như chàng thanh niên Nguyễn Trí Quang, với việc số hóa gần 100 tượng linh vật Việt, giúp cho việc lưu trữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ phối hợp Hội quán Di sản ở Hà Nội đã tiến hành thực hiện phục chế một số mẫu tượng linh vật truyền thống; Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ cơ sở xưởng Gỗ Giang ở làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) với việc chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc; Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống; hay Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng, trong đó ra mắt những tranh mới với những linh vật của Việt Nam được lấy mẫu từ trong trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt...
Một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định... nơi có các làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử... đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống.
Điều đáng mừng là các sản phẩm từ linh vật Việt đã và đang được nhân dân đón nhận, điều này chứng minh, những giá trị của văn hóa Việt, linh vật Việt đã và đang dần hiện hữu trong đời sống người dân, từng bước nâng cao ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận