22/04/2015 09:55 GMT+7

​Làm sao từ chối sự kích thích từ đám đông?

THU HÀ
THU HÀ

TT - Hẳn các bố mẹ cho con tham gia công viên nước Hồ Tây cũng hi vọng con sẽ có một ngày vui vẻ.

Kết quả khảo sát trên Tuổi Trẻ Online sau bài viết “Leo rào đi tắm: có đáng để đổi lấy nguy hiểm" (21-4)  Đồ họa: Việt Anh

Và khi công viên đóng cửa, có lẽ vì tiếc sự chuẩn bị và hi vọng nên họ mới bế con trèo qua hàng rào cao tới mấy mét.

Sự kích thích từ đám đông thật khó mà từ chối, việc ào ào xông lên vượt rào cũng có sự hấp dẫn không nhỏ. Cuộc trèo rào có chút vui nhưng đánh đổi thì quá nhiều. Hàng rào quá cao, quá nguy hiểm. Nếu ở các nước phát triển thì những cha mẹ này đã bị buộc tội hình sự, tội danh “gây nguy hiểm cho trẻ con” (children dangerment) rồi.

Còn nếu vào trót lọt thì sao? Trong đó đông kịt người. Nước tiểu, bụi bẩn, mồ hôi đã quá tải các máy lọc. Hàng nghìn trai tráng đang phấn khích thế kia thì nguy cơ bị quấy rối tình dục rất cao. Và đúng là thực tế đã có.

Nhớ vụ giẫm đạp ngày tết dương lịch ở Trung Quốc khiến 36 người chết vẫn còn nóng hổi. Ngày đó tôi đã ngại ngần một chút, tự hỏi có nên cho con xem cái tin quá sốc này không.

Nhưng cuối cùng tôi quyết định con tôi nên biết để sợ mà tránh các khu vực đông người, vào một đám đông đều phải tự đặt câu hỏi: “Liệu đám đông này có hỗn loạn không? Lối thoát hiểm ở đâu?”.

Nước ngoài cũng từng có những vụ giẫm đạp khi hành hương tới thánh địa. Cho nên kỹ năng thoát khỏi một đám đông luôn luôn phải học.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khắc nghiệt chưa từng thấy. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề mà bố mẹ, ông bà chưa từng có kinh nghiệm để dạy, đó là sự đảo lộn thế giới của smartphone và mạng xã hội.

Vài năm nay và tiếp tục về sau, mọi việc mình làm, mọi câu mình nói, kể cả buột miệng hoặc bột phát, đều ngay lập tức có thể bị camera ghi lại. Hầu như mỗi người xung quanh ta ai cũng đang sẵn sàng trong tay một thiết bị quay phim, chụp hình và ngay lập tức có thể xuất bản.

Nhờ mạng xã hội, nhờ phần bình luận trên các báo mạng, ai cũng có thể nấp sau bàn phím và nick ảo để tha hồ mạt sát chửi rủa, rồi hả hê chia sẻ những hình ảnh về bạn. Những tin không hay lại càng hot, nên chỉ cần hớ hênh một tích tắc bạn đã bị lưu danh thiên cổ rồi.

Và đúng là thế, hôm nay hình ảnh ba mẹ bế con leo rào, các cô gái trèo rách nội y, chen lấn rách bikini... đã lập tức tràn ngập. Nghĩ xem, thật là khủng khiếp, khi ngay lập tức tên mình, hình ảnh mình đã bị Google lưu lại vĩnh viễn, chuyển đi khắp thế giới, không cách gì xóa được. Ngày xưa ông bà nói cọp chết để da, người ta chết để tiếng, nhưng bây giờ nỗi lo là cái tên của mình trên Google.

Thế nên có lẽ mỗi lần định làm điều gì, chỉ cần dừng lại một tích tắc để tưởng tượng rằng “nếu hàng triệu người trên thế giới sẽ nhận được những hình ảnh này...”. Hi vọng nguy cơ đó sẽ làm chúng ta sống bình tĩnh hơn!

* GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Đáng lo ngại nếp sống “tranh thủ”

Gần đây, ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng có khá nhiều hiện tượng phản ánh nếp sống văn hóa đáng lo ngại: đó là nếp sống “tranh thủ”. Người ta thấy cơ hội là bất chấp làm ngay, không cần biết có phù hợp với nếp sống văn hóa không, có tạo ra hình ảnh xấu cho cá nhân mình nói riêng và cộng đồng chung hay không.

Thực tế nếu người dân cứ thiếu tự kiềm chế, thiếu tự kiểm soát như vậy thì những người làm dịch vụ có ý tưởng “miễn phí” cũng sẽ không còn thiện chí để làm “miễn phí” nữa. Căn nguyên của hiện tượng hám lợi là người ta không quan tâm đến người khác, cứ có lợi là bất chấp làm ngay.

Người Việt mình thường khi hành xử ở nơi mà người xung quanh “biết mặt, biết tên” mình thì có vẻ giữ gìn hơn, nhưng ra chốn công cộng, yên tâm “chẳng ai biết ai vào với ai” thì lại hành xử tùy tiện hơn. Không biết nét tính cách này được để lại từ bao giờ nhưng nhất định phải sửa.

* GS.TS NGUYỄN NGỌC PHÚ (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam):

Ý thức cộng đồng quá kém

Vụ việc đua nhau vượt rào sắt nguy hiểm ở công viên nước Hồ Tây không thể đổ cho “tâm lý đám đông” mà là biểu hiện sinh động ý thức kỷ luật của một bộ phận người dân quá kém.

Một xã hội văn minh không thể chấp nhận những hình ảnh xấu, gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến nền nếp, kỷ cương.

Các đơn vị tổ chức cần phân tích thấu đáo, đưa ra được những kịch bản có thể xảy ra và lường trước ứng xử trong những tình huống ấy. Nếu quá tải mà có hướng dẫn cụ thể, có giám sát chặt chẽ sẽ không xảy ra cảnh hỗn loạn. 

NGỌC HÀ ghi

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên