08/01/2013 02:10 GMT+7

Làm sao hết viêm mũi dị ứng?

(Nguyễn Thị Thu)
(Nguyễn Thị Thu)

TT - Tôi bị ho nhiều năm nay, đặc biệt khi trời lạnh hoặc buổi tối sẽ ho nhiều hơn. Ho thường có đàm trắng, khi nặng có đàm xanh ở cổ. Thi thoảng khi ho nhiều tôi bị khó thở (xuất hiện cách đây ba năm). Ngoài ra tôi bị viêm mũi dị ứng, thay đổi thời tiết là hắt hơi chảy nước mũi. Nhưng khó chịu nhất là bị ngứa ở vòm trên bên trong miệng, ngứa không gãi được mà phải lấy lưỡi đẩy qua đẩy lại và khịt khịt mũi một lúc. Sau đó thì đỡ ngứa nhưng lại thấy đau.

Ngủ dậy tôi phải hít mạnh mấy lần mới kéo được đàm từ chỗ ngứa xuống để nhổ đi. Lạ là đàm đó không ở trong mũi, không ở trong họng. Riêng hiện tượng này tôi bị hơn 10 năm rồi. Xin hỏi bác sĩ đó là bệnh gì, chữa thế nào?

- Theo những triệu chứng và diễn tiến chị mô tả, chúng tôi nghĩ nhiều là chị bị viêm mũi xoang dị ứng, từ thường gọi là viêm mũi dị ứng. Đây là một bệnh lý của hệ thống miễn dịch, hệ thống này có phản ứng quá mức với những chất lạ từ môi trường bên ngoài cơ thể, gọi là dị nguyên. Nếu biểu hiện ở mũi sẽ là bệnh viêm mũi dị ứng, biểu hiện ở phổi sẽ là bệnh suyễn và biểu hiện ở da là bệnh chàm. Và rất có thể trên cùng một bệnh nhân có cả ba bệnh là viêm mũi dị ứng, suyễn và chàm hoặc hai trong ba bệnh này.

Bệnh viêm mũi dị ứng có diễn tiến nhiều năm giống trường hợp của chị. Triệu chứng điển hình của bệnh gồm thứ nhất là hắt xì, thường hắt xì thành một tràng, có người bị vào buổi sáng, có người bị suốt cả ngày, đặc biệt sẽ xuất hiện khi tiếp xúc với dị nguyên. Thứ nhì là chảy mũi ra trước gây khụt khịt hoặc ra sau gây khạc đàm, tằng hắng, hoặc ho ra dịch trong, khi có thêm nhiễm trùng sẽ ho ra đàm xanh. Thực tế nhiều trường hợp có chảy mũi ra sau nhưng bệnh nhân không cảm nhận được giống như chị, khi dịch chảy nhiều có thể gây ho hoặc gây khó thở do co thắt thanh khí quản. Thứ ba là ngứa mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt ngứa họng, ngứa tai. Trường hợp của chị, bệnh gây ngứa ở khẩu cái và vòm họng. Sau cùng là triệu chứng nghẹt mũi, có thể nghẹt luân phiên đổi bên, hoặc nghẹt cả hai bên trong những trường hợp nặng hoặc có polyp mũi.

Để điều trị bệnh, chị nên đi khám ở một bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Điều trị lý tưởng nhất là tránh được dị nguyên hoặc điều trị bằng liệu pháp miễn dịch làm cơ thể quen dần với dị nguyên không còn phản ứng nữa. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay các bước chẩn đoán xác định dị nguyên và liệu pháp miễn dịch chưa phổ biến. Cách điều trị thông thường nhất là sử dụng phối hợp thuốc kháng histamine, thuốc corticoid xịt mũi.

Trường hợp của chị có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày để làm sạch hai hố mũi, vòm mũi họng để giảm ho và khạc đàm.

Chúc chị sớm tìm được cách chữa bệnh phù hợp.

(Nguyễn Thị Thu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên