Sạt lở núi ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cuối tháng 10-2020 làm nhiều người chết, mất tích - Ảnh: LÊ TRUNG
Lý giải nguyên nhân, phòng chống và có giải pháp giảm thiểu là chủ đề mà hội thảo "Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu" muốn gửi gắm. Hội thảo do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức sáng 16-1.
Những trận lũ, sạt lở đất dồn dập ở miền Trung cuối năm 2020 như phần nào diễn tả được sự khắc nghiệt của thiên tai ngày càng phức tạp.
Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết ngay sau bão, lũ, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.
"Đó là những giải pháp tạm thời, trước mắt, chưa có một nghiên cứu tổng thể, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu lũ quét, sạt lở" - ông Thanh nói.
Báo cáo của tỉnh Quảng Nam cho thấy những nguyên nhân xảy ra lũ quét, sạt lở đất vừa qua ở tỉnh là cường độ mưa lớn kéo dài tại khu vực đồi núi cao.
Cụ thể trong tháng 10-2020, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã xuất hiện 27 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.512mm, lượng mưa ngày lớn nhất đạt 254.4mmvào ngày 28-10 với cường suất mưa đạt 41.4mm/giờ.
Lượng mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày như trên đã làm cho đất bão hòa nước, mất dần liên kết gây sạt lở, tạo lực trượt kéo xuống phía dưới. Vả lại địa hình thấp dần ra biển với độ dốc lớn, cộng với địa chất phức tạp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Theo TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, kết quả nghiên cứu tại Quảng Nam đã chỉ rõ độ dốc, mưa lớn kéo dài, địa chất, chất lượng của thảm phủ rừng và cơ sở hạ tầng là các nguyên nhân chính tác động đến sạt lở đất. Phần lớn các trận sạt lở đất xảy ra vào mùa mưa của những năm mưa nhiều, tổng lượng mưa cao.
"Các vụ sạt lở đất thường xuất hiện trùng hoặc sau một ngày so với thời gian xuất hiện mưa vào ngày lớn nhất trong tháng. Trước khi xảy ra sạt lở đất trên khu vực đã có mưa kéo dài từ 3-5 ngày" - ông Tuấn dẫn giải.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam, cần chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như rà soát cụ thể các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để xây dựng bản đồ cảnh báo với tỉ lệ phù hợp, tối thiểu tỉ lệ 1/5.000 đối với cấp huyện và tỉ lệ 1/2.000 đối với cấp xã.
Thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó.
Và đặc biệt tổ chức khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, trồng rừng để tăng diện tích rừng tự nhiên, hạn chế, không trồng rừng sản xuất ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Theo ông Tuấn, phải có giải pháp phi công trình và công trình, rà soát đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020 để có phương án di dời hẳn hay di dời tạm thời.
Bên cạnh đó tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận