30/09/2013 15:45 GMT+7

Làm rõ tình hình nợ xấu được xử lý đến đâu

TTXVN
TTXVN

Sáng 30-9, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị lần này thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc và một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến công tác xây dựng Đảng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 vấn đề chính.

hdMniJwX.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Làm rõ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại?

Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế - xã hội năm 2013, phải bám sát kết luận của trung ương, Nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013.

Chú trọng làm rõ các vấn đề như: kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại như thế nào; tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thị trường bất động sản bị đóng băng, "thừa tiền, thiếu vốn" được xử lý ra sao; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đạt được ở mức nào...

Phải chăng đến năm 2014 vẫn phải tiếp tục thực hiện mục tiêu củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đối với một số chỉ tiêu chủ yếu, trung ương cần cho ý kiến định hướng để Quốc hội thảo luận, quyết định.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Cách đây đúng một năm, Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành kết luận về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh Đề án để trình Ban Chấp hành trung ương vào thời gian thích hợp.

Thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ cùng Ban Tuyên giáo trung ương đã tích cực chuẩn bị, huy động sự tham gia của các cơ quan hữu quan, sự đóng góp đầy tâm huyết và hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, hoàn chỉnh đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết để trình trung ương xem xét, quyết định tại hội nghị lần này.

Yêu cầu đặt ra là phải tạo được sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này. Trung ương cần thảo luận, bàn bạc thật kỹ sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đánh giá thẳng thắn, đúng thực trạng tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của những thành tựu, kết quả đã đạt được cũng như những yếu kém, hạn chế cần chấn chỉnh. Đặc biệt là tập trung xác định rõ hơn nội hàm đổi mới căn bản và toàn diện.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Tại các hội nghị lần thứ hai, thứ năm và thứ bảy của khóa này, Ban Chấp hành trung ương đã lần lượt bàn về: chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; định hướng về một số nội dung cơ bản cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; kết luận về việc tiếp thu ý kiến nhân dân hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và cho nhiều ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban biên tập đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; đồng thời tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân, hoàn thiện toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình hội nghị trung ương lần này.

Như trung ương đã nhiều lần xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị, vì Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý cơ bản điều chỉnh những quan hệ xã hội trọng yếu nhất, có tính nền tảng, thể hiện bản chất của Nhà nước và chế độ; là đạo luật gốc của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia.

Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Cách đây 10 năm, Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với sự đổi mới tư duy mạnh mẽ và có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp mang tính đột phá, khả thi cao. Tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết quan trọng này là việc làm hết sức cần thiết để trung ương phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống tình hình và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tình hình thế giới, khu vực đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Cần tập trung đánh giá khách quan những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm chủ yếu. Chỉ rõ những mục tiêu, quan điểm, phương châm, tư tưởng chỉ đạo và bài học kinh nghiệm nào đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện.

Phân tích thật thấu đáo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới.

Ban hành quy chế bầu cử trong Đảng

Một là, xem xét, quyết định việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức trung ương xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành theo nguyên tắc: kế thừa tối đa những nội dung còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã bộc lộ bất cập trong thực tiễn thi hành. Những nội dung mới của dự thảo quy chế lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: phạm vi điều chỉnh của quy chế; việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương; thủ tục ứng cử, đề cử, bao gồm điều kiện để được đưa vào danh sách bầu cử, số dư trong danh sách bầu cử và dự kiến trước việc phân công nhiệm vụ sau khi trúng cử...

Hai là, quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng: Theo thông lệ và kinh nghiệm chuẩn bị các đại hội trước đây của Đảng, tại hội nghị này, Bộ Chính trị trình trung ương dự kiến thành lập 5 tiểu ban: tiểu ban văn kiện; tiểu ban kinh tế - xã hội; tiểu ban điều lệ Đảng; tiểu ban nhân sự và tiểu ban tổ chức phục vụ đại hội. Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo chính trị, báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo tổng kết việc thực hiện điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng (nếu có) và báo cáo công tác nhân sự. Đề nghị trung ương xem xét, quyết định việc thành lập các tiểu ban với cơ cấu và nhân sự cụ thể đã nêu trong tờ trình của Bộ Chính trị.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên