26/12/2019 08:13 GMT+7

Làm rõ tàu 67 chìm... mất xác

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, năm 2019 tỉnh có hơn 6.000 tàu hoạt động, trong đó 61 tàu đóng mới theo nghị định 67 (tàu 67). Trong thời gian qua có 4 tàu vỏ thép 67 bị chìm mất xác. Đây là điều khá bất thường!?

Làm rõ tàu 67 chìm... mất xác - Ảnh 1.

Hàng loạt tàu 67 sét gỉ, nằm bờ tại Bình Định do làm ăn thua lỗ - Ảnh: THÁI THỊNH

Trước những vụ tàu 67 chìm chưa xác định được nguyên nhân xảy ra liên tiếp, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - mới đây cho biết đã giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra việc các tàu cá bị chìm đắm bất thường trong thời gian vừa qua. 

Hiện Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, chưa báo cáo kết quả.

Đánh bắt thua lỗ liên tục

Theo chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định), tỉ lệ chìm tàu 67 trong thời gian qua là cao bất thường, khi toàn tỉnh có 6.000 tàu, trong đó 61 tàu 67. Năm 2019, trong 10 tàu chìm và cháy có đến 4 tàu vỏ thép đóng mới theo nghị định 67, tất cả đều chưa xác định được nguyên nhân.

Những tàu được đầu tư, đóng mới theo nghị định 67 rất hiện đại, trị giá 20 tỉ đồng/tàu (95% là tiền vay ngân hàng thương mại). Theo đánh giá của các chuyên gia, loại tàu này đủ sức đương đầu sóng to gió lớn. Thế nhưng tại sao những chiếc tàu này lại bị chìm mất xác giữa biển vào những ngày tháng 7 vừa qua!?

Ông Lê Văn Thiểu - chủ tàu BĐ 99999 TS (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) - cho biết tàu ông bị phá nước chìm ngày 30-7-2019 tại vùng biển Trường Sa đến nay vẫn chưa tìm được xác tàu.

Nói về hành trình bắt đầu đóng mới tàu vỏ thép 67, ông Thiểu cho biết năm 2015 ông bỏ 900 triệu đồng, vay ngân hàng theo ưu đãi của Nhà nước thêm 17 tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép, bắt đầu chuyến biển đầu tiên năm 2016. 

"Hơn hai năm qua, hàng chục chuyến biển nhưng tàu hỏng liên tục, phí tổn nhiều, cộng thêm giá thủy sản bấp bênh khiến tôi thua lỗ nặng. Có thời điểm tàu nằm bờ cả mấy tháng trời vì hư hỏng chờ sửa chữa. Trong khi ngân hàng liên tục thúc giục đòi nợ, khiến tôi thật sự mệt mỏi" - ông Thiểu nói.

Ông Thiểu kể chuyến biển khiến tàu ông chìm xuất bến khoảng cuối tháng 7-2019. Lúc ấy tàu hết hạn bảo hiểm vừa mua lại bảo hiểm mới của Tổng công ty CP bảo hiểm PJICO với số tiền gần 40 triệu đồng. Bảo hiểm PJICO bảo hiểm thân tàu, định giá 7 tỉ đồng, còn bảo hiểm ngư cụ trên tàu ông mua bên ngoài (định giá 2 tỉ đồng). 

"Vào 3h sáng 30-7-2019, trên tàu có 6 thuyền viên đang di chuyển đánh bắt ở vùng biển Trường Sa thì gặp gió nồm khan, cấp 7, cấp 8. Sóng to gió lớn khiến tàu rung lắc dữ dội, phía dưới thân tàu, chân vịt bị hư và phá nước chảy vào bên trong không khắc phục được. Tàu bắt đầu chìm. Tôi gọi điện cho tàu cứu hộ rồi hô hoán các thủy thủ bỏ hết tài sản, nhảy xuống biển chờ cứu hộ ứng cứu" - ông Thiểu kể.

Theo ông Thiểu, ông và 6 thuyền viên được tàu cứu hộ cứu ngay sau đó, còn con tàu trị giá gần 20 tỉ hai tiếng sau chìm xuống biển, không còn tăm tích. "Sau khi tàu đắm, tôi đã báo đồn biên phòng. Công ty bảo hiểm cũng xuống thẩm định phỏng vấn các thuyền viên, thuyền trưởng nhưng đến nay vẫn chưa có động thái đền bù" - ông Thiểu nói.

Tương tự tình cảnh ông Thiểu là các tàu đóng mới theo nghị định 67 khác cũng bị phá nước, chìm đến nay không tìm được xác tàu là tàu BĐ 99456 TS, BĐ 99137 TS, BĐ 99047 TS. Rơi vào tình cảnh trớ trêu hơn cả là tàu BĐ 99047 TS của ông Nguyễn Công Đồng (thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn). Theo trình báo của ông Đồng, tàu ông bị chìm mất xác ở vùng biển Malaysia khi trên đường trú bão số 1 (tháng 1-2019).

"Nguyên nhân tàu tôi chìm là do thiết kế mũi tàu vỏ thép, nhỏ và nhọn nên khi gặp sóng to gió lớn thì chịu lực không bằng các tàu vỏ gỗ. Tôi mua bảo hiểm tại Công ty PJICO còn thời hạn đến tháng 1-2020 với giá 26 triệu đồng, nếu tàu chìm bảo hiểm phải trả cho tôi 9,6 tỉ đồng. Nhưng do tàu chìm ở vùng biển nước ngoài nên công ty bảo hiểm yêu cầu phải có xác nhận của Đại sứ quán Malaysia" - ông Đồng nói. 

Ông Đồng cho biết thêm tàu ông đóng mới theo nghị định 67 trị giá 17,3 tỉ đồng, hơn 90% là vay vốn ngân hàng, hoạt động từ năm 2016 cũng liên tục thua lỗ.

Làm rõ tàu 67 chìm... mất xác - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo chỉ huy Đồn biên phòng 308, bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định (xã Tam Quan Nam, Hoài Nhơn), ngày 5-9-2016 có xác nhận một vụ việc tàu 67 số hiệu BĐ 99939 TS của ông Nguyễn Thư, chìm ở khu vực đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Nguyên nhân tàu chìm do trong đợt áp thấp nhiệt đới, sóng to gió lớn và bị phá nước. 

"Những phương tiện đầy đủ thủ tục theo quy định, đơn vị chỉ xác nhận có phương tiện ở vị trí đó gặp tai nạn, bị chìm. Các bước còn lại để điều tra nguyên nhân và đền bù là do công ty bảo hiểm" - chỉ huy Đồn biên phòng 308 nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Chí Công - phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn - cho biết huyện Hoài Nhơn có 18 tàu sắt đóng mới theo nghị định 67, 3 tàu 67 bị chìm trên biển và hiện một chủ tàu đã nhận tiền bồi thường bảo hiểm. 

Ông Công cho rằng trách nhiệm của chủ tàu, thuyền viên được bảo hiểm là khi xảy ra tai nạn phải trình báo ngay cho biên phòng hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để lập biên bản theo quy định. Từ đó kịp thời thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo khai báo tại chính quyền địa phương, trường hợp tàu ông Nguyễn Công Đồng khi bị chìm có xác nhận của bộ đội biên phòng tỉnh: "Chìm trên đường đi trú bão ở vùng biển Malaysia". Riêng tàu ông Nguyễn Thư bị phá nước, còn một tàu chìm mới đây chưa xác định được nguyên nhân.

Nhận xét về tình hình trên, ông Phạm Thanh Hải - phó tổng giám đốc Tổng công ty CP bảo hiểm PJICO (đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm cho tàu 67 của ngư dân Bình Định) - cho rằng trên địa bàn Bình Định thời gian qua có sự gia tăng đột biến các vụ chìm tàu, gây thiệt hại gần 40 tỉ đồng.

Trong hơn 4 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm tàu cá theo nghị định 67, tổng phí doanh nghiệp bảo hiểm này thu được là 1.223 tỉ đồng, tổng số tiền bảo hiểm đã chi trả và dự phòng cho hồ sơ đã có thông báo đang giải quyết là 986 tỉ đồng, tỉ lệ 78,5%. 

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang giải quyết 10.758 vụ tổn thất, trong đó có 220 vụ cháy, chìm đắm, trong đó nhiều vụ không tìm được xác tàu gây khó khăn cho việc đánh giá xác định nguyên nhân tổn thất. 

"Số vụ tổn thất ngày một gia tăng. Nếu tình hình không được cải thiện, rủi ro vượt tầm kiểm soát, an toàn tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng" - ông Hải nói.

Nói thêm về vấn đề bảo hiểm, ông Phan Trọng Hổ - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết về hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận dân sự giữa công ty bảo hiểm và chủ tàu. Đối với các vụ việc tàu 67 chìm trên biển, nếu trong quá trình điều tra xác định là tàu chìm do điều kiện khách quan, không chứng minh được ngư dân chủ ý thì công ty bảo hiểm phải bồi thường cho chủ tàu theo đúng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.

Nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Công Bình - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định - cho biết đối với các tàu đóng mới theo nghị định 67 được vay theo lãi suất ưu đãi chỉ 7%, được Nhà nước cấp bù lãi suất 6%, ngư dân chỉ phải chịu 1%. 

Bên cạnh đó, với chính sách bảo hiểm tàu 67 đầu tiên Nhà nước hỗ trợ 90% phí bảo hiểm kể cả trang thiết bị ngư cụ, sau đó giảm xuống 50% trừ trang thiết bị ngư cụ. 

"Như vậy sau các vụ chìm tàu, đơn vị thiệt hại lớn nhất là công ty bảo hiểm và ngân hàng, ngư dân không thiệt hại bao nhiêu" - ông Bình chia sẻ.

Không phải vì tàu chìm mà không bán bảo hiểm

Việc PJICO chậm bán bảo hiểm cho tàu 67 là chưa đúng. PJICO có thể xem xét đánh giá lại giá trị tàu, nhưng không được làm chậm trễ chính sách của Nhà nước. Nếu tổn thất quá nhiều và rủi ro cao, phí bảo hiểm không đủ bù đắp tàu chìm thì phải có báo cáo cụ thể, đề nghị Nhà nước hỗ trợ.

Nếu PJICO nghi ngờ sự trung thực của ngư dân thì phải xác minh và từ chối bồi thường, chứ không vì lý do tàu chìm nhiều gây tổn thất nặng mà không bán bảo hiểm cho ngư dân. Lý do được đưa ra của PJICO là không chính đáng, không phù hợp theo chính sách thực hiện nghị định 67 mà PJICO đã cam kết với Bộ Tài chính.

Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ Địa phương không thể can thiệp khi ngư dân bị xiết nợ 'tàu 67'

TTO - Ngân hàng kiện chủ tàu, chủ yếu là những trường hợp không thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng vay vốn đã ký kết với ngân hàng, để thu hồi nợ là thực hiện theo quy định của pháp luật, địa phương không thể can thiệp.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên