02/11/2013 22:54 GMT+7

Làm quan... và thể thao!

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Chính phủ nước nào cũng có bộ thể thao bên cạnh các bộ khác, song cách tổ chức không giống ở Việt Nam. Thường thì dàn lãnh đạo mỗi bộ (không chỉ riêng bộ thể thao) là những nhân vật chính trị cùng các chuyên viên thượng thặng - bởi thế mới gọi là các nhà kỹ trị.

Êkip lãnh đạo đó đến rồi đi hoặc ở lại sau mỗi cuộc bầu cử chứ không mọc rễ ở lại đến mãn đời. Giúp việc cho họ là một đội ngũ viên chức hành chính chuyên nghiệp nắm vững mọi công việc, quy trình, thủ tục... liên quan đến các hoạt động nội bộ (ngân sách, tài chính, hành chính, văn thư, nhân sự...) và đối ngoại của bộ đó. Những người này ở lại đến ngày về hưu một cách khiêm tốn cả trong phận sự lẫn trong chính sách chế độ, chỉ lo chuyện “cạo giấy”, lo không xong thì về hưu sớm! Còn các liên đoàn thể thao, từ liên đoàn các nước cho đến các liên đoàn châu lục như AFC, UEFA hay thế giới như FIFA thì hoàn toàn là những hội đoàn tư nhân chẳng liên quan gì đến nhà nước, và ngược lại nhà nước cũng chẳng có quyền hành gì nơi đây.

Để “tự đánh bóng”, các chính phủ thường cất nhắc một cựu vận động viên đỉnh cao, có thành tích quốc tế nổi bật, có học vấn cao giữ chức bộ trưởng thể thao. Lấy thí dụ ở Pháp mấy trào bộ trưởng thể thao như David Douillet (HCV judo Olympic Atlanta 1996 và Sydney 2000), Chantal Paul (vô địch karate, cao học hành chính), nay là bà Valérie Fourneyron (bác sĩ y học thể thao)... Dàn lãnh đạo này chỉ mang tính gợi ý, định hướng và nhất là biểu tượng (họ chính là những biểu tượng “sống”).

Mọi công việc của từng bộ môn thể thao do các liên đoàn tự lo liệu. Các viên chức trong bộ thể thao ở yên trong văn phòng bộ làm công việc hành chính, không có chuyện được “thả dù” xuống liên đoàn này hay liên đoàn nọ làm quan “chủ tịch liên đoàn” hay “tổng thư ký”...! ”Nhảy dù” vô Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) hay Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) để ông Sepp Blatter hay ông Michel Platini mời nhân viên gác cổng tiễn ra cửa à?

Thành ra trong sơ đồ tổ chức đó, các bộ trưởng thể thao cứ đóng vai trò “pho tượng chiến thắng” đến khi hết tham chính, các viên chức hành chính cứ miệt mài lo chuyện “nội sự”, chẳng anh nào mơ sẽ “nhảy dù” qua đâu nắm chức này chức nọ. Còn các liên đoàn, tức đại diện của những người chơi thể thao, cho dù ở đỉnh cao hay đại chúng, cứ chơi thể thao, đúng với tinh thần thể thao, mà (xin lỗi) người Pháp gọi là “sportif”, trong ý nghĩa một điều gì hết sức cao thượng (tương đương với fair play). Thành ra mới không có cảnh nháo nhào ghế, chức, mưu mô trong chốn lẽ ra phải là cao thượng theo đúng tinh thần thể thao (sportif)!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bình luận bóng đá