19/05/2014 11:56 GMT+7

Làm gì khi nhận bản đánh giá công việc không tốt?

VŨ HUYỀN
VŨ HUYỀN

TTO - Nhận được một bản đánh giá hiệu quả công việc kém là một trong những trải nghiệm đáng buồn trong công việc. Bạn thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ mất việc. Nhưng điều tồi tệ nhất trong cách phản ứng là sợ hãi bởi điều đó có thể khiến bạn không thể cải thiện được tình huống.

UhRolID7.jpgPhóng to
Ảnh: finance.yahoo

Nếu bạn đối mặt với bản đánh giá kém, dưới đây là 5 điều giúp bạn giành lại niềm tin của người quản lý và xây dựng lại sự nghiệp:

Đảm bảo hiểu hết quan điểm của sếp

Bạn không thể khắc phục vấn đề nếu không hiểu hết nó, do đó hãy đảm bảo bạn thực sự hiểu sếp đang muốn nói điều gì trong những đánh giá tiêu cực về mình. Nếu bạn không hiểu lời nhận xét, hãy đề nghị sếp giải thích với một vài ví dụ cụ thể. Bạn có thể nói: “Tôi thực sự muốn hiểu ý kiến của sếp và tôi không chắc mình đang hiểu hết chúng. Anh/ chị có thể cho tôi một vài ví dụ về các tình huống cụ thể và anh/chị kỳ vọng sự thể hiện của tôi khác biệt như thế nào?”.

Bình tĩnh

Trong cuộc đánh giá hiệu quả với sếp, thật khó để kiểm soát cảm xúc của mình, đặc biệt nếu bạn chưa từng nghĩ điều này sẽ xảy ra. Nhưng điều quan trọng là hãy giữ bình tĩnh để tập trung vào vấn đề. Hơn nữa, nếu bạn tỏ ra bực bội hoặc tức giận, người quản lý sẽ nghĩ rằng bạn không cởi mở với những ý kiến đóng góp và không thể hợp tác để cải thiện hiệu quả công việc của bạn. Giữ bình tĩnh, đưa ra lý lẽ là cách làm chuyên nghiệp để kiểm soát những nhận xét tiêu cực và sẽ giúp giải quyết tình huống một cách suôn sẻ hơn.

Lưu ý rằng bạn không cần phản ứng ngay lập tức. Bạn có thể đề nghị thời gian để suy nghĩ về những lời góp ý và xử lý nó. Nếu bạn muốn yêu cầu, hãy nói: “Tôi muốn dành 1 hoặc 2 ngày để suy ngẫm về vấn đề này và sau đó sẽ nói chuyện với anh/chị về kế hoạch cụ thể của tôi”.

Hỏi ý kiến đánh giá thường xuyên hơn

Một người quản lý tốt sẽ thường xuyên đưa ra ý kiến phản hồi cho bạn và không để bất cứ điều gì trong bản đánh giá khiến bạn ngạc nhiên. Nhưng không phải sếp nào cũng như vậy nên bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi sếp đề cập tới vấn đề lần đầu tiên là trong cuộc đánh giá. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể nói: “Với tôi, chuyện này rất nghiêm trọng. Tôi muốn chúng ta thống nhất về những gì đang diễn ra. Vậy nên anh/chị có thể cho tôi biết ngay nếu anh/chị có ý kiến gì về sự thể hiện của tôi trong tương lai để tôi có thể khắc phục một cách nhanh chóng.Tôi đảm bảo sẽ ghi nhận chúng một cách tích cực”.

Không từ chối ký vào bản đánh giá

Đôi khi mọi người cho rằng từ chối ký vào một bản đánh giá không tốt là thể hiện sự không nhiệt tình hay thậm chí phản đối nội dung của bản đánh giá. Tuy nhiên, việc từ chối ký thường được coi là hành động thù địch mà về lâu dài có thể ảnh hưởng tới vị thế của bạn. Thêm nữa, chữ ký bản thân nó chỉ là một thủ tục hành chính, nó không thể ngăn cản hay khiến nhà tuyển dụng đánh giá lại hiệu quả công việc của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chỉ ra mình không đồng tình với nội dung khi ký, bạn có thể thêm một ghi chú “Chữ ký chỉ thể hiện sự tiếp nhận thông tin”.

Xây dựng một kế hoạch cho những bước tiếp theo

Trong một số trường hợp, sếp có thể giao cho bạn một kế hoạch cải thiện năng suất. Nhưng nếu không, bạn có thể tự tạo cho mình. Chẳng hạn, bạn có thể quyết tâm phát triển một kỹ năng đặc biệt nào đó, tìm kiếm sự tư vấn từ những đồng nghiệp tiền bối, đăng ký khóa học hoặc kiểm tra lại công việc của mình 2 lần trước khi bàn giao.

Bạn có thể cân nhắc việc gặp người quản lý sau một tháng để thảo luận về những bước tiến bạn đã tạo được. Làm như vậy thể hiện bạn tiếp nhận phản hồi một cách nghiêm túc, muốn cải thiện và không ngại tránh đối đầu vấn đề một cách trực tiếp.

(Theo Usnews)

Mọi chia sẻ, thắc mắc và bài vở cộng tác liên quan đến chuyện lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về địa chỉ: vieclam@tuoitre.com.vn. (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).

VŨ HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên