11/06/2018 16:00 GMT+7

Làm gì khi bé mọc răng?

Nguồn: Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM
Nguồn: Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM

Một số trẻ sinh ra đã có răng, số khác mọc chiếc đầu tiên khi 6 tháng tuổi và có những trẻ chỉ mọc chiếc răng đầu tiên khi chúng được 1 tuổi.

Làm gì khi bé mọc răng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: oralanswers.com

Mọc răng là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển thể lực của trẻ. Thực chất nó cũng tương tự như quá trình mọc tóc nhưng đối với một số trẻ, việc mọc răng lại luôn làm các mẹ phải lo lắng.

Những biểu hiện thường gặp

Một số trẻ sinh ra đã có răng, số khác mọc chiếc đầu tiên khi 6 tháng tuổi và có những trẻ chỉ mọc chiếc răng đầu tiên khi chúng được 1 tuổi. Thật là muôn hình vạn trạng nhưng hầu hết trẻ em đều có đầy đủ 20 chiếc răng sữa khi chúng được 2 tuổi rưỡi và sẽ bắt đầu thay răng khi chúng được 6 tuổi.

Mọc răng thường bị kết luận là thủ phạm gây ra một số vấn đề ở trẻ như: Thân nhiệt thay đổi theo chiều hướng xấu đi, chảy nước mũi, phát ban, khóc lóc và tuyến nước bọt hoạt động rất mạnh. Hãy chắc chắn rằng bạn đã trao đổi với bác sĩ hoặc đưa trẻ đi khám nếu bạn thấy bé có các dấu hiệu trên và đừng nghĩ đơn giản rằng đó là bé đang mọc răng bởi bé có thể bị mắc thêm các bệnh khác.

Còn nếu thấy lợi của bé đỏ và sưng đau, một bên má có vẻ như lớn hơn bên kia và bé tỏ ra cáu kỉnh hơn, dãi chảy nhiều hơn và bé thích gặm nhấm hơn thì đó thực sự là những triệu chứng thường gặp khi trẻ mọc răng. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp loại trừ nhưng biết về chúng sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng khi thấy bé không thoải mái.

Giúp bé cách nào?

Sự âu yếm sẽ mang lại cho bé cảm giác thoải mái hơn và những gì bạn nên làm là an ủi bé.

Hãy mua thuốc mọc răng, hãy hỏi bác sĩ về những loại kem hay bột dùng khi răng mọc có vị ngọt mà có thể làm dịu sự kích thích của lợi. Lưu ý là những loại thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 4 tháng tuổi.

Các thuốc paracetamol vị ngọt cũng có thể hỗ trợ nếu bé hơi sốt. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ, đưa bé đi khám và đọc hướng dẫn cũng như kiểm tra thông tin hướng dẫn trên vỏ thuốc để chắc chắn rằng phù hợp với lứa tuổi của bé.

Vật tập nhai - Một số cha mẹ thường cho trẻ ngậm vật tập nhai. Số khác lại cho phép trẻ được mút ngón tay hay gặm những mẩu bánh mỳ hay que cà rốt cũng có tác dụng làm giảm sự kích thích của lợi.

Đánh răng

Một bộ răng sữa hoàn chỉnh gồm 20 cái răng - 10 cái trên và 10 cái ở hàm dưới. Tuy nhiên, ngay khi bé chỉ có 1 hoặc 2 cái răng thì chúng cũng cần được chăm sóc thường xuyên. Hãy chăm sóc răng của bé ngay khi chúng vừa xuất hiện và hãy cố gắng đánh răng ít nhất là 2 lần/ngày, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.

Bạn có thể dùng một lượng kem đánh răng có fluor bằng hạt đậu khi bé đánh răng bằng bàn chải. Kem đánh răng trẻ em thường có hương vị dễ chịu và không có nhiều flour. Hãy hỏi bác sĩ nha khoa nếu bạn nghi ngờ về kem đánh răng dùng cho bé.

Một ví dụ rất sinh động và giúp bé học cách vệ sinh răng dễ dàng, không chống đối là hãy cho bé xem bạn đánh răng như thế nào.

Đường và gia vị

Chế độ ăn của bé rất quan trọng với sự phát triển của răng lợi. Khi cho bé ăn những thực phẩm và đồ uống ngoài sữa, hãy cố tránh những thực phẩm có chứa đường bởi vì đường là nguyên nhân chính dẫn tới sâu răng.

- Hãy chọn những loại thực phẩm khác thay thế cho đường chẳng hạn như nước quả tươi, các loại rau xanh ăn liền như dưa chuột, cà chua… Tránh các loại đồ uống có ga, si-rô và kẹo que.

- Khuyến khích trẻ ăn vị mặn lạt.

- Hạn chế thực phẩm chứa đường và nước quả vào các giờ ăn.

- Tránh uống nước ngọt có đường trước giờ đi ngủ.

- Nên cho bé ăn nho khô và bánh bích quy không đường. Đây là những thực phẩm lý tưởng thay thế cho bánh bích quy đường và bim bim ngọt./.

Nguồn: Bệnh Viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên