19/01/2017 10:30 GMT+7

Làm gì để phòng tránh bệnh ung thư?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Khác với nhiều loại bệnh khác do vi khuẩn, vi rút… trực tiếp gây ra, ung thư lại là một bệnh xảy ra do các tế bào biến đổi theo chiều hướng có hại cho sức khỏe con người.

Trên 80% ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài, khoảng 5-10% là do yếu tố di truyền, một số bệnh ung thư lại tiến triển từ các căn bệnh khác có nguyên nhân do vi khuẩn, vi rút gây ra như bệnh viêm gan, viêm-loét dạ dày… 

Thực tế hầu hết các loại ung thư đều xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể dục, thể thao không đúng cách. Ung thư hiện nay vẫn là một nỗi sợ của nhiều người nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý.

Lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người mắc và có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thường là những người có nhiều thói quen không tốt cho sức khỏe như uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn có hại cho sức khỏe, lười vận động. 

Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường độc hại như hầm mỏ, những nơi nhiều khói bụi mà không được bảo vệ tốt hoặc những thói quen hàng ngày có hại khác như: bỏ bữa sáng có thể gây ung thư túi mật, thức khuya gây ung thư tuyến tiền liệt, tình dục không an toàn gây ung thư cổ tử cung... 

Do đó chúng ta phải xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, bỏ hoặc hạn chế thói quen uống bia rượu, hút thuốc lá và những thói quen có hại khác. Giấc ngủ vô cùng quan trọng để lập lại cân bằng sau một ngày hoạt động, nên ngủ 7-8 tiếng/ngày.

Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố độc hại, đeo khẩu trang khi ra đường, khi làm việc, trong môi trường có nhiều bụi, hóa chất... 

Chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý

Lựa chọn thực phẩm sạch, xây dựng bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh và phòng chống nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư.

Nên:

- Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản tốt. Thường xuyên ăn các món luộc, hấp hơn là những món chiên, xào, nướng…

- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng, chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng: protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng để làm tăng sức đề kháng với các tế bào ung thư.

- Ăn đa dạng nhiều món và thường xuyên thay đổi món trong các bữa ăn.

- Ăn nhiều trái cây và rau để hấp thụ đủ những sinh tố và chất xơ, nhất là các thực

phẩm phòng chống ung thư như: bơ, cải xanh, bắp cải, đu đủ, dứa, tỏi, hành, khoai lang, đậu phụ, cà chua, súp lơ, táo, nho, cam và trái cây thuộc họ cam…

- Sử dụng các loại sữa chua chứa nhiều vitamin để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.

- Sau khi sử dụng nồi, xoong, chảo cần phải cọ rửa sạch để loại bỏ lớp dầu mỡ còn đọng lại ở dụng cụ, nếu để qua lần dùng sau sẽ dễ tạo nên những độc chất gây ung thư.

Không nên hoặc hạn chế:

- Ăn các thực phẩm chứa nguy cơ gây ung thư như: các món nướng ở nhiệt độ cao bị cháy khét, thực phẩm sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, các thực phẩm phơi khô… 

- Ăn các loại thức ăn nhanh như xúc xích, dăm bông, đồ hộp, gà rán, pizza…

- Sử dụng các thực phẩm mốc như các loại đậu phộng, đậu hạt…; bánh gói lâu ngày bị mốc như bánh chưng, bánh ít…

Tích cực luyện tập thể dục thể thao

Những ai thường xuyên hoạt động chân tay sẽ ít bị mắc các bệnh ung thư hơn so với những người chỉ quen ngồi một chỗ. Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện ở 80.000 đàn ông và phụ nữ tuổi từ 45 đến 74 tại 9 quận của Nhật Bản. 

Những người đàn ông thuộc nhóm năng động nhất sẽ giảm 13% nguy cơ ung thư so với những người ít vận động tay chân nhất. Phụ nữ hoạt động nhiều cũng giảm được 16% nguy cơ so với những ai lười vận động. 

Vì vậy, mỗi người nên thường xuyên vận động, tự xây dựng cho mình một chế độ luyện tập hàng ngày như chạy bộ, đi bộ, bơi lội hoặc tham gia các loại hình khác như: Erobic, tập thể hình, yoga… để nâng cao sức khỏe.

Khám sức khỏe định kỳ

Là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ rất lớn. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.

Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng viêm gan vi rút B, HPV...

Nguồn: Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh ung thư