Ngày 6-2, lãnh đạo Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 7, thuộc Phòng 8 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết đơn vị đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy trên Cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào đêm trước khiến người đàn ông chạy xe máy tử vong.
Khoảng cách an toàn đâu rồi?
Khoảng 22h ngày 5-2, tài xế T.Q.T. (30 tuổi, quê Trà Vinh) lái xe tải chạy trên cao tốc hướng từ miền Tây đi TP.HCM. Khi đến km22 thuộc địa phận tỉnh Long An thì xảy ra va chạm với một xe máy do ông T.H.V. (61 tuổi, quê Cà Mau) chạy hướng ngược lại. Vụ va chạm khiến ông V. tử vong tại chỗ.
Trước đó, khoảng 1h10 ngày 2-2 tài xế Nguyễn Hồng Hoàng (51 tuổi, quê An Giang) lái xe khách 16 chỗ chạy trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ miền Tây đi TP.HCM. Khi đến địa phận tỉnh Tiền Giang thì xảy ra va chạm với một xe đầu kéo đang chạy cùng chiều phía trước. Cú va chạm khiến tài xế Hoàng và một hành khách trên xe chết tại chỗ, khoảng 7 - 8 hành khách khác bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.
Đây là hai trong rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua trên tuyến cao tốc từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây. Anh Nguyễn Minh Điền (46 tuổi, quê Bến Tre) cho biết dù đã có kinh nghiệm lái xe hơn 15 năm nhưng mỗi lần chạy xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương vẫn có cảm giác bất an.
"Nhiều lần đang chạy với tốc độ 100km/h thì bất ngờ bị xe khác tạt đầu chen ngang lên phía trước. Nếu rủi xe đó bất ngờ xảy ra sự cố thì chắc chắn tôi sẽ không kịp xử lý vì khoảng cách rất gần và những xe phía sau cũng chịu chung số phận, trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn liên hoàn.
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là khoảng cách an toàn khi chạy xe trên cao tốc. Hầu như rất hiếm tài xế nào chấp hành", tài xế Điền nói.
Tương tự, ông Lê Văn Vinh (53 tuổi, quê Tiền Giang), một tài xế xe đầu kéo có kinh nghiệm trên 20 năm cầm lái, cũng khẳng định với tình trạng chạy xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương như thời gian qua, nếu xe phía trước xảy ra sự cố bất ngờ thì xe phía sau chắc chắn không thể xử lý kịp, nhất là những xe tải nặng và xe đầu kéo.
"Chưa kể bây giờ tài xế cũng rất hay nôn nóng. Hễ có ùn ứ chút xíu là họ lại chạy vào làn dừng khẩn cấp để chen lên. Như vậy rất nguy hiểm vì nếu có sự cố gì trên đường, các xe ưu tiên cũng không cách nào di chuyển được", ông Vinh nói thêm.
Do người hay do đường?
Phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 7 và lãnh đạo Cục Quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) đều cho rằng phần lớn do ý thức tài xế quá kém.
Theo ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, dù quy định khoảng cách an toàn giữa hai xe đã có nhưng các tài xế vẫn chạy nối đuôi nhau sát rạt.
"Do không giữ khoảng cách nên khi xe phía trước xảy ra sự cố thì xe sau xử lý không kịp, xảy ra tai nạn liên hoàn", ông Thành nói.
Ngoài ra, theo ông Thành, hiện hai đầu cao tốc TP.HCM - Trung Lương không còn lực lượng đứng chốt để hướng dẫn giao thông nên thỉnh thoảng xe máy chạy vào cao tốc để đi. Theo thống kê, trong năm 2022 có 21 xe máy chạy vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đã có tai nạn đáng tiếc xảy ra khiến người đi xe máy tử vong.
Đại diện Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 7 cũng cho biết thêm tình trạng xe chạy vào làn dừng khẩn cấp trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã gây khó khăn rất lớn cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường khi xảy ra sự cố.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý rất nhiều trường hợp chạy vào làn dừng khẩn cấp thông qua hệ thống camera và xử lý ngay tại chỗ. Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 7 cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường xử phạt nghiêm những tài xế chạy quá tốc độ, đi sai làn đường và không giữ khoảng cách.
Cần gấp rút mở rộng đường cao tốc
Nhiều tài xế thừa nhận các vụ tai nạn trên cao tốc về miền Tây thời gian qua có nguyên nhân do ý thức kém của những người cầm lái, đồng thời còn có nguyên nhân do hạ tầng không đảm bảo an toàn.
Trong đó, đáng chú ý là đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận không có làn dừng khẩn cấp nên khi xảy ra tai nạn là kẹt xe dắt dây hàng giờ và việc cứu hộ, cứu nạn cũng hết sức khó khăn.
Theo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong gần ba tháng đầu khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đưa vào vận hành đã xảy ra 55 vụ va chạm và 489 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu cần được cứu hộ.
Với lưu lượng xe ngày càng tăng cao (khoảng 23.000 lượt/ngày đêm) và tuyến cao tốc này chưa có làn dừng khẩn cấp, mỗi khi xảy ra sự cố là mỗi lần lực lượng chức năng phải khẩn trương giải quyết một cách nhanh nhất có thể.
"Bởi khi xảy ra sự cố, xe sẽ phải đậu ngay trên làn đường xe chạy nên rất nguy hiểm. Chưa kể trên suốt tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện không có trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu khiến tài xế khi chạy trên tuyến đường này lo lắng", một vị cán bộ thuộc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.
Trong năm 2022, UBND TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang đều đã có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương nói trên. Sau đó, Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện hai dự án độc lập trên cơ sở hai đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1.
Đồng thời, thống nhất giao UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 dự án TP.HCM - Trung Lương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận