Tuy nhiên nguồn đa dạng sinh học ở tỉnh này đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thể hiện qua các cấp độ: giảm chất lượng và các chức năng của hệ sinh thái; nhiều loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, suy giảm quần thể.
Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kế hoạch hành động về đa dạng sinh học giai đoạn 2015 - 2020.
Mối đe dọa của tài nguyên đa dạng sinh học
Lâm Đồng có trên 60% diện tích tự nhiên là rừng với nhiều kiểu thảm thực vật. Tại đây đã xác định được 3.490 loài thực vật rừng và 393 loài nấm, trong đó có 131 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 45 loài trong danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Các nhà khoa học đã ghi nhận trong rừng Lâm Đồng có sự hiện diện của 85 loài thú, 686 loài côn trùng, 301 loài chim, 102 loài bò sát - lưỡng cư.
Song nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú của Lâm Đồng đang đứng trước những mối đe dọa trực tiếp như khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, săn bắt động vật hoang dã và khai thác bừa bãi nguồn lợi thủy sản, phá rừng lấy đất sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn, cháy rừng, khai thác khoáng sản.
Còn các mối đe dọa gián tiếp là: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xâm nhập của động thực vật ngoại lai gây hại, phát triển du lịch thiếu kiểm soát.
Các chuyên gia, các nhà quản lý cảnh báo đã đến lúc Lâm Đồng phải hành động ngay để bảo vệ đa dạng sinh học.
Kế hoạch hành động
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kế hoạch hành động về đa dạng sinh học giai đoạn 2015- 2020.
Theo kế hoạch này, có nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã được đề ra. Trong đó giải pháp được ưu tiên hàng đầu là xây dựng vành đai an toàn cho các hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ đặc biệt; xây dựng vườn giống một số loài đặc hữu quý hiếm.
Tiếp đó, cần đánh giá hiện trạng và mức độ nguy hại của các loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ và phát triển rừng thông đỏ Lâm Đồng.
Đồng thời, xây dựng quy chế bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học...
Kế hoạch hành động cũng đề cập tới việc xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận