Tôi muốn làm di chúc để lại tài sản cho con ruột và mẹ ruột của mình. Nhưng người quen có nói dù di chúc không để tài sản cho cha ruột thì ông vẫn được chia dù cha và mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn nhỏ, ông đã có gia đình mới và ông không nuôi nấng chăm sóc tôi. Nhờ luật sư giải thích giùm tôi tại sao tôi không di chúc mà cha tôi vẫn được hưởng di sản?
Trần Duy Nam (Nam Định) gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) tư vấn về việc thừa kế di sản khi có di chúc như sau:
Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
"Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
Con thành niên mà không có khả năng lao động".
Đối chiếu quy định tại điểm a khoản 1 điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi bạn làm di chúc với ý chí để lại tài sản cho con ruột và mẹ ruột của mình thì cha của bạn vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Bởi vì cha bạn thuộc trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Mặt khác, ngay cả trong trường hợp bạn không làm di chúc thì cha bạn vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật vì ông có quan hệ huyết thống với bạn và thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
Tuy nhiên, như thông tin đã chia sẻ thì cha và mẹ bạn ly hôn từ khi bạn còn nhỏ, cha bạn đã có gia đình mới và không nuôi nấng chăm sóc bạn. Mặc dù chưa rõ thời điểm cha mẹ bạn ly hôn, nhưng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nếu có khả năng nuôi dưỡng mà không thực hiện nuôi dưỡng (thông qua hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, bỏ rơi người cần được nuôi dưỡng, không thực hiện việc cấp dưỡng,…), làm cho người cần được nuôi dưỡng (người để lại di sản) lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn, đói khổ, hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó.
Trường hợp người không được quyền hưởng di sản được quy định tại điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
"Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản.
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản"
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 và quy định tại điểm b khoản 1 điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 nêu trên, nếu bạn có đầy đủ căn cứ chứng minh cha bạn sau khi ly hôn với mẹ bạn đã "vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng" với bạn thì cha bạn sẽ thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản mà bạn để lại.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận