Cán bộ bộ môn thủy sản nước ngọt (khoa thủy sản Trường đại học Cần Thơ) nghiên cứu lai tạo giống cá niên - Ảnh: Dương Nhựt Long
Ngày 12-6, PGS.TS Dương Nhựt Long, trưởng bộ môn thủy sản nước ngọt (khoa thủy sản Trường đại học Cần Thơ), cho biết vừa phối hợp Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Kon Tum cho lai tạo thành công bước đầu đối với giống cá niên - loài cá chuyên sống khu vực sông, suối ở Tây Nguyên và miền Trung.
Theo ông Long, đây là loài cá có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị thương phẩm cao, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng những năm gần đây do mức độ khai thác loài cá này ngoài tự nhiên ngày một gia tăng, sản lượng cá có xu hướng giảm dần.
Để góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá niên, Trường đại học Cần Thơ phối hợp Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plong thực hiện dự án tạo giống cá này, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021.
Ông Long cũng cho biết hiện giá bán tại chỗ của cá này khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg, vào nhà hàng có thể lên tới hơn 500.000 đồng/kg. Vì vậy, việc lai tạo thành công sẽ tạo ra nguồn thu nhập tốt cho người dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số của vùng Tây nguyên và miền Trung.
Theo nghiên cứu nêu trên, cá niên là loài có kích thước trứng lớn, sức sinh sản khá cao, dao động từ 72.126 - 81.724 trứng/kg. Trong sinh sản, tỉ lệ trứng thụ tinh đạt khá cao (trên 86%) và tỉ lệ nở (trên 50%).
Trứng cá niên trong quá trình nghiên cứu lai tạo - Ảnh: Dương Nhựt Long
Cá niên (Onychostoma sp) hay còn gọi là cá sỉnh, sỉnh gai, cá mác, cá cai-lin… là loài cá quý hiếm xếp ở nhóm 2 loài thủy sản nước ngọt nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam (2007). Tài liệu từ Trung tâm nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga (2006 - 2007) cho thấy cá niên phân bố nhiều trong các thủy vực sông, suối miền núi ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận