Thứ 7, ngày 28 tháng 5 năm 2022
Lại bàn cách giải cứu tôm
TTO - Mục tiêu xuất khẩu tôm trị giá 10 tỉ USD chưa thấy, chỉ biết rằng giá tôm tại "thủ phủ" Miền Tây đang giảm mạnh và các bên phải xúm tay vào bàn cách giải cứu.

Giá tôm giảm mạnh từ tháng 4-2018 đến nay. Trong ảnh: người dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm - Ảnh: CHÍ QUỐC
Giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh, với mức giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, nếu không nhận dạng rõ nguyên nhân để có giải pháp ứng phó sẽ tác động không tốt tới ngành hàng tôm, mà trước hết là lợi ích của người nuôi tôm, đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khuyến cáo như vậy tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm ĐBSCL, được tổ chức ở Bạc Liêu ngày 3-6.
Thiếu thông tin dự báo thị trường
Sau khi đứng ở mức cao vào đầu năm, từ tháng 4 tới nay giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL bắt đầu giảm mạnh với mức giảm từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy kích cỡ, hiện chỉ còn khoảng 78.000 đồng/kg loại 100 con/kg.
Ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết trong khi nguồn cung tôm thế giới tăng 10-20%, nhu cầu chỉ tăng từ 5-7% nên cung vượt cầu, chưa kể Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới khiến cho tồn kho gia tăng.
Ông Lê Văn Sử, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cũng cho biết đa số các nước sản xuất tôm được mùa, trong đó năng suất nuôi tôm tại VN tăng gấp 10 lần so với trước đây nhờ áp dụng công nghệ trong sản xuất siêu thâm canh.
Chẳng hạn, diện tích nuôi tôm tại Cà Mau chỉ tăng 1.000ha, nhưng sản lượng tương đương 10.000ha nhờ áp dụng công nghệ nuôi siêu thâm canh. Đây là yếu tố giúp sản lượng tôm tăng mạnh, trong khi nhu cầu tăng chậm hơn và hậu quả là giá tôm giảm.
Theo các địa phương, từ năm 2011 đến nay chỉ có ba lần tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm xuống còn 75.000 đồng/kg. Mức giá 78.000 đồng/kg hiện nay có thể được xem là đã chạm đáy, nhưng bao giờ giá tôm này tăng trở lại và tăng bao nhiêu rất khó dự báo.
Do đó, các bộ ngành liên quan cần thành lập một bộ máy theo dõi, dự báo thị trường bài bản, chính xác hơn. "Cần có bộ máy chuyên nghiệp. Thông tin không chỉ đồng bộ, đầy đủ mà phải chính xác" - ông Sử đề xuất.
Doanh nghiệp phải đồng hành với người nuôi
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh, ngoài việc chỉ đạo tập trung quản lý hoạt động nuôi trồng và chất lượng con giống, địa phương này cũng khuyến cáo nông dân nuôi rải vụ, nuôi đạt kích cỡ và có giải pháp hạ giá thành sản xuất.
Tuy nhiên về lâu dài, Bộ NN&PTNT cần quản lý vật tư đầu vào, làm sao bình ổn nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời cần dự báo giá cho chính xác, hướng dẫn kích cỡ từng loại tôm để khuyến cáo người dân kích cỡ nào bán có giá.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hiểu, phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo các doanh nghiệp phải đồng hành với người nuôi, không nên ép nông dân với giá thấp hơn thị trường, thậm chí bỏ mặc người nuôi dù đến thời điểm tôm đạt kích cỡ thu hoạch 50-60 con/kg.
"Dân bán không được nhưng không thể không tiếp tục đầu tư chăm sóc. Doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với nông dân" - ông Hiểu nói.
Ngoài việc kêu gọi người dân không bán tôm non (kích cỡ nhỏ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh giống, thức ăn và chế phẩm cùng chia sẻ với người nuôi, lấy lợi nhuận ở mức vừa phải để nuôi thị trường lâu dài.
Với các doanh nghiệp chế biến tôm, ông Cường yêu cầu phải "coi khách hàng là bạn đồng hành, là người nuôi mình. Một người treo ao mà lan tỏa tới những người khác thì tháng tới không có nguyên liệu đâu".
Phải liên kết sản xuất theo chuỗi
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các địa phương ĐBSCL cần tập trung cho công tác quản lý, hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ quy trình nuôi.
Với 6 tỉnh nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh), theo ông Cường, "khó đến mấy cũng phải bàn" khâu liên kết sản xuất theo chuỗi bởi nếu làm được điều này sẽ không có chuyện đầu vào giá cao, chỗ này tôm giảm giá, chỗ kia tôm tăng giá.
-
TTO - Một trong những lý do để giải thích cho giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần so với sách của chương trình cũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã cho rằng sách mới có "khổ to, giấy đẹp".
-
TTO - Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến nở rộ trong giai đoạn dịch COVID-19 đang tạo ra một hệ lụy lớn, đó là gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa. Việc này có thể tạo ra sự tiện lợi trước mắt nhưng lại bỏ qua những nguy cơ lâu dài.
-
TTO - Kết thúc phiên giao dịch 27-5, giá dầu đạt mức cao nhất trong gần hai tháng tạo áp lực tăng giá xăng dầu trong nước; Nhiều phụ huynh tranh thủ mua quà tặng 1-6 cho con; Vải thiều bán đắt hàng trên các sàn thương mại điện tử... là tin nổi bật.
-
TTO - Khoảng 800 - 1.000 VĐV được xét nghiệm doping (chất cấm) tại SEA Games 31. Các mẫu thử này được bảo quản khắt khe, có người trực tiếp mang từ Hà Nội đến phòng thí nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) kiểm tra trước khi công bố kết quả.
-
TTO - Kế sách của Tôn Tẫn cách đây hơn 2.300 năm đang được hậu thế của ông áp dụng lại, trong bối cảnh Trung Quốc hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp cả trong lẫn ngoài nước.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận