27/10/2021 20:33 GMT+7

Lạc Dương xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh

T.D.V - VĂN BÌNH - SƠN TRANG
T.D.V - VĂN BÌNH - SƠN TRANG

Lạc Dương vốn là vùng đất có tiềm năng lớn về nông nghiệp và du lịch dã ngoại. Thời gian qua huyện đã và đang đẩy mạnh đầu tư để tiến tới xây dựng đô thị thông minh.

Lạc Dương xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh như thế nào?

Để tiếp thêm động lực thúc đẩy sự phát triển này, lãnh đạo huyện Lạc Dương và ban Giám hiệu trường Đại học Đà Lạt đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 26-10.

Đây là cơ sở để cả 2 bên cùng nghiên cứu, đầu tư khai thác thêm các nguồn lực để tiến tới hợp tác toàn diện.

Tiến sĩ Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt chia sẻ Đại học Đà Lạt muốn cùng với huyện Lạc Dương ký kết hợp tác toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội. Trước hết là lĩnh vực Big Data trong nông nghiệp. Một bên thì có tiềm lực về nông nghiệp, con người đất đai về tất cả lĩnh vực liên quan sản xuất nông nghiệp văn hóa, du lịch, kinh tế - văn hóa… 1 bên thì có các nhà khoa học, nguồn tri thức cho nên hai bên rất dễ hợp tác cùng phát triển.

Lạc Dương xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Lạc Dương và trường Đại học Đà Lạt ký kết hợp tác toàn diện

Ông Sử Thanh Hoài – Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng coi trọng sự hợp tác và đánh giá cao trình độ chuyên môn cũng như các đề tài nghiên cứu của phía trường Đại học Đà Lạt. Ông cho biết nếu hợp tác thành công, huyện Lạc Dương sẽ giống như được chắp thêm đôi cánh, có điều kiện phát triển.

 "Với những nguồn lực hiện tại cộng thêm những đề tài, nghiên cứu giúp đỡ từ Đại học Đà Lạt, chắc chắn huyện sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế. Ngược lại, trường Đại học Đà Lạt cũng sẽ có điều kiện để đưa ra thực tiễn những nghiên cứu của mình, thực nghiệm trên địa bàn huyện Lạc Dương", ông Hoài nhấn mạnh.

Trọng tâm trong hoạt động hợp tác ký kết lần này giữa huyện Lạc Dương và trường Đại học Đà Lạt là biên bản hợp tác xây dựng Big Data nông nghiệp. Đây có thể coi là một mô hình mới trong việc hợp tác giữa một cơ sở trường học với một địa phương cấp huyện. Từ đó tạo điều kiện hỗ trợ, cùng nhau phát triển có lợi cho cả 2 bên.

"Chuyển đổi số này đem lại rất nhiều lợi ích. Đặc biệt cho doanh nghiệp cũng như người sản xuất nông nghiệp ở địa phương như vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu hay là đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra còn có thông tin về sâu bệnh, các vấn đề đầu tư và giảm thiểu được các rủi ro, tránh tình trạng được giá mất mùa hoặc được mùa mất giá", tiến sĩ Lê Minh Chiến chia sẻ.

Lạc Dương xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh - Ảnh 3.

Một trong những ứng dụng thông minh sẽ được ra mắt sau lễ ký kết

Cũng theo tiến sĩ Lê Minh Chiến, huyện Lạc Dương có thế mạnh là huyện sản xuất nông nghiệp đang có nhiều tiềm năng để phát triển. Việc đặt trọng tâm vào chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ là một giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và giải quyết thị trường cho nông sản của địa phương.

Huyện Lạc Dương hiện đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Trong đó có việc quảng bá các điểm du dịch dã ngoại và các đặc sản như cà phê, rau sạch, các loại dược liệu… Điều này phải có chiến lược lâu dài và gắn liền với việc phân vùng sản xuất hợp lý.

Ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Xây dựng được Big Data thì Lạc Dương sẽ điều hành về mặt kinh tế, xã hội đặc biệt là về nông nghiệp rất thuận lợi. Từ đó có định hướng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Giúp cho người nông dân có đầy đủ kiến thức và điều kiện để phát triển bền vững hơn về nông nghiệp trên địa bàn".

UBND huyện Lạc Dương và trường Đại học Đà Lạt cũng đã đưa các tổ công tác vào hoạt động. Dự kiến tháng 2-2022, nền tảng ứng dụng thông minh về quản lý nông nghiệp của huyện Lạc Dương sẽ được ra mắt. Huyện cũng khảo sát dữ liệu đầu vào để hoàn thiện cơ bản về cơ sở dữ liệu. Đồng thời, sẽ thí điểm thực tế tại một địa phương, kết nối trung tâm điều hành thông minh của huyện với người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big data) trong nông nghiệp

Là một mô hình tổng thể các chương trình quản lý do các UBND huyện Lạc Dương (phòng Nông nghiệp, phòng Công nghệ Thông tin và các phòng ban liên quan) kết hợp với trường Đại học Đà Lạt (khoa Sinh học, khoa Nông Lâm, khoa Công nghệ Thông tin…) được xây dựng dưới dạng ứng dụng công nghệ.

Trong đó, chuyên gia, doanh nghiệp, các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, hộ gia đình và các hợp tác xã có thể tham gia sử dụng hệ thống.


T.D.V - VĂN BÌNH - SƠN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên