Thị trường đĩa nhựa đang hồi sinh - Ảnh: TRÍ QUYỀN |
Mới đây nhất, Sony vừa công bố sẽ mở nhà máy sản xuất, in ấn đĩa nhựa ở Nhật Bản vào đầu năm 2018.
Nghĩ đến đĩa nhựa thường là nghĩ đến dòng nhạc sang trọng hoặc acoustic giàu giai điệu, cần âm thanh chi tiết, nhưng vẫn có những ngõ ngách khá bất ngờ mà đĩa nhựa len lỏi vào.
Thị trường đĩa nhựa ở Anh có xu hướng đến với dòng rap/hip hop, ví dụ như Hãng đĩa Omerta ở London hướng đến dòng rap/hip hop, phát hành các album kinh điển của dòng này hoặc các mix-tape mới đáng chú ý dưới dạng đĩa nhựa.
Future đang là rapper ăn khách với bài Mask Off đang nằm trong top Billboard và Omerta đã phát hành lại album đầu tay của anh - đĩa Pluto - dưới dạng đĩa nhựa. Tương tự là các album Most Known Unknown của Three 6 Mafia hay I’m Serious của T.I.
Có những hãng đĩa độc đáo hơn, trưng cầu ý dân để chọn đĩa nào sẽ được phát hành đĩa nhựa. Run Out Groove, thuộc Tập đoàn Warner, vừa ra mắt hồi tháng 3 năm nay có cách thức hoạt động khá thú vị: mỗi tháng, hãng đĩa chuyên về đĩa nhựa này sẽ đưa ra tựa ba album (trước đây chưa từng được phát hành hoặc đã hết hàng, hoặc một đĩa tổng hợp hoàn toàn mới từ kho nhạc của Warner) để người dùng lựa chọn.
Album nào được chọn nhiều nhất sẽ được mở đơn đặt hàng trước trong vòng 30 ngày. Khi đơn hàng đóng lại, số lượng đĩa sản xuất sẽ được công bố, đương nhiên là nhiều hơn lượng đặt hàng một chút và các ấn bản dư ra được bán tại một số điểm bán lẻ.
Hãng đĩa này lại thiên về dòng nhạc rock với các đĩa như The Motor City Five của MC5 hay It’s Alive Now của Echo & The Bunnymen.
Năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử tất cả bài hát tham dự cuộc thi hát Eurovision 2017 (mới diễn ra hồi tháng 5 với chiến thắng thuộc về Bồ Đào Nha) phát hành dưới dạng bộ bốn đĩa nhựa.
Điều thú vị với các ấn bản đĩa nhựa phát hành hiện nay là thường được kèm với một mã đặc biệt để có thể tải phần nhạc số về nghe, đỡ mòn kim mòn đĩa!
Ở Việt Nam, thị trường đĩa nhựa cũng hồi sinh với khá nhiều sản phẩm được tung ra, từ năm 2011 đến nay đã có đến 30 album trên đĩa nhựa.
Năm 1989, Sony ngưng trực tiếp sản xuất đĩa nhựa để tập trung vào “con bò sữa” CD. Nhưng đến năm 2016, đĩa nhựa tại Mỹ đã đạt mức doanh thu cao nhất trong vòng 25 năm, bán ra 13 triệu bản. Số đĩa nhựa được tiêu thụ tăng liên tục trong nhiều năm (năm 2016 chiếm đến 26% doanh thu từ các loại đĩa cầm nắm được, không tính nhạc số), dẫn đến Sony quyết định xây lại nhà máy sản xuất để chủ động và tiết kiệm hơn sau gần 30 năm bỏ rơi định dạng này. Jack White của nhóm White Stripes cũng lập ra hãng đĩa mang tên Third Man và hãng đĩa này đã xây dựng một nhà máy sản xuất đĩa của riêng mình, bên cạnh việc lấy nguồn đĩa sản xuất theo đơn đặt hàng từ bên ngoài. Một số hãng đĩa chuyên đĩa nhựa cũng được thành lập, điều mà cuối thập niên 1990 không ai nghĩ tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận