38 năm đã trôi qua, hồi tưởng đêm đặc biệt, người lính năm xưa nay tóc đã hoa râm vẫn xúc động: “Tôi cứ chong mắt trước nòng súng, đợi giây phút được bắt tay quân giải phóng đang tiến vào”.
Phóng to |
Cắm cờ giải phóng trong khuôn viên trại Davis sáng 30-4-1975 - Ảnh tư liệu |
Nơi cắm lá cờ giải phóng đầu tiên
Sáng 30-4, tiếng pháo kích thưa dần. Thượng sĩ Lãi vẫn đang ôm súng dưới công sự thì được lệnh thực hiện nhiệm vụ cắm cờ giải phóng trên trại Davis. Mệnh lệnh từ chính vị tướng dày dạn trận mạc Hoàng Anh Tuấn truyền xuống. Lãi nghẹn vì xúc động.
Trong lúc đó, đội vệ binh trại Davis cũng được lệnh phối hợp cắm và bảo vệ ngọn cờ. Trung sĩ Nguyễn Văn Cẩn, một trong những người được chọn thực hiện nhiệm vụ này, vẫn không quên mệnh lệnh của đại úy Nguyễn Hữu Tài, chính trị viên đội vệ binh: “Bằng mọi giá phải treo được lá cờ lên cao. Quân giải phóng sắp đến rồi”.
Thời điểm quan trọng này, mọi người trại Davis đều hiểu lá cờ có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, ngay trước đó cả Lãi và Cẩn đều chưa nghĩ mình sẽ là người cắm lá cờ giải phóng đầu tiên ở nội thành Sài Gòn trong sáng 30-4.
Vị trí treo cờ được lựa chọn là tháp nước cao nhất trong trại Davis và thoáng để có thể nhìn rõ từ xa. Thượng sĩ Lãi ôm lá cờ vào ngực cùng vệ binh Cẩn chạy nhanh đến tháp nước. Cả hai đều mang vũ khí đề phòng bất trắc. Hồi tưởng sự kiện đặc biệt này, ông Cẩn vẫn nhớ đại úy Tài đã chuẩn bị sẵn tổ treo cờ thứ hai do hai vệ binh Bộ và Hiền đảm nhiệm. Họ sẽ sẵn sàng lên thay nếu người đi trước hi sinh.
Chạy phía trước, Lãi lấy một ống nước bằng thép để làm cán cờ. Theo đường thang tháp nước, anh cầm cờ leo lên trước. Cẩn cầm ống sắt làm cột cờ cũng tiến lên ngay sau lưng anh. Lên đến đỉnh tháp, Lãi dùng dây kẽm buộc phần trên cán cờ vào đầu thang phía trên tháp nước. Cẩn buộc chặt phía dưới. Khi lay thử cán cờ đã chắc chắn vì khu vực trống trải này ở sân bay thường có gió rất mạnh, thượng sĩ Lãi thả lá cờ cho tung bay trong gió. Những tiếng phần phật của lá cờ sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ.
Kim đồng hồ chỉ đúng 9g30 sáng 30-4-1975.
Hai người lính tuổi đôi mươi nhận lãnh nhiệm vụ lịch sử vẫn nấn ná chưa muốn rời ngọn cờ. Phía dưới họ, trại dù của quân đội Sài Gòn nhốn nháo bóng lính chạy tới chạy lui. Một lát sau, đơn vị đầu tiên của cánh quân tấn công hướng Tân Sơn Nhất là tiểu đoàn 6, trung đoàn 9, sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 đã đến cổng sân bay. Cuộc hội ngộ mong đợi nhất suốt cuộc chiến khốc liệt 20 năm của những người lính ở trại Davis và đồng đội đã diễn ra dưới bóng ngọn cờ.
Đặc biệt, những người chứng kiến sớm ngọn cờ lịch sử sáng 30-4 này còn có ba nhân sĩ Sài Gòn là linh mục Chân Tín, giáo sư Châu Tâm Luân và luật sư Trần Ngọc Liễng. Họ đã vào trại Davis từ chiều 29, và vì chiến sự phải ở lại cho đến lúc Sài Gòn ngưng tiếng súng. Phía ngoài, những người lính cuối cùng còn lại ở trại lính dù Sài Gòn cũng là nhân chứng sớm nhìn thấy lá cờ này. Đó là lá cờ thứ hai của đối phương mà họ đã nhìn thấy ở trại Davis.
Hồi tưởng hình ảnh lá cờ giải phóng thứ nhất xuất hiện ở trại Davis, đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên trợ lý của tướng Trần Văn Trà, vẫn nhớ kỷ niệm không thể quên trong cái tết đầu tiên giữa đất đối phương.
“Đó là đêm 30 đầu sáng mồng 1 Tết Quý Sửu năm 1973. Khoảng gần 3g sáng, người đã chợp mắt, người đang lặng nghe đài Hà Nội trong nỗi nhớ nhà, bất ngờ bị dựng dậy bởi tiếng xích thiết giáp, trực thăng vũ trang quần đảo ngay trên trại Davis. Mọi người chộp súng chuẩn bị chiến đấu thì được biết chuyện bắt đầu từ chiến sĩ thông tin thuộc đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người lính này đã treo lá cờ đỏ sao vàng lên đầu cột ăngten để mừng xuân”.
Phóng to |
Kiểm tra giếng nước trong trại Davis - Ảnh tư liệu |
Trại Davis: di tích lịch sử
38 năm đã trôi qua với cùng bao biến động bể dâu, nhưng các chứng nhân trong cuộc vẫn không kìm được xúc động khi nhắc lại 823 ngày ở trại Davis. Nói như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, trại Davis là một trong những nơi lưu lại dấu ấn quan trọng nghệ thuật đấu tranh độc đáo của VN. Nghệ thuật “vừa đánh vừa đàm”, quân sự kết hợp với đấu tranh ngoại giao.
Cùng tâm nguyện đồng đội ở trại Davis, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã nhiều lần đề nghị công nhận trại Davis là di tích lịch sử cách mạng. Ông tâm sự ngay nước Pháp vẫn còn nhiều địa điểm kỷ niệm Hiệp định Paris, tại sao chính VN lại không thể có? Nhiều nhân chứng trong cuộc vẫn còn sống cùng hàng ngàn tài liệu, hình ảnh kỷ niệm. Đặc biệt, trại Davis là một cơ sở vật chất cụ thể rất thuận lợi để làm việc có ý nghĩa này.
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, hiện là trưởng ban liên lạc cựu binh trại Davis, xúc động nói: “Sau tướng Hoàng Anh Tuấn, chúng tôi tiếp tục nỗ lực đề nghị công nhận nơi ở và làm việc của hai đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở sân bay Tân Sơn Nhất là di tích lịch sử cách mạng. Sự việc đang khó khăn, nhưng chúng tôi khẳng định sẽ kiên trì thực hiện đến cùng điều này”.
Ông Phạm Thành Nam, trưởng phòng di sản Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, cũng chia sẻ với tâm nguyện của các cựu binh trại Davis. Ông khẳng định sở và UBND TP.HCM rất ủng hộ đề nghị này. Rất hiếm có cuộc chiến tranh nào trên thế giới mà bên đây chiến tuyến lại tồn tại công khai, đường hoàng nơi ăn ở và làm việc giữa lòng đối phương như trại Davis. Cả ngàn lượt người vào từ Hà Nội và đi ra từ các cánh rừng đã để lại dấu ấn nơi đây. Trong đó có các tên tuổi đã đi vào lịch sử như tướng Trần Văn Trà, Hoàng Anh Tuấn, Võ Đông Giang, Nguyễn Đôn Tự...
Theo ông Nam, cựu binh trại Davis và TP.HCM đã xúc tiến thủ tục cần thiết để được xét phong di tích lịch sử. Vấn đề vướng ở Bộ Quốc phòng, vì khu trại Davis đang triển khai dự án sân bay - thương mại. “Dù đã trễ nhưng chúng ta vẫn phải hết lòng bảo vệ nơi lưu lại dấu ấn cách mạng. Nếu không con cháu mai sau sẽ trách cha anh”. Đại tá Vân tâm sự thêm: nên dành phần nào diện tích cho di tích lịch sử này, có chỗ để đặt bia, trưng bày tài liệu, hình ảnh truyền thống về trận địa đặc biệt suốt 823 ngày đêm ở Sài Gòn...
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Đường đến Davis Kỳ 2: “Tổng hành dinh” bất khả xâm phạm Kỳ 3: Những chuyến bay đặc biệt Kỳ 4: Trao trả tù binh Kỳ 5: Thành lũy tháng 4
___________
Đón đọc số tới: Án oan - nỗi đau dai dẳng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận