06/08/2009 06:00 GMT+7

Kỳ vĩ ruộng bậc thang Sa Pa - Kỳ 2: 100 năm mở ruộng

VŨ TOÀN - HỒNG THẢO
VŨ TOÀN - HỒNG THẢO

TT - Chúng tôi rời thung lũng Mường Hoa, quay lại thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải tìm chủ nhân thửa ruộng 121 bậc thang bắc lên trời. Một phụ nữ Mông vừa đặt cái gùi đầy búp măng Bát Độ mập mạp xuống bên quốc lộ 4D nghe hỏi đường đến nhà ông Lò Quẩy Vảng, liền chỉ cánh tay về phía đỉnh rừng cao ngất, nói: “Nhà hắn ở phía sau đỉnh núi ấy. Hắn làm ruộng bậc thang giỏi đấy”.

6cCQI5XL.jpgPhóng to
Ông Lò Quẩy Vảng và cháu nội chăm sóc ruộng lúa bậc thang trên đỉnh rừng- Ảnh: Vũ Toàn

Tài sản vô giá

Sau hai giờ cuốc bộ trên con đường mòn dốc ngược theo mé rừng quanh co, chúng tôi lên tới đỉnh Vù Lùng Sung. Nghe gõ cửa, ông Vảng ra đón khách rồi tiếp ngay mỗi người một chén rượu trấu (rượu nấu bằng lúa Mông) bảo: “Uống là hết mệt ngay, loại rượu đặc biệt của Vù Lùng Sung đấy, dưới xuôi không có đâu”.

Ông Vảng năm nay 71 tuổi nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn từ ánh mắt đến bước đi. Ông từng làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Trung Chải, sau về hưu làm trưởng thôn Vù Lùng Sung. Ông giải thích: “Ngày xưa người ta gọi nơi này là đỉnh rừng con hổ vì có một con hổ xám thường ra đây nằm phục, ăn thịt gia súc của người Mông. Đó là thời của cố nội tôi, lúc ấy thôn chỉ mới có ba nhà thôi chưa đông đúc như bây giờ”.

100% hộ nông dân ở Sa Pa làm ruộng bậc thang

Ông Nguyễn Xuân Cường - trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa - khẳng định như vậy sau khi nêu những dẫn chứng thuyết phục: huyện Sa Pa hiện có khoảng 4.000 hộ (25.000 người bao gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy) sinh sống nhờ vào ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang chiếm 100% diện tích trồng lúa toàn huyện với 2.490ha, năng suất bình quân đạt 45,6 tạ/ha (cao gấp ba lần so với làm lúa cạn). Thu nhập bình quân của một hộ nông dân đạt 23 triệu đồng/ha/năm (năm 1998-2000 chỉ đạt 8-10 triệu đồng/ha/năm).

Cố nội ông Vảng là cụ Lò Chỉn Xin. Từ thời cố Xin đến đời cháu nội ông Vảng bây giờ là sáu đời. Bình quân một đời nối nhau 25 năm thì từ đó đến nay đã 150 năm.

Ông Vảng nhớ lại: “Thời đó, cố Xin thấy người Mông sống du cư du canh, chủ yếu phát rừng làm nương để tỉa lúa. Vài ba năm sau phải thay nương vì đất hết màu mỡ, họ dời nhà đi nơi khác, phát rừng khác tạo nương mới. Làm ăn kiểu đó vừa tốn công sức vừa làm hại rừng ghê lắm. Tôi không dám chắc có phải từ đó mà cố Xin nghĩ ra cách làm ruộng bậc thang hay không, chỉ biết khi ông nội ra ở riêng thì cố Xin chia cho thửa ruộng bậc thang để làm vốn sinh sống. Sau đó ông nội chia ruộng cho cha tôi rồi đến lượt con cháu tôi đều được tôi chia ruộng khi xây dựng gia đình”.

Theo ông Vảng, bất kể người Mông hay người Giáy, người Dao không bao giờ họ bán ruộng bậc thang của mình, mặc dù nhiều người vùng khác đến tìm mua. Ruộng được xem là tài sản vô giá. Người dân vùng cao thường có khá nhiều con, ví như ông Vảng có hai vợ sinh mười trai, bảy gái, ruộng bao nhiêu cũng khó đủ để chia đều cho con cái nên không nghĩ đến chuyện bán ruộng.

Ông Vảng cho biết thêm: “Ruộng bậc thang bắt đầu phát triển rộng khắp cách nay 80 năm. Chính thửa ruộng 121 bậc của tôi được bố là Lò Phủ Quẩy chia cho. Bố tôi và hai người chú ruột là Lò Phủ Thìn, Lò Phủ Ngan nổi tiếng mở ruộng bậc thang đẹp nhất vùng. Hiện những thửa ruộng xung quanh thửa 121 là gia tài của anh em họ Lò để lại cho con cháu trong 12 hộ gia đình”.

CLa7d4F6.jpgPhóng to
Bà con nông dân Sa Pa gặt lúa mùa - Ảnh: Hồng Thảo

Nhiều ruộng sẽ giàu lên nhưng vẫn giữ được rừng

Ngoài anh em họ Lò, thôn này còn có họ Lý, họ Phàn với 68 hộ gia đình quần tụ. Họ nào cũng có người làm ruộng bậc thang giỏi. Họ Lý có gia đình ông Lý Xà Thìn với bảy lao động, mỗi mùa thu hoạch cỡ 100 bao thóc (mỗi bao thóc tương đương 40kg), đủ ăn quanh năm. Họ Lò tiêu biểu nhất ông Lò Diếu Dùng (phó công an xã) cũng có bảy lao động, thu hoạch 110 bao mỗi mùa. Họ Phàn có Phàn Chỉn Phủ (vợ là phó hội phụ nữ xã) được xem là ngang tài, ngang sức với người làm ruộng tăm tiếng của họ Lò.

Ông Vảng cho hay sở dĩ 80 hộ trong thôn đều đủ lúa ăn là nhờ ruộng bậc thang. Sau khi gặt lúa cuối tháng tám, đến tháng hai năm sau hộ nào cũng tranh thủ trồng ngô trên ruộng bậc thang để tháng năm tiếp tục quay vòng trồng vụ lúa mới. Ông Vảng nói: “Bây giờ không chỉ đủ lúa ăn mà có hộ còn dư lúa để bán. Không như ngày xưa, dân Mông phải xuống núi, đi bộ ra tận thành phố Lào Cai xa hơn 20km mua sắn về ăn thay cơm, cơ cực lắm”.

Bây giờ dù tuổi cao nhưng ông Vảng vẫn cùng con cháu làm ruộng bậc thang. Ông nói phải dạy cho con cháu từ bé, con người không phải lúc nào cũng cậy vào sức khỏe, quan trọng là biết học hỏi kinh nghiệm thì mới biến ruộng bậc thang giữa mưa nắng thành cái bồ thóc của nhà mình.

Một bài học mà ông Vảng truyền lại cho con cháu là ruộng bậc thang sống được nhờ nguồn nước từ khe, suối nên khi mở ruộng phải biết cách giữ đỉnh rừng đầu nguồn. Không như trước đây, hễ thấy vùng rừng nào có cây gỗ to là hạ hết. Có vùng rừng già cả thôn ra giữ nhưng vẫn không ngăn được nạn tàn phá rừng. Ngược lại, một ưu điểm của ruộng bậc thang khi có mưa là giữ được nước nên giữ được độ ẩm cho rừng.

Ông Vảng nêu một dẫn chứng: “Ở Sa Pa rét quanh năm, có những tháng rét đậm, trâu bò không tài nào sống nổi. Chăn nuôi khổ hơn trồng lúa nhiều. Vì thế phải biết lấy năng suất cây lúa để bù vào lỗ hổng chăn nuôi”. Nói đoạn ông ra hiên vác cái cuốc con bướm cùng đứa cháu nội mang rựa ra chăm thửa ruộng bậc thang phía trước nhà.

__________________________

Ông Lò Quẩy Vảng chỉ là chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang có từ lâu đời ở Sa Pa. Còn việc mở ruộng hay khai ruộng sẽ quyết định giá trị cái “bồ thóc” tốt hay xấu, đầy hay vơi cho từng gia đình.

Ở Sa Pa có người cả đời đi làm việc đó

Kỳ tới: “Nghệ nhân” ruộng bậc thang

VŨ TOÀN - HỒNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên