09/03/2017 09:45 GMT+7

Kỷ vật của mẹ Việt Nam anh hùng

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) là nơi có kho tư liệu, hiện vật đồ sộ về các mẹ Việt Nam anh hùng được dày công sưu tầm suốt nhiều năm qua.

Cán bộ phòng kiểm kê bảo quản (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) làm vệ sinh để bảo quản các hiện vật của các bà mẹ Việt Nam anh hùng trao tặng - Ảnh: Tự Trung
Cán bộ phòng kiểm kê bảo quản (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) làm vệ sinh để bảo quản các hiện vật của các bà mẹ Việt Nam anh hùng trao tặng - Ảnh: Tự Trung

“Ai cảm nhận hết nỗi đau của mẹ khi lần lượt các con đều ra đi mãi mãi, liệu nòng súng của đứa này có vô tình hướng về phía đứa kia? Cái nghiệt ngã của chiến tranh chắc chỉ mình mẹ hiểu

Anh Nguyễn Sanh

Bắt đầu thực hiện từ năm 2011, dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu về mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM” của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chính thức kết thúc vào năm 2013.

Thế nhưng, công việc sưu tầm, thu thập dữ liệu về các mẹ vẫn được tiếp tục đến tận bây giờ. Có trên 1.300 hiện vật của các mẹ tặng cho bảo tàng, cả những kỷ vật quý giá như tiền, nữ trang.

Chúng tôi đã có dịp ngồi lại cùng những người trực tiếp sưu tầm kỷ vật để lắng nghe những câu chuyện ít người biết - về các mẹ Việt Nam anh hùng.

Sống với kỷ niệm

“Trời bữa nay thiệt lạ. Đang oi nồng bỗng đâu mây đen vần vũ về giăng ngang đầu. Gió chướng thốc mạnh, mái lá xiêu vẹo của căn nhà oằn mình kêu cót két.

Một cánh tay khẳng khiu, da nhăn nhúm kéo vội tấm phên cũ nát dùng làm cửa. Gió thốc mạnh vào căn nhà trống hoác, lọt thỏm giữa đám cỏ cao ngất vượt khỏi nóc nhà.

Nếu không có vạt cỏ lưa thưa, ngoằn ngoèo như rắn bò ấy thì chẳng ai nghĩ trong đó có một căn nhà. Chủ nhà là một cụ già 92 tuổi sống một mình cùng với bầy mèo dễ có đến gần 30 con.

Từ ngày thằng Dũng - con trai bà hi sinh - người ta ít thấy bà bước ra khỏi nhà. Bà chẳng dám đi đâu, suốt ngày quẩn quanh trong nhà ra tới vườn.

Đời thuở nhà ai, người chết rồi có khi nào sống lại được đâu. Biết vậy mà bà vẫn ngày đêm ngóng chờ thằng Dũng, bà chỉ sợ một ngày Dũng về không gặp, tội nghiệp nó...”.

Những dòng đầy cảm xúc đó được anh Mai Phước Lâm, phó trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm thuộc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, viết vào tháng 9-2011.

Anh viết sau cuộc tiếp xúc với mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Diệp, sinh năm 1920, ngụ ở ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM.

“Tôi không phải người viết chuyên nghiệp, viết chẳng để đăng báo, cũng chẳng để in sách. Tôi chỉ viết cho mẹ và giữ cho riêng mình. Bởi những cuộc gặp gỡ với các mẹ thật đặc biệt” - anh Lâm tâm sự.

Anh Lâm là một trong những thành viên nòng cốt tham gia dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày tư liệu về mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM” của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều mẹ Việt Nam anh hùng, anh Lâm nói điều đọng lại lâu nhất, ám ảnh nhất về các mẹ là nỗi nhớ con và sự cô đơn. Đặc biệt là những mẹ chỉ có người con duy nhất cũng hi sinh, tuổi già vò võ một mình.

“Có mẹ tuổi đã ngoài 80, ở một mình trong gian nhà tuềnh toàng. Tâm trí bà, sau mấy mươi năm mất con, vẫn không thôi thương nhớ.

Hôm tổ công tác của bảo tàng đến, bà ngồi ru mãi những khúc hát ru con năm nào. Nghe lời ru hời da diết nhói lòng vọng ra từ lồng ngực già nua, chúng tôi xót xa và ngập tràn thương mẹ” - anh Lâm kể.

Câu chuyện đằng sau mỗi kỷ vật khiến người ta rơi nước mắt. Như mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Há, ngụ quận Bình Thạnh, có chồng và con hi sinh. Kỷ vật mẹ tặng bảo tàng là chiếc áo bà ba bông xanh và mảnh khăn tang.

Khi hay tin chồng hi sinh ngoài chiến trường, mẹ may mảnh khăn tang gửi lên cho con gái đang ở chiến khu để tang cha.

Đến ngày chị hi sinh, đồng đội của chị lại gửi mảnh khăn tang ấy - như một kỷ vật của chị - về cho mẹ. Một mảnh vải đen nhỏ chất chứa hai niềm đau mẹ giữ mãi bên mình.

Day dứt

Có những kỷ vật khiến người xem day dứt. Như chiếc nồi của một mẹ Việt Nam anh hùng ở huyện Củ Chi, dùng để nấu rượu bán cho lính Mỹ, chắt chiu từng đồng lấy tiền nuôi con, tiếp tế cho bộ đội.

Hòa bình lập lại, mẹ chỉ còn lại một mình. Cũng chiếc nồi đó, mẹ dùng nấu cám nuôi heo để tự nuôi sống bản thân.

Một mẹ Việt Nam anh hùng khác tặng bảo tàng chiếc đòn gánh - chiếc đòn gánh này đã theo mẹ suốt những năm tháng chiến tranh.

Trên quang gánh của mẹ: một đầu gánh gạo, một đầu gánh con vượt qua mưa bom bão đạn. Ngày đất nước yên tiếng súng, cũng quang gánh tảo tần mẹ cặm cụi mưu sinh vì chỉ còn lại một mình.

Anh Nguyễn Sanh, phó phòng kiểm kê bảo quản của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, kể về trường hợp đặc biệt của một mẹ Việt Nam anh hùng ngụ quận Gò Vấp. Mẹ có 2 người con là liệt sĩ. Người con thứ ba bị bắt quân dịch rồi cũng chết trận.

Trên bàn thờ, mẹ đặt di ảnh ba anh em sát cạnh nhau.

“Nhìn những bức ảnh ấy, liệu có ai đong đếm được sự giằng xé của người mẹ trong những ngày các con mình buộc phải ở hai bên chiến tuyến?

Ai cảm nhận hết nỗi đau của mẹ khi lần lượt các con đều ra đi mãi mãi, liệu nòng súng của đứa này có vô tình hướng về phía đứa kia? Cái nghiệt ngã của chiến tranh chắc chỉ mình mẹ hiểu” - anh Sanh xót xa nói.

Cũng có lần, tổ công tác của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tiếp xúc với một mẹ Việt Nam anh hùng sống một mình trong căn nhà tình nghĩa được địa phương xây tặng. Căn nhà chỉ có cửa ra vào, không có cửa hậu, cũng chẳng có nhà vệ sinh.

Mỗi lần muốn đi vệ sinh, mẹ phải vòng cửa trước, băng qua một khoảng sân. Chỉ sau khi nhận được phản ánh của bảo tàng, chính quyền địa phương mới quan tâm, sửa lại nhà, xây thêm nhà vệ sinh cho mẹ.

“Nói vậy để thấy mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo cho các mẹ Việt Nam anh hùng nhưng khi triển khai thực hiện, đâu đó vẫn còn sự vô tâm. Trong khi các mẹ thường chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi gì cho bản thân mình” - anh Mai Phước Lâm nói.

Bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết hiện bảo tàng vẫn đang triển khai việc thu thập thông tin, tư liệu, sưu tầm kỷ vật của các mẹ Việt Nam anh hùng vừa được phong tặng, truy tặng trong năm 2015-2016.

Toàn bộ kho thông tin, tư liệu đồ sộ về mẹ Việt Nam anh hùng đang được bảo tàng hệ thống, sắp xếp, biên tập thành một bộ sách, dự kiến ra mắt trong thời gian tới.

“Các mẹ như đèn treo trước gió, chúng tôi xác định làm công việc này như đang chạy đua với thời gian.

Chúng tôi cũng rất kỳ vọng khi được TP hỗ trợ xây dựng bảo tàng tương tác thông minh, các tư liệu, hiện vật về mẹ sẽ có điều kiện lan tỏa, để du khách trong và ngoài nước có thêm kênh thông tin nhằm hiểu hơn về lịch sử và những người mẹ anh hùng.

Qua đó tác động đến nhận thức, tình cảm của xã hội để càng có nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ với khó khăn cuộc sống của các mẹ và gia đình mẹ hiện nay” - bà Thắm chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Minh Triết, Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết khi triển khai xây dựng bảo tàng thông minh, khách tham quan bảo tàng có thể tìm kiếm thông tin liên quan hình ảnh, hiện vật, tư liệu, phim ảnh được trưng bày tại bảo tàng mà không cần phải có hướng dẫn viên.

Ứng dụng mới còn cho phép khách tham quan có thể “thâm nhập” vào bối cảnh được trưng bày, trở thành một “nhân vật” trong bối cảnh đó và chụp ảnh lưu niệm.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên