21/11/2015 08:46 GMT+7

Ký ức đêm khởi nghĩa

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)

TT - 75 năm trôi qua, một đời người, nhiều thế hệ, bao nhiêu biến động, đổi thay, thật không ngờ đêm khởi nghĩa Nam kỳ vẫn còn có thể sống dậy qua ký ức của các chứng nhân...

Ông Trương Thành Hỷ với ký ức cậu liên lạc 16 tuổi trong  khởi nghĩa Nam kỳ - Ảnh: T.Trung
Ông Trương Thành Hỷ với ký ức cậu liên lạc 16 tuổi trong khởi nghĩa Nam kỳ - Ảnh: T.Trung

Trước sân Bảo tàng huyện Hóc Môn, tượng đài các chiến sĩ Nam kỳ nghi ngút khói nhang. Quanh bệ tượng là bức phù điêu mô tả lại cảnh trận đánh vào Dinh Quận rạng sáng 23-11-1940: những thanh niên lấy thân người làm thang để người chỉ huy đeo dao găm trèo lên tầng trên, nơi tua tủa nòng súng đang xả đạn xuống.

Và không khó để nhận ra ngôi nhà với bức tường, những viên đá đẽo hình lục lăng ấy, hành lang, khung cửa sổ, mái ngói, chóp nhọn ấy vẫn đang mồn một đứng đó làm chứng nhân: Dinh Quận xưa chính là trụ sở Bảo tàng huyện Hóc Môn nay.

“Sự đàn áp khốc liệt của địch với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ có hai mặt: tuy có làm phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng tạm thời chững lại nhưng lại làm tăng thêm lòng quyết tâm trong nhân dân. Gương hi sinh anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ cộng sản đã cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao lòng cảm phục và niềm tin vào Đảng Cộng sản. Đó là những nhân tố làm nên sự bùng lên mạnh mẽ, dữ dội của phong trào cách mạng khi có cơ hội

(Trích Lịch sử Nam bộ kháng chiến - NXB Chính Trị Quốc Gia)

Từ đêm Dinh Quận

“Người chỉ huy ấy là ông Đỗ Văn Dậy” - ông Trương Thành Hỷ (91 tuổi, ngụ ấp Tam Thới, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP.HCM) thận trọng từng lời kể về người anh hùng ông ngưỡng mộ trong đời.

Năm đó Trương Thành Hỷ mới 16 tuổi, đã thấm thía nỗi mất nước khi chứng kiến Tây, Nhật nghênh ngang khắp xóm làng, chứng kiến mẹ và những người làng quanh năm vắt mồ hôi bán buôn lo đóng thuế.

Hỷ được nghe mọi người nhắc tên ông Mười kỳ đà (tức Nguyễn Văn Cưu, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1930) với cuộc nổi dậy kháng Pháp ngay ở làng mình năm 1930 như một niềm hi vọng. Mẹ của Hỷ, bà Trương Thị Mười đã biến nhà mình thành nơi ăn ở, trú ẩn, cơ sở hội họp cho các lãnh đạo đảng, xứ ủy như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...

Và Hỷ, với sự nhanh nhẹn, tháo vát của một thiếu niên, được giao nhiệm vụ liên lạc. “Từ năm 1936, ở Pháp phong trào Mặt trận bình dân nòng cốt là đảng cộng sản thắng tổng tuyển cử, mở rộng các quyền tự do dân chủ. Mặt trận bình dân Đông Dương thành lập.

Hóc Môn của chúng tôi cũng lập ra ủy ban hành động. Tối, thanh niên tụ họp lại tập võ, sinh hoạt đoàn thể. Đến mùa rẫy, các lò rèn trống việc, chúng tôi mượn để rèn giáo mác...

Tất cả là để chuẩn bị cho một ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Đến năm 1940, trong tâm trí đám thanh niên chúng tôi, tất cả đã sẵn sàng...” - ông Hỷ kể.

Tháng 9-1939, sau hiệp định Đức - Liên Xô, phong trào dân chủ lại đổ vỡ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp quay lại chế độ cai trị thời chiến, các ủy ban hành động do đảng cộng sản lập, các hội, tổ chức quần chúng đều bị giải tán, báo chí bị đóng cửa.

Thanh niên ráo riết bị bắt lính, đưa sang Pháp phục vụ cuộc chiến với Đức. Chính sách vơ vét khiến kinh tế khó khăn cùng cực, lương giảm, giờ làm tăng, giá sinh hoạt tăng vọt...

Bức bách dồn nén thúc giục bùng nổ. Đề cương Khởi nghĩa Nam kỳ được Xứ ủy Nam kỳ soạn thảo, qua nhiều cuộc tranh luận, nhiều hội nghị lớn và cuối cùng chủ trương khởi nghĩa vũ trang đã được quyết định tại hội nghị toàn xứ (họp tại nhà bà Năm Dẹm, ấp Tân Thuận, xã Tân Hương, Châu Thành, Mỹ Tho từ ngày 21 đến 27-7-1940).

Dù các lãnh đạo chủ chốt lần lượt bị bắt, dù trung ương quyết định hoãn vì chưa đảm bảo điều kiện thắng lợi, nhưng lệnh khởi nghĩa đã xuống đến các địa phương, và nhất là đã bắt vào ngọn lửa đang âm ỉ trong lòng từng người dân... Khởi nghĩa không thể dừng lại.

Ông Hỷ kể buổi chiều tối 22-11-1940 đó thật khác thường. Chiều đến rồi mà chợ Hóc Môn vẫn nhộn nhịp, gánh hát bội Tân Thành Bang dựng rạp, thanh niên từ các xóm nô nức kéo đến tập trung xem.

Đêm xuống, chợ đốt đèn sáng choang, gánh hát hát đến suất thứ hai chưa nghỉ. Khách vẫn còn ngồi, đào kép vẫn còn diễn. 12g đêm, ông Đỗ Văn Dậy từ Củ Chi về đến nơi mang theo lệnh khởi nghĩa.

Trong các ngóc ngách của rạp, chợ, khí giới được lôi ra, đuốc được thắp lên, thanh niên biến thành nghĩa quân, làng trên xóm dưới bà con mang xoong nồi, phèng la, chuông mõ gõ rùm cổ vũ... Điểm tấn công là Dinh Quận Hóc Môn chỉ cách chợ hơn 100m.

Lịch sử Hóc Môn ghi lại: “Các cánh quân từ bốn phía tiến thẳng vào đồn Hóc Môn. Bọn lính bỏ chạy. Quận trưởng Bùi Ngọc Thọ cùng một nhóm lính rút lên lầu cao đặt súng bắn xuống và gọi điện thoại về các tỉnh Gia Định, Thủ Dầu Một và Sài Gòn kêu cứu.

Đồng chí Đỗ Văn Dậy hô hào anh em tìm cách trèo lên đồn và đồng chí đã bám ống máng nước trèo lên, đến lưng chừng tường thì trúng đạn, bị thương nặng, rơi xuống và hi sinh.

Nhiều toán xung kích khác sôi sục chồng lên nhau làm thang leo lên đồn. Một người rơi xuống có người khác lên thay, cứ thế quyết liệt giằng co đến gần sáng...”.

Tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa trước Bảo tàng huyện Hóc Môn (Dinh Quận xưa) - Ảnh: Tự Trung
Tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa trước Bảo tàng huyện Hóc Môn (Dinh Quận xưa) - Ảnh: Tự Trung

Đến cuộc đời cách mạng

Sau đêm khởi nghĩa, Trương Thành Hỷ lánh xuống Sài Gòn làm công nhân trong một xưởng in. Nhưng nhiệm vụ liên lạc, ghi nhận, thông báo tin tức cậu vẫn làm tròn.

Hỷ đã đạp xe đi quanh khám lớn dò la tin tức những người bị bắt, đứng chờ đợi cả ngày ở trường bắn Hóc Môn, Giếng Nước, Ngã Ba Giồng để được chứng kiến giây phút cuối oanh liệt của những người anh hùng: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Đặng Công Bỉnh, Nguyễn Hữu Tiến... 91 tuổi, ông vẫn còn nhớ như in tâm trạng của mình ngày ấy: “Lúc đó tôi mới 16 tuổi, nhưng qua những ngày đau thương mà đầy tự hào ấy, tôi đã trưởng thành. Tôi hiểu phong trào hôm nay thất bại nhưng sẽ có ngày mai thắng lợi.

Tinh thần tôi qua cơn u ám lại càng hăng hái, gắn bó với phong trào lúc ấy đã là máu thịt chứ không chỉ là nghe theo, làm theo má nữa.

Tôi quyết thoát ly gia đình để toàn tâm toàn ý cho cách mạng dù má không bằng lòng, trước lúc đi còn bị dằn mông mấy roi. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi đã là thủ lĩnh của thanh niên Hóc Môn, cầm cờ dẫn quân xuống Sài Gòn tham gia cướp chính quyền...”.

Chuyện khởi nghĩa của cô gái 22 tuổi

Bà Ngô Thị Huệ quên cả tuổi 98 khi kể về khởi nghĩa - Ảnh: T.Tùng
Bà Ngô Thị Huệ quên cả tuổi 98 khi kể về khởi nghĩa - Ảnh: T.Tùng

Đến dự buổi giao lưu “Những người con gái trong khởi nghĩa Nam kỳ” sáng 19-11, bà Ngô Thị Huệ như quên mất tuổi 98, quên cả chiếc xe lăn đã nhiều năm gắn bó với bà. Bà nhất quyết đứng trong lúc kể những câu chuyện khởi nghĩa và càng kể càng hứng khởi.

Tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, bà Huệ là một cán bộ trẻ trong liên tỉnh ủy Hậu Giang nhưng cũng lại là một cô gái 22 tuổi, vừa vâng lời má làm đám hỏi với một người đồng chí. Chuyện gia đình vừa xong, mỗi người lại đi một đường để lao vào công tác. Và công tác ấy là chuẩn bị cuộc khởi nghĩa. Bà Huệ nhận trách nhiệm ở tỉnh Vĩnh Long.

Bà kể: “Chúng tôi tổ chức lực lượng quần chúng: thợ máy, thợ mộc, thợ may, chị em buôn gánh bán bưng cùng du kích cải trang từ Long Hồ kéo lên. Chúng tôi bàn nhau trước hết sẽ phá khám Vĩnh Long giải thoát các đồng chí lãnh đạo. Một số đơn vị binh lính trong đồn sẵn sàng làm nội ứng. Hiệu lệnh sẽ là tiếng chuông nhà thờ 12g đêm...”.

Nhưng rồi tin tức bị lộ, kế hoạch không thành nhưng các nghĩa quân trong khu Rừng Dơi, xã Phước Hậu, Châu Thành, Vĩnh Long vẫn nổi dậy.

Cả khu rừng rầm rập tiếng bước chân nghĩa quân. Qua ngã ba sông, qua mỗi khu xóm, lực lượng lại được tiếp thêm hàng trăm người. Bà con nghe tiếng mõ, tiếng nổ, ánh đuốc cùng reo hò, cùng đi. Nhà việc Long Hồ được chiếm rất dễ dàng, lá cờ đỏ búa liềm được kéo lên bay phấp phới giữa lòng thị trấn.

“Sáng chúng tôi rút về Rừng Dơi, tối hôm sau đi đánh nhà việc Cái Nhum, hôm sau nữa chiếm nhà việc Cái Ngang, Tam Bình... Tề lính trốn chui lủi, bà con nông dân phấn khởi xé giấy thuế thân, một lòng tin tưởng từ đây sẽ không còn thân phận nô lệ nữa” - bà Huệ mỉm cười nhắc lại niềm vui thơ ngây ngày ấy.

Và rất nhanh, một làn hơi nước phủ mờ qua mắt bà: “Mấy ngày sau, quân Pháp lấy tàu lớn chở lính lê dương xuống, bắt đầu cuộc khủng bố, đàn áp khốc liệt. Đau thương chồng chất...”.

Bà nhắc từng người từng người đồng chí, đồng đội: “Chị Năm Bắc (tức Nguyễn Thị Minh Khai) bị xử hai án tử hình. Chị Nguyễn Thị Bảy cũng bị án tử. Bắn chị rồi, ông đốc phủ Chương xin từ chức, trốn vào rừng theo cách mạng. Anh Quản Trọng Hoàng cũng bị xử tử.

Tôi trải qua những đòn tra tấn dã man rồi bị kêu án chung thân... Những người dân đã che chở, giúp đỡ chúng tôi cũng phải chịu mất mát, hi sinh như vậy. Máu của khởi nghĩa thấm ướt đất...”.

Trong hồi ký của mình, bà Huệ đã viết lại tỉ mỉ những ngày con gái giữa biển lửa, biển máu, giữa sống chết ấy: “Có mấy lần tôi thầm nghĩ nếu ra tù, tôi sẽ về nhà ở luôn để chăm sóc, an ủi mẹ già vì nhà đã có mấy anh chị em đi hoạt động, đủ rồi. Nhưng được thả về, ở nhà mấy ngày lại bồn chồn bứt rứt, nhớ lời thề dưới lá cờ Đảng, nhớ lý tưởng đấu tranh cho dân tộc, Tổ quốc... Má tôi hiểu, bảo: Tụi bay có lý tưởng lo cho dân, cho nước, má không ngăn cản đâu...”.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên