22/06/2005 00:52 GMT+7

Ký ức của "người đưa tin chiến dịch Thành cổ"

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Hàng trăm nhà báo của hai bên chực chờ bên ngoài “túi lửa” Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm kinh hoàng của năm 1972 vì không thể tiếp cận với cái nơi kinh khủng này. Lúc đó, báo chí Sài Gòn đưa tin có hai nhà báo, một nhà quay phim tử trận khi tìm cách xâm nhập Thành cổ.

8nEa5wLO.jpgPhóng to
Hai nữ du kích Phan Thị Lệ và Lê Thị Hảo tình nguyện dẫn đường cho nhà báo Đoàn Công Tính vào Thành cổ Quảng Trị

Máy bay Mỹ cho oanh kích tự do dù bên dưới binh lính của hai phía vẫn đan xen đánh giáp lá cà... Trong bối cảnh ác liệt ấy, có một nhà báo một mình vác máy ảnh đi vào nơi máu lửa. Đó là Đoàn Công Tính - phóng viên chiến trường duy nhất sống sót trở ra từ Thành cổ Quảng Trị. Ký ức lại sống dậy trong ông...

Đường vào cõi chết

Lệnh từ ban biên tập: “Chiến trường quá dữ dội, các đồng chí không được mạo hiểm để vào bên trong Thành cổ Quảng Trị”. Hàng trăm nhà báo chực chờ hàng tuần lễ vẫn không thể vào Thành cổ mà chủ yếu lấy tin bên ngoài, từ các chuyến chuyển thương ra.

Đó là ngày 15-8-1972, bên bờ bắc sông Thạch Hãn nhìn sang phía Thành cổ pháo từ hạm đội 7 của địch giội vào cứ như bắn pháo hoa. B52, trực thăng vũ trang… giội xuống, pháo lớn từ mặt đất bắn lên… tất cả là một bầu trời khói lửa tập trung trên khoảng hơn 1km Thành cổ. Mới ngày nào giải phóng, Thành cổ vẫn còn nguyên vẹn từng bờ tường, góc đất…

Phía bên địch, hai lực lượng tổng dự bị từ Sài Gòn ra, lính dù, lính biệt động lăm lăm khí thế chuẩn bị san bằng Thành cổ... Thương binh chuyển ra ùn ùn, có người bị bom napalm cháy hết da, chỉ còn thịt đỏ lòm, ai yếu bóng vía nhìn vào sẽ mất tinh thần ngay.

Tôi năn nỉ những cán bộ tải thương tìm đường vào trong, họ lắc đầu “không thể!”. Đường giao liên cứu thương chạy ra còn tắc huống hồ gì đường vào. Nhưng rồi tôi cũng tìm được hai o du kích mới từ trong “chảo lửa” ra, một người tên Lệ, 17 tuổi và một người tên Hảo, 20 tuổi. Sau một hồi ỉ ôi năn nỉ, hai cô liều mạng mở đường: “Thấy anh là nhà báo, chúng em tình nguyện đưa vào nhưng phải xin phép chỉ huy”. Tôi tìm gặp bí thư Đảng ủy xã Triệu Thượng, đầu tiên là cái lắc đầu.

Tôi lấy chuyện “chính trị” ra thuyết phục: “Thành cổ mình đang hồi quyết liệt, tôi muốn mô tả tư thế dũng cảm ngoan cường của ta, mà trong ảnh thiếu người nữ du kích sẽ không được hay lắm”. Tới đây thì hai cô Lệ, Hảo thấy tội quá, nói vào: “Chúng em xung phong đi mà, chỉ huy cứ cho anh ấy vào!”. Vậy là ổn rồi. Trước khi lên đường, tôi hỏi lại một lần nữa: “Quyết định dẫn tôi đi có thể là phải gian khổ và hi sinh nữa, các cô có sợ không?”. Hai cô lắc đầu: “Không!”.

RvHQxcQa.jpgPhóng to
Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị

Tôi đã may mắn được gặp lại nguyên mẫu của bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, một cuộc gặp dù hơi muộn màng nhưng thật cảm động.

Bao nhiêu năm xa cách, tôi cứ ngỡ là người mà tôi chụp trên chiến trường đã chết, ngay cả khi tôi về thăm Quảng Trị, người hướng dẫn viên du lịch lúc giới thiệu bức ảnh người lính đẹp trai với nụ cười sống mãi của tuổi 20 cũng đi kèm với câu: “Thật tiếc, người lính ấy đã hi sinh”.

Chỉ đến khi một người quen phát hiện nhân vật trong ảnh chính là người cùng quê với anh và cho biết hiện anh ấy - Lê Xuân Chinh - đã lên Điện Biên làm kinh tế.

Hóa ra anh Chinh chỉ bị thương sau khi tôi chụp ảnh một ngày, phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về kẻ gian móc túi anh lấy hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Đây cũng là một cuộc gặp ý nghĩa, bởi sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của anh Chinh cũng tạm ổn.

Tôi thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười.

Dù cái nụ cười hồn nhiên, yêu đời và chan chứa sức trẻ của Chinh năm nào - nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị, do một cuộc sống vất vả, éo le nên không thể còn được như xưa nữa, tôi vẫn tin rằng thời gian không làm khác đi sự tự tin yêu đời trong nụ cười của những con người ấy.

ĐOÀN CÔNG TÍNH

Dòng sông Thạch Hãn ban ngày trông hẹp nhưng đêm sao rộng quá, tôi mượn được hai phao cao su của công binh, quí như vàng, tôi đưa cả hai cho hai cô Lệ và Hảo, còn mình bọc balô, súng máy, máy ảnh... nói chung là toàn bộ gia sản vào trong tấm cao su, dốc ngược xuống làm phao bơi. Chúng tôi bơi qua sông cùng với một đại đội của đơn vị phiên hiệu 312 mới từ Bắc vào bổ sung chiến trường. Tôi cố sức đạp nước mà trên đầu đạn vẫn rít liên hồi...

Về bức ảnh Nụ cười Thành cổ

Qua tới bờ bên kia, lại tiếp tục chạy trong làn đạn pháo bắn xối xả vào bất cứ cái gì động đậy bên bờ sông. Tôi lao vào một tầng hầm mà sau này mới biết đó là dinh tỉnh trưởng. Đêm đó, chúng tôi nằm chịu đựng pháo và bom giội vào trong Thành cổ, chốc chốc từng vụn bêtông và khói bụi bay vào ngạt thở vô cùng. Có tiếng rên rỉ đâu đó trong hầm, tôi ngồi dậy lần bước đi tìm. Đó là những người thương binh đang chờ chuyển ra tuyến sau.

Có lẽ không có bất cứ từ ngữ nào để mô tả nỗi khủng khiếp của một nơi như vậy: tôi đã chứng kiến những ca đại phẫu do các y sĩ quân đội thực hiện mà không có một mũi thuốc tiêm gây tê nào, tiếng người gào thét còn to hơn cả tiếng bom. Một ai đó rên rỉ nửa mê nửa tỉnh: “Ôi, B52 lại đến kìa! Tôi đã chết chưa mà chụp hình đó?!”.

Buổi sáng, 6g tôi thức dậy và theo trinh sát ra khỏi hầm. Hai chiếc A 37 lao ra cắt bom gần cổng thành. Anh em lôi ngay tôi xuống hầm. Ngó lại những chiến sĩ không quen, tôi hỏi họ có sợ không, một anh còn rất trẻ cười tươi: “Chúng tôi đã tự nguyện viết quyết tâm thư bằng máu rồi, sợ gì nữa!”.

Một ý tưởng lóe lên trong đầu tôi làm sao để ghi lại một cách “thần” nhất của nụ cười nơi Thành cổ này - bởi ở đó, chỉ có sức mạnh tinh thần là chiến thắng được đạn bom và nỗi sợ hãi. Chụp dưới hầm thì lại không được. Tôi đề nghị anh em chuẩn bị để mình chạy ra ngoài canh máy, hễ tôi vừa canh máy xong, báo một tiếng, mọi người phải ùa lên ngay kẻo máy bay địch thả bom.

Tôi nhổm lên trên cửa hầm, bước ra cách 5m và canh máy rồi ra hiệu mọi người bước ra. Anh em từ từ, người trước người sau nhô lên, tất cả những nụ cười rạng rỡ ấy làm dâng lên trong tôi niềm cảm xúc lạ thường. Tôi run tay bấm máy tức thì... Vừa lúc đó bom địch cắt ngang nụ cười ngay trong khoảnh khắc. Anh em ôm súng xuất kích luôn, tôi ôm máy ảnh lao theo họ bấm liên tục.

Còn hai cô Lệ và Hảo, những nữ du kích dũng cảm đã mở đường đưa tôi vào đây, thì giờ tôi “trả ơn” họ bằng cách bấm mấy kiểu ảnh cho họ ở chân tường Thành cổ nham nhở vết đạn. Đạn vẫn rít trên đầu nhưng họ vẫn nở những nụ cười thật tươi và tự nhiên nhất.

Chụp ảnh xong họ lại hồn nhiên lao vào khói bom tìm kiếm thương binh, tôi cũng chạy hết hầm này đến hầm khác để bấm các kiểu ảnh chân dung chiến sĩ đang giành giật từng thước đất Thành cổ. Với tôi, họ đều là những người anh hùng và những bức ảnh mà tôi có được không thể gọi là bức ảnh thông thường mà là xương, là máu của những người lính.

Ngay tối hôm đó, tuy phải hứng chịu những trận bom, pháo ghê hồn hơn, nhưng đầu óc tôi chỉ tính làm sao chuyển những bức ảnh này ra ngoài, chuyển về Hà Nội để đưa tin cho thế giới biết sự tồn tại ngoan cường của những chiến sĩ anh hùng trong Thành cổ Quảng Trị. Những tấm ảnh này sẽ là những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại và những con người trong ấy chưa chắc sẽ còn sống đến ngày mai...

Tôi cẩn thận lấy từng cuốn phim, gói riêng ra và ghi những dòng chữ bên ngoài: “Tôi là phóng viên chiến trường, đây là những cuốn phim chụp tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị, nếu tôi có hi sinh, xin gửi về báo Quân Đội Nhân Dân...”.Vì chính tôi cũng không tin rằng mình có thể vượt qua lưới lửa mà trở ra an toàn…

----------

* Kỳ sau: Những tấm ảnh trên bầu trời, mặt đất và... trong lòng đất

---------------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 2: Tư liệu mật về đặc công Rừng Sác- Kỳ 1: Những thước phim ghi bằng máu…

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên