06/12/2023 10:42 GMT+7

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia - Kỳ cuối: Hình ảnh đẹp của tình hữu nghị

Hiện diện tích cao su do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đầu tư chiếm tới 50% diện tích của toàn bộ cao su Campuchia.

Nhiều công ty cao su Việt Nam tại Campuchia trong “câu lạc bộ 2 tấn/ha” với chất lượng mủ tốt xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: SƠN LÂM

Nhiều công ty cao su Việt Nam tại Campuchia trong “câu lạc bộ 2 tấn/ha” với chất lượng mủ tốt xuất khẩu nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: SƠN LÂM

Giữa tháng 10 vừa qua, nhiều lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và 16 công ty thuộc VRG tại Campuchia đã cùng có mặt ở trụ sở Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom (Chư Sê K) để dự buổi tiệc công bố tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Duy Linh về hưu.

Vườn cây đời người

Đến giờ, ông Linh vẫn nhớ rõ cái ngày mình nhận được lệnh lên đường: "Bữa đó là kỷ niệm ngày truyền thống ngành cao su năm 2008, tôi đang là chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê ở Gia Lai cũng về Bình Phước dự. Ngay sau hội nghị, chưa kịp vào tiệc thì được lệnh về đi ngay sang Campuchia, không được chần chừ.

Vậy là tôi về Gia Lai, gọi thêm bốn anh em trong công ty cùng lên đường qua Phnom Penh, bắt đầu đi lang thang các tỉnh ở nước bạn để coi đất, khảo sát thổ nhưỡng, tính toán và triển khai đầu tư".

Việc đưa một lãnh đạo từ công ty mẹ sang Campuchia cũng cho thấy quyết tâm của VRG đối với dự án cao su này. Dẫn dắt bốn thành viên ban đầu sang Phnom Penh, ông Linh đã thuyết phục anh em phải kiên nhẫn để đi được nhiều tỉnh tại nước bạn, cứ ở đâu có thể đầu tư là cả nhóm lại thuê người bản địa dẫn đến xem thế đất, lấy mẫu khảo sát.

Đến tháng 7-2009, Chư Sê K chính thức được thành lập với trụ sở tại xã Popok, huyện Stoung, tỉnh Kampong Thom.

"Anh chủ tịch xã là người thuộc đảng đối lập, phản đối việc mình vào đầu tư trên địa bàn. Tôi đến nhà mấy lần đầu, anh ấy cũng không chịu tiếp. Nhưng cứ kiên trì tới mãi, tìm cơ hội thuyết phục bằng chân tình, bằng các chính sách và các chủ trương hợp tác của hai Chính phủ. Đến khi anh chủ tịch xã hiểu ra, đồng ý thì người dân trong xã cũng chấp nhận, đồng lòng tham gia việc khai hoang và trồng cao su", ông Linh nhớ lại.

Từ năm người ban đầu và sự hỗ trợ của địa phương, anh Linh tiếp tục quy tụ hàng chục cán bộ trẻ Việt Nam lẫn Campuchia tốt nghiệp đại học tại Việt Nam theo mình. Nhờ việc khảo sát thổ nhưỡng kỹ lưỡng trước đó, chỉ trong vòng năm năm, tức đến năm 2014, Chư Sê K đã trồng được đủ diện tích hơn 16.200ha cao su trải dài từ tỉnh Kampong Thom ra các tỉnh Siem Reap và Preah Vihear lân cận. Tốc độ trồng vượt nhanh hơn ba năm so dự kiến.

Hiện nay, vườn Chư Sê K được xem là vườn cao su đẹp nhất Campuchia, với những hàng cao su thẳng tắp, thân đồng đều, cho dòng nhựa trắng dồi dào.

Trụ sở Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom nằm giữa 16.200ha cao su, được đánh giá là vườn cao su đẹp nhất Campuchia - Ảnh: SƠN LÂM

Trụ sở Công ty CPCS Chư Sê Kampong Thom nằm giữa 16.200ha cao su, được đánh giá là vườn cao su đẹp nhất Campuchia - Ảnh: SƠN LÂM

"Từ lúc mở miệng cạo vào năm 2016 đến nay, năm nào công ty cũng khai thác mủ hơn 100% chỉ tiêu VRG giao. Chỉ sau một năm khai thác mủ, công ty đã có lợi nhuận và cứ thế tăng đều theo từng năm. Năm 2022, công ty có lợi nhuận hơn 190 tỉ đồng. Công ty cũng đã trả hết nợ vay ngân hàng để đầu tư và bước vào câu lạc bộ khai thác mủ 2 tấn/ha", ông Linh nói thêm.

Cái hồ nước người dân địa phương gọi là Boeng Trop, nghĩa là "hồ tài sản" nằm giữa rừng nghèo cách quốc lộ 6 khoảng 30km ngày nào nay đã được cải tạo, nằm giữa khuôn viên trụ sở chính của Chư Sê K với những căn nhà cho cán bộ, công nhân như một khu nghỉ dưỡng cao cấp hiện nay cũng là một công trình mà anh Linh gọi là "để tri ân người lao động".

"Tôi vào ngành ở cao su Dầu Tiếng, Bình Dương từ năm 1984, được điều động lên cao su Chư Sê tại Gia Lai, rồi sang Chư Sê K. Gắn bó ngành cao su gần 44 năm, 25 năm là người của Công ty cao su Chư Sê Việt Nam và đặc biệt 15 năm ở Chư Sê K đã trở thành một phần của trái tim và linh hồn tôi. Cũng là trải nghiệm vô cùng đáng quý khi tôi được hòa mình vào môi trường ở một quốc gia khác, quen biết thêm rất nhiều người bạn thân Campuchia", ông Linh nói.

Sau một đời làm việc và nay đến tuổi hưu, niềm vui lớn nhất của ông Linh là vườn cao su mình góp phần tạo ra giúp người lao động có thu nhập cao, sống khỏe. Cán bộ làm việc cũng có nơi ăn chốn ở chất lượng, đầy đủ điện, nước, WiFi,... ngay giữa nước bạn Campuchia.

Ngày nhận quyết định nghỉ hưu, một người bạn đã hỗ trợ ông rất nhiều là ông Nguon Ratanak, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom, cũng có mặt. Thêm một niềm vui khác đối với ông Linh là anh Nguyễn Tiến Dũng, một trong bốn người anh em cùng ông Linh sang Campuchia từ đầu, nay được VRG tin tưởng giao nhiệm vụ tổng giám đốc Chư Sê K thay thế ông, để tiếp tục phát huy những thành tích xuất sắc mà công ty đã đạt được nhiều năm qua.

Tiếp nối những thành quả hữu nghị

Ông Lê Thanh Hưng (phải), Tổng giám đốc VRG, nhận Huân chương hữu nghị Mohasena của Chính phủ Hoàng gia Campuchia do nguyên Phó thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly (giữa) trao tặng với sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập công ty Đồng Nai Kratie vào ngày 22-5 - Ảnh: Đ.N.K.

Ông Lê Thanh Hưng (phải), Tổng giám đốc VRG, nhận Huân chương hữu nghị Mohasena của Chính phủ Hoàng gia Campuchia do nguyên Phó thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly (giữa) trao tặng với sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập công ty Đồng Nai Kratie vào ngày 22-5 - Ảnh: Đ.N.K.

16 năm, nhiều công ty cao su của VRG cũng đã thay mới nhiều lãnh đạo khi những người lập nền móng ban đầu đã đến tuổi nghỉ hưu. "Thành quả to lớn của những người đi trước không chỉ là những vườn cao su đã khai thác mủ, mà còn là những mối quan hệ tình cảm gắn bó mật thiết với vùng đất Campuchia, tạo thuận lợi rất nhiều cho công việc của người đi sau", ông Hoàng Hữu Tuấn, tổng giám đốc Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom, nhìn nhận.

Ông Tuấn được phân công nhiệm vụ sang Campuchia đã bốn năm, và cũng từng ấy năm công ty ông bước vào "câu lạc bộ 2 tấn/ha", trở thành một trong những công ty Việt Nam có lợi nhuận hàng đầu trên xứ chùa tháp, với hơn 100 tỉ đồng năm 2022, vượt qua cả công ty mẹ ở Việt Nam và tiếp tục giúp hơn 1.000 người lao động nước bạn có thu nhập ổn định, tạo an sinh xã hội vững chắc trong vùng thực hiện dự án.

Ở một dự án được xem "xa xôi" nhất là Công ty TNHH PTCS Đồng Nai Kratie, ông Lê Văn Lâm trong bốn năm từ khi được điều từ Công ty cao su Bảo Lâm (Lâm Đồng) sang đây cũng đã xây dựng được trụ sở mới, khắc phục nhiều khó khăn về địa hình, thổ nhưỡng để đưa sản lượng vườn cây diện tích gần 5.000ha từ chưa đến 1 tấn/ha lên 1,7 tấn/ha.

Ông Lâm cũng tiếp tục kế thừa sự gắn bó với các lãnh đạo tỉnh Kratie thực hiện thêm nhiều chương trình hỗ trợ người lao động, dân nghèo trong vùng, giúp nhiều gia đình dân tộc thiểu số nơi đây an cư, giữ gìn trật tự xã hội...

Hầu như những giai đoạn của các công ty cao su Việt Nam từ ra quân, trồng mới, mở miệng cạo để khai thác, thành lập nhà máy... đều có sự hiện diện của những lãnh đạo từ cấp Chính phủ đến địa phương ở Campuchia, thể hiện tình hữu nghị Campuchia - Việt Nam.

Đó chính là kết quả từ công sức nhiều thế hệ tiếp nối của VRG bỏ ra để tạo nên những dòng nhựa trắng dồi dào như sợi dây nối kết thêm cho quan hệ giữa hai quốc gia luôn mật thiết, bền vững.

"VRG là doanh nghiệp nhà nước tiên phong đầu tư sang Campuchia và có hiệu quả cao. 16 công ty cao su hoạt động từ năm 2009 đến nay, đã có lợi nhuận chuyển về nước. Tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa hai nước Việt Nam và Campuchia", Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu trong buổi làm việc với các công ty cao su trực thuộc VRG ở Vương quốc Campuchia vào ngày 9-11.

"Các doanh nghiệp cao su chúng ta trong suốt thời gian đầu tư qua đã thực hiên sứ mệnh quan trọng vun đắp mối quan hệ giữa các địa phương nơi có vùng dự án. Rộng hơn là vun đắp và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

16 công ty cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với Việt Nam và Campuchia, nộp thuế đầy đủ, thực hiện tốt an sinh xã hội với việc đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm và cả chùa chiền.

Hiện diện tích cao su do VRG đầu tư chiếm tới 50% diện tích của toàn bộ cao su Campuchia, cho thấy tầm vóc đầu tư của chúng ta rất lớn", Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Huy Tăng nói.

Kỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia kỳ 5: Đổi đời theo dòng vàng trắngKỳ tích cao su Việt Nam trên đất Campuchia kỳ 5: Đổi đời theo dòng vàng trắng

Năm 2009, khi những cây cao su đầu tiên được trồng trên Nông trường Ou Thum, Công ty CPCS Bà Rịa Kampong Thom (huyện Santuk, tỉnh Kampong Thom, Campuchia), ông Loeng Leab đã tìm đến đây để làm việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên