16/03/2017 16:47 GMT+7

'Kỹ sư nghiên cứu rừng không giỏi bằng mấy anh lâm tặc!'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - "Lâm tặc nó biết vị trí từng cây, to nhỏ thế nào, thời gian khai thác ra sao, từ rừng đến nơi bán gỗ có bao nhiêu trạm kiểm soát"...

Ông Võ Trọng Việt cho rằng về cơ bản rừng đã bị phá hết - ảnh: Cổng TTQH
Ông Võ Trọng Việt cho rằng về cơ bản rừng đã bị phá hết - ảnh: Cổng TTQH

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt nói như vậy tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật bảo vệ, phát triển rừng (sửa đổi) chiều 16-3.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, người từng giữ vị trí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nói rằng “Trước đây rừng che bộ đội, nay rừng làm giàu cho quân gian. Tôi đã đi cả nước, về cơ bản là đến thời điểm này rừng đã bị phá hết rồi. Trồng được một cây thì chặt mười cây, cứ nói là độ che phủ thế này thế kia nhưng chất lượng thế nào thì khó nói”.

Ông Việt nói cần thiết phải ban hành luật này để kiểm soát tình hình, quy trách nhiệm cho cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong bảo vệ rừng, quy định rõ các chính sách phát triển - khai thác tài nguyên rừng. Cứ để lâm tặc hoành hành mãi là có tội với nhân dân.

“Trước đây có chuyện chuyển đổi hàng trăm ngàn ha gọi là rừng nghèo sang trồng cao su. Thử hỏi đã là rừng nghèo thì cao su mọc sao được ?” ông Việt đặt vấn đề và cho rằng đó chỉ là cách để người ta “khai thác rừng để lấy gỗ”. Những vụ việc như thế này không được làm rõ và quy trách nhiệm.

Tướng Việt đề nghị sửa đổi luật này phải chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực cho ngành lâm nghiệp. “Tôi thấy kỹ sư đào tạo 4-5 năm nhưng đi điều tra, nghiên cứu rừng không giỏi bằng mấy anh lâm tặc. Lâm tặc nó biết vị trí từng cây, to nhỏ thế nào, thời gian khai thác ra sao, từ rừng đến nơi bán gỗ có bao nhiêu trạm kiểm soát”.

Dẫn lại câu chuyện cũ từng nóng về tình trạng cho thuê rừng, phá rừng khu vực biên giới, đại tướng Đỗ Bá Tỵ, phó chủ tịch Quốc hội đề nghị: Cần quy định rừng đặc dụng biên giới tại các khu vực biên giới quan trọng để bảo vệ, giữ gìn, không khai thác. Đây là các vị trí có ý nghĩa đặc biệt về an ninh quốc phòng.

“Cần đánh giá lại chương trình trồng rừng thời gian qua, có trồng đủ 5 triệu ha rừng không, các vấn đề kinh tế, lợi ích khác thế nào? Nếu không đánh giá hết những vấn đề đó thì đưa luật ra Quốc hội sẽ rất nhiều ý kiến” ông Tỵ nói.

GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng lên tiếng: “Bảo vệ rừng đang là vấn đề cấp bách. Tôi đề nghị ghi rõ trong luật là trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND huyện, chứ không ghi chung chung. Khi để tình trạng phá rừng diễn ra thì chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện nơi đó bị xử lý trách nhiệm”.

Độ che phủ rừng hơn 41%

Qua 12 năm thực hiện, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia.  

Kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng từ 12,3 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên 14 triệu ha với độ che phủ rừng gần 41% năm 2015.

(Trích Tờ trình của Chính phủ)

 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên