01/07/2018 11:09 GMT+7

'Kỹ sư miệt vườn' chế tạo máy rửa sapôchê

HOÀI THƯƠNG
HOÀI THƯƠNG

TTO - Không biết đọc bản vẽ và cũng không cần bản vẽ, anh Trần Huỳnh Long đã chế tạo chiếc máy có thể rửa từ 600-800kg sapôchê trong 1 giờ, cao gấp 10 lần so với phương pháp thủ công.

Kỹ sư miệt vườn chế tạo máy rửa sapôchê - Ảnh 1.

Anh Trần Huỳnh Long lắp ráp máy rửa sapôchê theo đơn đặt hàng - Ảnh: H.THƯƠNG

Xuất phát từ nhu cầu của nhiều bà con nông dân, anh Trần Huỳnh Long (34 tuổi, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã chế tạo ra máy rửa trái sapôchê (còn gọi là hồng xiêm), dù chưa qua trường lớp đào tạo.

Do chỉ mới học hết lớp 8 nên kiến thức của anh Long chỉ là những gì được tích lũy qua 5 năm làm nghề cơ khí. Sau khi mày mò, nghiên cứu, đến tháng 8-2017 anh Long đã chế tạo ra chiếc máy rửa sapôchê đầu tiên.

Anh Long cho biết: "Quá trình tạo ra chiếc máy gặp không ít trục trặc, tôi cùng với vợ phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và chi phí mới hoàn thiện được chiếc máy như hiện nay".

Chiếc máy rửa sapôchê do anh Long chế tạo có trọng lượng khoảng 200kg, với cấu tạo gồm 3 thiết bị chính là môtơ kéo bằng điện, đầu bơm nước, 4 trục cước. Ngoài ra còn có các phụ kiện gồm bánh xe lớn, nhỏ dùng để di chuyển, van xả nước, trục nâng... 

Máy hoạt động với quy trình khá đơn giản, trái sapôchê chỉ cần cho vào máy sẽ được rửa sạch và di chuyển ra thúng đựng.

Anh Long cho biết: "Tôi không biết đọc bản vẽ, cũng như chưa bao giờ tốn giấy mực cho việc sáng chế. Tất cả ý tưởng đều được tôi ghi nhớ và thể hiện trong đầu. Khi khách hàng có nhu cầu đặt làm các thiết bị máy móc, họ chỉ cần nói về công dụng, còn ý tưởng, nguyên lý tôi sẽ mày mò ra". 

Theo anh Long, mỗi giờ chiếc máy của anh có thể rửa từ 600-800kg sapôchê, năng suất cao hơn khoảng 10 lần so với rửa bằng phương pháp thủ công. Nhờ sự tiện lợi này, máy rửa sapôchê có thể thay thế sức người, nhất là trong thời điểm lao động khan hiếm.

Việc sáng chế thành công chiếc máy rửa sapôchê đã giúp anh Long cũng như nhiều nhà vườn khác giảm bớt chi phí và thời gian.

Hiện nay, máy rửa sapôchê của anh Long đã được đông đảo người dân tin dùng bởi chất lượng khá tốt. Tính đến thời điểm này, anh Long đã sản xuất được 23 chiếc máy rửa sapôchê, mỗi máy được anh bán với giá 30 triệu đồng. 

Hiện tại, máy của anh đã có mặt ở nhiều vùng chuyên canh sapôchê của huyện Châu Thành như Vĩnh Kim, Kim Sơn, Phú Phong, Tam Bình... Hiện anh Long đang lắp ráp thêm máy theo đơn đặt hàng của người dân các tỉnh miền Tây.

Ông Nguyễn Văn Ta - chủ cơ sở kinh doanh sapôchê ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành - cho biết: "Sử dụng máy này rất tiện lợi cho việc rửa sapôchê, tiết kiệm tiền bạc, nhân công, rút ngắn thời gian. Trước đây, cơ sở của tôi thuê lao động rửa sapôchê mỗi ngày tốn tới 3 triệu đồng, nhưng từ khi dùng loại máy này, chi phí đã giảm từ 1-1,5 triệu đồng".

Đăng ký bản quyền

Ngày 18-6, bà Nguyễn Hồng Thủy, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Tiền Giang, cho biết sở đã hướng dẫn anh Long làm hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích, để gửi về Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ).

Hiện tại anh Long đã nộp hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận để cấp nhãn hiệu độc quyền máy rửa trái sapôchê. Sở Khoa học - công nghệ đang có kế hoạch tạo điều kiện để anh Long tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu và bản quyền cho chiếc máy rửa sapôchê do anh chế tạo.

Nông dân tự làm nhà máy thủy điện mini giá rẻ Nông dân tự làm nhà máy thủy điện mini giá rẻ

TTO - Rasid, một nông dân không bằng cấp ở Indonesia, đã thành công với dự án làm nhà máy thủy điện mini cung cấp năng lượng cho hơn 600 hộ dân nghèo trong làng với giá chỉ 5 USD/tháng.

HOÀI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên