26/03/2015 13:40 GMT+7

Kỹ sư Mỹ gốc Việt công bố phát minh dập lửa

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Kỹ sư Seth Robertson và kỹ sư người Mỹ gốc Việt Viet Tran vừa công bố thiết bị dập lửa bằng sóng âm tần số thấp “phiên bản đời đầu” do họ sáng chế thành công.

Hai kỹ sư Viet Tran (trái) và Seth Robertson trình bày thử nghiệm dập lửa bằng thiết bị do họ sáng chế - Ảnh: Washington Post

Theo Washington Post, Seth Robertson và Viet Tran là hai kỹ sư đang theo học cao học tại Đại học George Mason. Dụng cụ dập lửa bằng âm thanh tần số thấp là kết quả nghiên cứu của hai học viên sau một năm thử nghiệm với kinh phí 600 USD do họ bỏ ra.

Thiết bị mới có kích thước cầm tay gồm một nguồn âm, bộ phận kích âm (ampli), nguồn điện và ống dẫn sóng âm có vẻ hứa hẹn sẽ được sử dụng dập lửa trong nhiều tình huống khác nhau.

Hai tác giả Robertson, 23 tuổi và Tran, 28 tuổi, đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời vào cuối tháng 11 năm ngoái. Họ còn một năm nữa để làm thêm các thử nghiệm với các chất gây cháy khác. Tới nay, thiết bị mới chỉ dập được lửa từ chất cháy là cồn y tế.

Theo kỹ sư Tran, về nguyên lý hoạt động của thiết bị rất đơn giản. Sóng âm cũng là “những sóng tạo áp lực và sẽ chiếm chỗ của khí oxy” khi di chuyển trong không khí. Theo kiến thức tất cả chúng ta đã học từ hồi phổ thông, oxy là chất tạo điều kiện cháy. Ở một tần số nhất định, các sóng âm “sẽ ngăn không cho oxy (trong không khí) tiếp xúc với vật liệu cháy. Làn sóng tạo áp lực đó sẽ trở qua trở lại và liên tục tạo quá trình ngăn cản oxy, đủ để ngăn không cho ngọn lửa bùng phát trở lại”.

Mặc dù ý định phát minh ban đầu của họ là tạo ra thiết bị dập lửa trong nhà bếp hay trên máy bay, nhưng một cơ quan phòng cháy chữa cháy sở tại đã mời hai kỹ sư thử nghiệm thiết bị dập lửa mới trong các vụ hỏa hoạn xảy ra tại những khu nhà lớn.

Lực lượng cứu hỏa cho rằng ý tưởng sáng tạo mới có thể thay cho những hóa chất độc hại hoặc không sạch trong các dụng cụ chữa cháy đang dùng.

Anh Tran cho biết: “Chúng tôi vẫn muốn làm thêm nhiều thử nghiệm khác để xem có cần phải thay đổi tần số âm thanh khi muốn dập lửa do các vật liệu cháy khác gây ra không trước khi đầu tư cả ngàn đôla để nộp đơn xin cấp bằng sáng chế”.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên