09/10/2013 06:31 GMT+7

Kỷ niệm nhỏ về một bài thơ lớn

PHẠM SỸ SÁU
PHẠM SỸ SÁU

TT - Sáng 6-10, giữa tiết trời thu Hà Nội, tôi cùng các bạn văn thủ đô bắt đầu “tây tiến” về dự tọa đàm kỷ niệm 65 năm ra đời bài thơ Tây Tiến và 25 năm ngày mất của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) được tổ chức tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Gặp gỡ nhân 65 năm ra đời bài thơ Tây tiến

xUpRdqMX.jpgPhóng to
Quang cảnh buổi tọa đàm “Ta mãi là mùa xanh xưa” - Ảnh: Phạm Sỹ Sáu

Chúng tôi đi trong sương mờ của núi đá vôi nhấp nhô buổi sớm, trong nắng lơ mơ vừa dịu vừa oi. Sau hơn hai giờ trên đường, chúng tôi đến đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Bình, và đi thêm hơn hai cây số nữa để đến khu vực diễn ra buổi lễ. Những tưởng buổi tọa đàm diễn ra ngoài trời ở một nơi không ở ngay trung tâm TP sẽ có ít người tham dự. Nhưng trên bãi đỗ xe và ngay trong sân của bảo tàng đã ngập tràn bóng xe. Và đặc biệt là người, nhiều người. Không chỉ có những mái đầu bạc của những người ngày xưa Tây Tiến mà còn có con cháu của họ, những mái đầu hoa râm xen kẽ những đầu xanh. Ban liên lạc Tây Tiến cùng với Hội Nhà văn Hà Nội và gia đình nhà thơ Quang Dũng tổ chức buổi tọa đàm này với chủ đề “Ta mãi là mùa xanh xưa” - một câu thơ của Quang Dũng.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - trong báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm đã ôn lại chặng đường thơ và cuộc đời của nhà thơ Quang Dũng trong không khí trầm ấm và dạt dào xúc cảm. Càng xúc động hơn khi toàn bộ những người tham dự tọa đàm đã dành một phút tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đông đảo cán bộ chiến sĩ của trung đoàn Tây Tiến đã hi sinh và nhà thơ Quang Dũng.

Sau báo cáo đề dẫn, lần lượt các phát biểu và tham luận khác được nối tiếp nhau. Nhiều người tham gia phát biểu về đoàn quân và bài thơ Tây Tiến, kể cả ôn lại một thời gian nan của tác giả và của cả bài thơ. Có người là con gái của trung đoàn trưởng đầu tiên, có người là con cháu bạn văn Quang Dũng, và có cả những quan chức văn hóa địa phương.

Tôi từ phương Nam ra, cũng được trân trọng giới thiệu. Không khí xúc động dâng trùm lên buổi tọa đàm khiến những phát biểu của tôi cũng đầy khúc khuỷu. Bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây tôi đã thuộc làu từ khi còn học đệ ngũ (lớp 8 ngày nay) mà nay khi đọc lên bỗng ngập ngừng quên mất khổ thơ thứ hai. Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây và một số bài thơ khác của nhà thơ Quang Dũng được giới thiệu trên tạp chí Văn Học ở Sài Gòn năm 1970 đã như ăn sâu vào tôi, và tôi mang hồn thơ ấy lên chiến trường Tây Nam, làm một cuộc “tây tiến” khác của những người lính trẻ Sài Gòn sau giải phóng...

Có thể nói, chưa bao giờ và chưa ở đâu trên đất nước này, một bài thơ viết về một thế hệ người trẻ Hà Nội lên đường đánh giặc nơi phía tây thủ đô thân thương của mình lại trở thành địa danh, trở thành tên riêng, trở thành huyền thoại sống. Cái chất trí thức của những người lính Hà Nội xếp bút nghiên lên đường tranh đấu một thời đã trở thành niềm tự hào của một lớp người, thành truyền thống tự nhiên như những gì vốn có.

Cảm ơn một bài thơ đã theo tôi hơn 40 năm, một người thơ làm tôi cũng dõi theo trong chừng ấy chặng đường, và chợt hiểu giá trị nằm trong cuộc sống của nhân dân chứ không nằm trong những bản tuyên dương với lượng ngôn từ choáng ngợp.

Tây Tiến là lịch sử

Trong một bài viết về thời kháng chiến chống Pháp, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận: "Một người chiến sĩ trẻ tài hoa trong đoàn quân Tây Tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ: "Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". (Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội, 1995, trang 233).

Nhắc đến Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi ông vừa qua đời... Nhưng tưởng nhớ đến tướng Giáp vậy là cũng để chúng ta nhớ đến nhà thơ Quang Dũng trước hết ở tư cách một người lính, một chiến sĩ trong đạo quân chiến đấu giải phóng dân tộc dưới sự chỉ huy của một vị tướng tài ba mang tâm hồn nhân văn. Quang Dũng và thế hệ ông đã ra trận cầm súng và cầm bút hào hùng và hào hoa. "Ta mãi là mùa xanh xưa" trước hết là cái xanh tâm hồn của những chiến binh trai trẻ coi nhẹ thân mình vì nước non.

Từ đó đột khởi một đỉnh núi Tây Tiến trong thơ hiện đại VN mà mỗi câu chữ, mỗi dòng thơ vừa hằn vết chân hành quân vừa vút tiếng ca quân hành. Tây Tiến là một trung đoàn quân đội. Tây Tiến là một hướng đi quân sự. Tây Tiến là một tượng đài thi ca. Ðúng cả. Nhưng trên hết và trước hết Tây Tiến là lịch sử. Lịch sử của một đoàn quân. Lịch sử của một cuộc chiến tranh. Lịch sử của một thế hệ. Lịch sử của một dân tộc. Và lịch sử của một con người, một nhà thơ. Không có Quang Dũng, Tây Tiến chỉ là Tây Tiến đơn thuần của một sự kiện lịch sử quân sự. Có Quang Dũng và bài thơ mang tên này của ông, Tây Tiến trở thành lịch sử của tâm hồn, của văn hóa, của tinh thần một giống nòi. Tây Tiến thơ đã cấp sức sống cho địa dư sông núi chiến trận, đã biến Tây Tiến đoàn quân thành bất tử.

Trích đề dẫn Những mùa xanh Quang Dũngcủa nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

PHẠM SỸ SÁU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên