03/04/2025 23:32 GMT+7

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng

Tối 3-4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng, ngày 3 và 4-4-1965 - ngày 3 và 4-4-2025.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Doãn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng tối 3-4 - Ảnh: CTV

Theo diễn văn tại lễ kỷ niệm của ông Nguyễn Doãn Anh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964) để lấy cớ leo thang chiến tranh, mở rộng hoạt động đánh phá ra miền Bắc bằng không quân, hải quân với âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam.

Xác định Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và cầu Hàm Rồng là "điểm tắc lý tưởng" trên tuyến vận tải từ Bắc vào Nam. Phá sập cầu Hàm Rồng sẽ cắt đứt mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế, làm suy yếu vai trò của hậu phương lớn Thanh Hóa.

Với ý đồ đó, chính quyền đế quốc Mỹ đã cho chuẩn bị phương án đánh phá tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực Hàm Rồng bằng các lực lượng hỗn hợp của không quân và hải quân.

Nhận thấy rõ dã tâm của kẻ thù, Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa chuẩn bị sẵn sàng đối phó. Các lực lượng vũ trang, đặc biệt là bộ đội phòng không không quân, pháo binh, hải quân, dân quân tự vệ được tăng cường huấn luyện, bố trí trận địa chặt chẽ, hình thành thế trận phòng không nhân dân vững chắc, quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Vào lúc 8h45 ngày 3-4-1965, Mỹ cho hàng loạt máy bay bất thần lao vào cắt bom, bắt đầu từ Đò Lèn, Tĩnh Gia, Nông Cống và tiến vào khu vực trọng điểm Hàm Rồng. Ngày đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng 102 lần tốp máy bay tiêm kích đánh phá dữ dội trong suốt 3 tiếng đồng hồ. 

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng - Ảnh 3.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng tối 3-4 - Ảnh: CTV

Không dừng lại, sáng 4-4, địch tiếp tục dùng một lực lượng lớn máy bay bắn phá với tốc độ và cường độ lớn, cứ 10 phút tổ chức một đợt công kích. Từng tốp máy bay từ nhiều phía lao tới như những con thiêu thân, tốp nọ thay thế tốp kia. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay, mặt đất rung chuyển với những tiếng nổ xé trời của bom đạn.

Trong hai ngày 3 và 4-4-1965, quân dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc.

Chiến thắng Hàm Rồng là kết tinh của nhiều yếu tố, trong đó sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã quy tụ và kết tinh tinh thần yêu nước của cả dân tộc, cùng với ý chí sắt đá, sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân Thanh Hóa đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên cường, sáng tạo, anh dũng chiến đấu, hy sinh, lập nên những chiến công oanh liệt.

Những chiến sĩ phòng không - không quân, bộ đội, dân quân tự vệ, công nhân, thanh niên xung phong, nhân dân Thanh Hóa đã viết nên bản hùng ca bằng lòng quả cảm, bằng những hành động quên mình vì Tổ quốc. 

Hàm Rồng - Ảnh 3.

Cầu Hàm Rồng hôm nay - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Chiến thắng Hàm Rồng cùng với chiến thắng tiêu biểu khác của quân và dân ta trong các trận chiến bảo vệ phà Ghép, Đò Lèn, sự hy sinh cao cả của các giáo viên, học sinh trường y và Trường sư phạm 7+3 trên công trường đắp đê sông Mã năm 1972 đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Hàm Rồng - Ảnh 4.

Cầu Hàm Rồng đẹp lung linh về đêm - Ảnh: HÀ ĐỒNG

"Chúng ta tự hào về truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, phát huy tinh thần chiến thắng Hàm Rồng, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa chung sức, đồng lòng xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước, xứng đáng với công lao của các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh cho cuộc sống bình yên" - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh khẳng định.

Cầu Hàm Rồng - niềm tự hào của xứ Thanh

Theo tài liệu lịch sử, cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã, nằm giữa núi Ngọc và núi Rồng, nối phường Hàm Rồng và phường Tào Xuyên, cách trung tâm TP Thanh Hóa 4km về phía bắc. Cầu được xây dựng vào năm 1904 bởi một kỹ sư người Pháp và là cây cầu đường sắt hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1946, cầu bị phá hủy theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Đến năm 1963, cầu được các chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô giúp đỡ thiết kế, thi công khôi phục lại và có hình dáng hoàn thiện như ngày nay.

Cầu Hàm Rồng có chiều rộng 17m, gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô, xe máy và đường dành cho người đi bộ. Cầu được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19-5-1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù đã nhiều lần bị tàn phá trong chiến tranh nhưng cầu Hàm Rồng vẫn đứng hiên ngang, sừng sững như một chứng tích lịch sử quan trọng cho ý chí kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước của quân dân xứ Thanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng - Ảnh 6.Hướng tới kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng

TT - Tin từ văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa vừa cho biết: tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Hàm Rồng (3 và 4-4-1965 - 3 và 4-4-2010) theo nghi thức lễ hội trọng thể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên