Kỳ 1: Nửa làng đi Lào Kỳ 2: Làng... kiều Kỳ 3: Lên thành, sống cùng bãi rác
Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Hương bên vườn trà Phúc Thuận Ảnh: Hoàng ĐIỆP |
Bệnh nhân mang bí số 01
Nguyễn Thị Hương chỉ học được mấy câu chào hỏi, tên tuổi, quê quán bằng tiếng Trung trong vòng 20 ngày trước khi sang Đài Loan làm nghề giúp việc. Do vậy, chị đương nhiên không hiểu rõ nơi mình làm việc là một bệnh viện chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. “Tòa nhà có chín tầng, tôi làm ở tầng ba, chỉ thấy các bệnh nhân đau đớn và tiều tụy lắm. Lại có nhiều người bệnh bị gia đình bỏ rơi cho các bác sĩ, y tá và hộ lý chăm sóc. Những người này luôn cô đơn và đau khổ, không chỉ vì bệnh tật. Họ trở nên khó tính, cáu bẳn và dễ chửi bới người giúp việc”.
Không chỉ có gia đình của ông 01, mà thân nhân nhiều người bệnh khác đều đã trở thành người quen, bạn bè của chị Hương. Và kết quả là năm 2005 khi Sở Lao động Đài Loan tổ chức trao giải cho lao động xuất sắc, không chỉ có nhà chủ của chị Hương đề cử mà có đến hàng chục người đề cử. “Mình vui và ngạc nhiên, bởi mọi việc làm của mình đều được họ để ý”. Tình cảm của những người thân quen nơi đất khách quê người này còn khiến chị Hương xúc động hơn khi chị phải nhập viện để mổ nối dây chằng thì nườm nượp người quen đến thăm: “Xúc động lắm, lúc xuất viện tôi phải thuê taxi chở quà!”. |
Công việc của một ôsin bệnh viện gồm rất nhiều việc khác nhau: tắm rửa, thay quần áo, cho ăn uống, xoa bóp chân tay, dìu đỡ nếu bệnh nhân muốn vận động. Không chỉ có vậy, đối với những bệnh nhân qua đời chị cũng phải thay quần áo, tắm rửa lần cuối cùng rồi đưa bệnh nhân vào nhà xác. “Tôi cũng sợ lắm, bởi câu nói tiếng Trung đầu tiên mà tôi nói thành thạo chính là câu dành để nói với người đã chết khi thay quần áo và đưa họ vào nhà xác”. Dù làm động tác gì đối với người ta, chị Hương cũng phải lặp lại câu nói đó, đại ý: tôi thay quần áo (tắm rửa, đẩy vào thang máy, đưa vào phòng lạnh...) cho ông (bà, anh, chị, cô, chú, bác, em) để ông sang thế giới bên kia được an lành. Ở thế giới ấy ông sẽ không còn phải đau đớn nữa!...
Cũng trong khoảng thời gian bỡ ngỡ ấy, chị Hương được giao chăm sóc một người đàn ông lớn tuổi bị ung thư xương. Người đàn ông hơn 90 tuổi này được chị đặt “nickname” là 01. “Tôi đặt 01 bởi cái gì ông ấy cũng muốn mình là người được làm đầu tiên: đo huyết áp đầu tiên, được ăn đầu tiên, được tiêm đầu tiên, thậm chí được ra ngoài chơi đầu tiên”. 01 là người Phúc Kiến (Trung Quốc), sang Đài Loan từ những năm 1940, có giọng nói rất nặng khiến nhiều người khác không hiểu ông nói gì. “Ngày đầu tiên đến Đài Loan tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc 01. Lúc ấy ông cũng đã nổi tiếng bởi là bệnh nhân lâu năm nhất có mặt ở bệnh viện này. Khi tôi đến, ông đã ở viện được hơn 10 năm rồi”.
Những ngày đầu bị 01 mắng mỏ, chị Hương không hiểu gì. Nhưng sau hai tháng làm việc với nỗ lực hết mình để học tiếng, chị Hương đã hiểu được ông nói gì. “Có lẽ do ông nổi tiếng nên khi tôi hiểu được tiếng nói của ông, tôi cũng nổi tiếng theo, bởi khi ấy tôi trở thành phiên dịch mỗi khi ông muốn chuyện trò với những bệnh nhân khác ngoài hành lang bệnh viện”.
Phóng to |
Từ ôsin, giờ chị Hương đã là cô chủ trà sạch Vạn Tài - Ảnh: H.ĐIỆP |
Cô chủ trà sạch Vạn Tài
Nguyễn Thị Hương quê ở xứ trà, từng khó khăn, vất vả cùng trà và từng đi buôn trà. Chị vẫn nhớ như in cái cảnh những người đi buôn trà thời ấy bị bắt khi luồn rừng lội suối mang trà về xuôi. Lúc đó vốn liếng của cả nhà đi tong vì hành vi buôn bán này bị cấm. Còn nếu thoát được sự truy đuổi của phòng thuế thì quần áo cũng tơi tả bởi gai rừng cào rách. “Nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải đi thôi”. Buôn trà về xuôi những tháng cuối năm nếu suôn sẻ thì vợ chồng con cái cũng có một cái tết, bởi vậy: “Không năm nào tôi không đi buôn trà”. Chị Hương lúc ấy không nghĩ đời mình vẫn gắn chặt vào trà dù đã tìm cách đi xa...
... Nguyễn Thị Hương trở lại Đài Loan lần thứ hai để chăm sóc một người già bị bệnh. Thấy chị tận tâm và tình cảm, nhà chủ thửa riêng cho chị một bộ đồ uống trà và mang nhiều loại trà ngon về cho chị dùng. “Cùng là trà nhưng hai vị khác hẳn nhau. Thậm chí, khi nhìn hộp trà đã đóng gói vài năm rồi mà vị trà không hề bị mất hương, mình đã rất ngạc nhiên. Hóa ra bí quyết ở chiếc túi hút chân không. Ngay lúc ấy đầu óc con buôn của mình đã nghĩ ngay đến việc nếu về Việt Nam thì sẽ phải dùng phương pháp này để tích trà mới được”.
Là người xứ trà, chị Hương hiểu được người trồng trà thời ấy khá vất vả. Một năm chỉ có sáu tháng được thu hoạch mà nhu cầu uống trà cuối năm thì nhiều, nên nhà nào để dành được trà lại đến mấy tháng giáp tết thì bán giá tăng lên gấp hai, gấp ba. Tuy nhiên, vì chẳng có nguồn thu nên người nông dân thường bóc ngắn cắn dài: “Chả mấy khi còn trà để bán vào dịp tết nữa. Mà lúc ấy cây trà lụi rồi, đen thui. Phải có mưa xuân thì mầm trà mới mọc lên, búp nhỏ xíu” - chị Hương nói.
Đó là lý do chị cực kỳ quan tâm đến phương pháp hút chân không khi giúp việc ở Đài Loan. Chị cứ hỏi thăm, lân la tìm hiểu về chiếc túi kỳ diệu ấy. Thế rồi trong chuyến trở về sau mấy năm làm ôsin ở Đài Loan, chị Hương đã mang về một chiếc máy ép chân không. “Lúc ấy giá chừng 70 triệu đồng”. Và chị nung nấu kế hoạch làm trà sạch.
Tại sao lại trà sạch? Chị Hương trả lời: “Tôi đã chứng kiến đầy đủ quy trình chế biến trà: hái, sao, sấy, đánh mốc... Người làm tử tế thì chú ý vệ sinh nhưng không ít người phơi trà ngoài sân gạch, hè bếp mặc cho chó mèo chạy nhảy. Nếu trà được chế biến hợp vệ sinh thì đương nhiên sẽ ngon, thơm và tốt hơn cho người sử dụng. Để có được túi trà sạch phải đầu tư sạch từ đất! Trà sạch có nghĩa là không phun thuốc trừ sâu, không bón bằng phân vô cơ, được tưới bằng nước sạch và chế biến sạch.
Sau năm năm bắt tay vào mày mò tìm hiểu công nghệ sản xuất các loại trà: trà ô long, trà xanh, trà sen... đến nay cơ sở sản xuất trà sạch Vạn Tài của chị Hương đã có những đơn hàng xuất khẩu trà sạch. “Đó không phải là mục tiêu lớn, tôi muốn rằng cạnh việc chúng ta nhập những loại trà siêu đắt của nước ngoài về bán trong thị trường thì người Việt cũng cần phải được dùng hàng sạch với giá rẻ” - chị Hương nói.
Sáu năm rời làng đi làm giúp việc, chị Hương không thể ngờ rằng nó mang đến nhiều thay đổi cho cuộc đời chị đến thế: “Nhưng thay đổi khiến tôi hài lòng nhất chính là việc thuyết phục những người dân xung quanh trồng trà sạch. Thay đổi đó không phải cho tôi, mà cho thương hiệu trà của Phúc Thuận quê tôi”.
_____________
Những câu chuyện bên trong trại Davis
Trại Davis nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trước tháng 4-1975, “tòa đại sứ Việt cộng” đã xuất hiện ở đây.
Chuyện gì đã diễn ra bên trong trại Davis?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận