21/09/2017 14:36 GMT+7

Biến chiến trường thành thương trường

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG

TTO - 40 năm trôi qua, những vùng đất giáp biên giữa Tây Ninh với các tỉnh nước bạn Campuchia đang thay da đổi thịt.

Biến chiến trường thành thương trường - Ảnh 1.

Hai cây cờ Việt Nam - Campuchia đặt trang trọng trên bàn làm việc của ông Nguyễn Văn Như - Ảnh: ĐỨC TRONG

Khu vực cửa khẩu quốc tế Xa Mát là nơi kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam với vùng Đông Bắc của Campuchia, thậm chí đến tận Thái Lan

Ông Trần Văn Hiếu (chủ doanh nghiệp)

 Những địa danh trước đây từng bị chiến tranh tàn phá ác liệt như Tân Lập, Chàng Riệc, Mộc Bài, Kà Tum... nay đã sầm uất về hoạt động giao thương giữa hai nước.

Những ông chủ mới

Trong số các ông chủ doanh nghiệp lớn của vùng Tân Biên sầm uất, có những người trước đây là Việt kiều - nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. 

Họ bỏ Campuchia chạy về Việt Nam lánh nạn. Từ hai bàn tay trắng, họ gây dựng được những doanh nghiệp mạnh, có uy tín ngay trên mảnh đất mà ngày trước họ đã mất đi người thân.

Ở Tân Biên, giới kinh doanh và người dân ai cũng biết anh em ông Nguyễn Văn Hưng (68 tuổi) và Nguyễn Văn Như (66 tuổi). 

Ông Như là chủ doanh nghiệp tư nhân Thành Lợi - chuyên lĩnh vực vận tải, cho thuê kho bãi, sản xuất gạch xây dựng và túi xốp. 

Hiện ông có 14 chiếc xe đầu kéo, hơn 2.000m2 kho bãi cho thuê và xưởng sản xuất rộng lớn... 

Ông đang tạo công ăn chuyện làm cho hơn 100 nhân công địa phương lẫn người Campuchia. Còn ông Hưng là chủ một trạm xăng dầu, kho xưởng chế biến gỗ xuất nhập khẩu.

Anh em ông Hưng quê gốc Vĩnh Linh, Quảng Trị. Cha mẹ ông vốn là Việt kiều làm việc ở hoàng cung Campuchia. 

Chế độ diệt chủng Pol Pot buộc gia đình họ phải rời hoàng cung, ông Như bỏ ngang sự học khi đang là sinh viên trường y. 

Tháng 4-1975, những người Campuchia gốc Việt như gia đình ông Hưng đã tìm về cố quốc. Họ được bộ đội Việt Nam đón tiếp và bố trí sinh sống tại vùng đất Bảy Bàu, Tân Lập, Tân Biên (Tây Ninh).

Tưởng đã thoát nạn diệt chủng nhưng đúng 40 năm trước, đêm 24 rạng sáng 25-9-1977, gia đình ông Hưng gồm chín người thì có bốn người bị tập đoàn Pol Pot sát hại gồm cha mẹ và hai em nhỏ. 

Nhớ lại ngày bi thương ấy, ông Như nói: "Đêm đó tôi ngủ lại ở Tân Lập. Nhưng gia đình tôi ở Bảy Bàu đã bị quân Pol Pot bắn giết cùng nhiều người khác".

Kể từ đêm đau thương ấy đến khi đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, anh em ông Hưng làm đủ nghề sống tại vùng đất Tân Lập. Và vùng đất mới đã không phụ lòng người, hai anh em nhà ông tích cóp dần và dựng nên cơ nghiệp như hôm nay.

Doanh nghiệp của hai ông chủ yếu làm ăn, hợp tác với phía Campuchia. Trong căn phòng điều hành, hai cây cờ Việt Nam - Campuchia được đặt trang trọng trên bàn làm việc của ông Như.

Biến chiến trường thành thương trường - Ảnh 3.

Cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh kiểm tra và hỗ trợ thủ tục cho người có nhu cầu xuất nhập cảnh - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tiềm năng giao thương

Dự đoán Tân Lập sẽ là vùng sầm uất của mặt hàng nông sản, năm 2004 ông Trần Văn Hiếu (chủ doanh nghiệp Hiếu Lệ) đã dẫn cả gia đình từ TP.HCM đến mua đất, lập kho bãi kinh doanh và sinh sống. 

Ông Hiếu là một trong những người đầu tiên đến đây dựng kho bãi với quy mô lớn để tập kết và mua bán hàng nông sản cả trong nước lẫn Campuchia.

"Khu vực cửa khẩu quốc tế Xa Mát là nơi kết nối kinh tế vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam với vùng Đông Bắc của Campuchia, thậm chí đến tận Thái Lan" - ông Hiếu đánh giá. 

Riêng với mặt hàng nông sản, ông Hiếu cho rằng vùng Đông Bắc Campuchia hội tụ nhiều điều kiện để phát triển mạnh trong khi quỹ đất nông nghiệp của nước ta ngày càng thu hẹp. Theo ông Hiếu, tiềm năng ở khu vực này còn rất lớn.

Ông Vũ Hồng Sang, bí thư, chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết địa phận hành chính của xã giáp bốn xã thuộc hai huyện của Campuchia với hai cửa khẩu thông thương qua lại là Xa Mát và Chàng Riệc. 

"Chính nhờ môi trường ổn định, giữ vững an ninh trật tự, tình hữu nghị giữa hai nước mà người dân vùng biên hai bên yên tâm buôn bán, hợp tác làm ăn với nhau, cùng nhau phát triển kinh tế" - ông Sang nói.

Sự phát triển kinh tế của người dân xã Tân Lập được minh chứng bằng những con số cụ thể. Đó là xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, cả xã có gần 2.700 hộ, đến nay chỉ còn chưa đầy 20 hộ nghèo.

Từ một vài doanh nghiệp sơ khai, đến nay vùng Tân Lập đã có hàng chục doanh nghiệp cùng những kho bãi san sát nhau, với tổng diện tích lên đến 100.000m2 và nắm phần lớn thị phần hàng nông sản khu vực phía Nam cũng như xuất khẩu. 

Với quy mô kho bãi như vậy, ông Hiếu cho biết nơi đây đủ khả năng đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn để trở thành vùng giao thương mang tầm quốc tế giữa Việt Nam với Campuchia. Ông Hiếu nói kinh doanh hàng nông sản có tác động mạnh đến ngành công nghiệp chế biến của cả nước.

Tuy nhiên, việc kinh doanh ở khu vực cửa khẩu Xa Mát vẫn chưa thực sự có tổ chức ổn định, mạnh ai nấy làm. Ông Hiếu đề xuất hình thành chợ đầu mối nông sản cũng như đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. 

"Miền Tây nước ta sau này cần một lượng lớn hàng nông sản để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ kết nối từ Xa Mát, Tây Ninh đến các tỉnh miền Tây vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa từ Campuchia đến đây tập kết và vận chuyển đi vẫn chưa thực sự nhanh chóng", ông Hiếu nói.

Được như vậy, theo ông Hiếu, vùng đất này sẽ là một đầu mối giao thương sầm uất hơn.

300 tỉ đồng nâng cấp quốc lộ 22B

Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương cho UBND Tây Ninh nâng cấp và mở rộng quốc lộ 22B từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 300 tỉ đồng. Dự án sẽ thực hiện hai giai đoạn. Ban đầu sẽ ưu tiên nâng cấp từ vòng xoay thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu đến ngã tư Bình Minh, huyện Châu Thành.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, tiếp theo sẽ thực hiện từ ngã tư Bình Minh đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Hiện nay quốc lộ 22B vẫn là trục đường chính kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cửa khẩu quốc tế Xa Mát và đang xuống cấp nặng.

ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên