27/06/2012 15:02 GMT+7

Kỳ 2: Học cách sống trước, học bóng đá sau

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TT - Bất cứ ai yêu bóng đá cũng sẽ phấn khích khi bước chân vào Học viện Bayer 04 Leverkusen, một trong những lò đào tạo trẻ lớn nhất Bundesliga.

Học viện Bayer 04 Leverkusen là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu nước Đức. Tại đây, các tài năng trẻ được tạo những điều kiện tốt nhất để học văn hóa và phát triển sự nghiệp bóng đá.

TT - Bất cứ ai yêu bóng đá cũng sẽ phấn khích khi bước chân vào Học viện Bayer 04 Leverkusen, một trong những lò đào tạo trẻ lớn nhất Bundesliga.

Các CLB không tranh giành tài năng trẻ

Ngôi nhà của 160 cậu bé tuổi từ 7-19 có bốn sân cỏ lớn, một phòng tập thể hình khổng lồ, phòng vật lý trị liệu và những cơ sở vật chất cực kỳ hiện đại khác. Mỗi đội bóng trẻ, kể cả độ tuổi U-8 hoặc U-9, đều có phòng thay đồ riêng.

Từ trung tâm thành lập năm 2000, những cầu thủ như Rene Adler, Gonzalo Castro (từng được gọi vào đội tuyển Đức), Stefan Reinartz, Fabian Giefer, Benedikt Fernandez... đã xuất hiện trong đội hình chính của Leverkusen ở Bundesliga. Nhiều cầu thủ khác chơi với hợp đồng cho mượn ở các câu lạc bộ Bundesliga và Bundesliga 2.

Bayer 04 Leverkusen có truyền thống đào tạo tài năng trẻ đáng tự hào. Từ năm 1985, các đội U-19 của Leverkusen đã vào chung kết Giải vô địch Đức U-19 tới chín lần. Trong mùa giải 2010-2011, 14 “sản phẩm” của lò đào tạo này đã khoác áo đội tuyển U-16 và U-18 Đức. Các đội trẻ của Leverkusen đã đi du đấu tại Úc, Bỉ, Chile, Anh, Pháp, Ý, Nhật, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Khởi đầu ngày mới, các cầu thủ trẻ phải học văn hóa trước. Trung tâm có thư viện lớn, nhiều phòng học được trang bị máy vi tính và Internet. Sau đó, họ mới tập trung vào bóng đá...

(Trích theo sách 10 năm của những học viện bóng đá Đức)

Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) ra quy định buộc các CLB Bundesliga và Bundesliga 2 phải thành lập lò đào tạo trẻ từ năm 2001. Tuy nhiên Leverkusen đã đi trước thời đại. CLB chỉ định cựu cầu thủ Jurgen Gelsdorf làm HLV đội trẻ toàn thời gian từ tháng 7-1986. “Khi đó cả Bundesliga chỉ có ba HLV đội trẻ toàn thời gian - HLV Geldorf kể - Kể cả nhiều người ở Leverkusen cũng đặt câu hỏi là điều đó có cần thiết hay không”.

Tại Học viện Leverkusen có tổng cộng 80 nhân viên, nghĩa là mỗi người phụ trách 2 cầu thủ trẻ. Trung tâm có bốn HLV toàn thời gian và 18 bán thời gian, nghĩa là mỗi đội bóng có ba HLV. Ngoài ra còn có bốn HLV thủ môn. Trung tâm còn tuyển dụng bốn bác sĩ, hai chuyên gia vật lý trị liệu và sáu chuyên gia săn tìm tài năng trẻ. Học viện Leverkusen hoạt động 24/7. Các cầu thủ nhí luyện tập bốn lần/tuần, các cầu thủ lớn hơn tập 5-6 lần/tuần.

“Chúng tôi biết rõ từng cầu thủ trẻ khi họ còn nhỏ - ông Jurgen Dillenburg, chuyên gia săn tài năng trẻ hàng đầu của học viện, cho biết - Chúng tôi theo dõi khoảng 3.000 đội bóng nhí”. Các chuyên viên của học viện đi dò tìm ở nhiều vùng, nơi các CLB khác như Schalke 04, Borussia Dortmund và VfL Bochum có ảnh hưởng. Leverkusen ký thỏa thuận với FC Koln và Borussia Monchengladbach là không tranh giành tài năng trẻ của nhau.

Mỗi chuyên viên săn lùng tài năng trẻ của Học viện Leverkusen có 23 trợ lý tình nguyện, hoạt động ở 23 vùng khác nhau (Rhine Trung, Rhine Hạ, Nam Westphalia và Bắc Rhineland). Khoảng 90% tài năng trẻ của Leverkusen sinh trưởng ở các vùng này. “Địa điểm săn lùng” ưa thích thường là các giải đấu bóng đá trẻ do DFB tổ chức.

Không được bỏ qua nhiệm vụ học văn hóa

Khởi đầu ngày mới, các cầu thủ trẻ phải học văn hóa trước. Trung tâm có thư viện lớn, nhiều phòng học được trang bị máy vi tính và Internet. Sau đó họ mới tập trung vào bóng đá. “Không được bỏ qua nhiệm vụ học tập văn hóa” là tôn chỉ tối thượng không chỉ ở Leverkusen mà còn tại tất cả học viện bóng đá khác ở Đức. Những cậu bé ở Leverkusen luôn đạt điểm học tập cao hơn mức trung bình của quốc gia.

HLV Gelsdorf cho biết giai đoạn 15-16 tuổi là thời điểm quyết định để xác định xem một tài năng trẻ có thể bước vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp hay không. Các chuyên gia của học viện dễ dàng phát hiện những cầu thủ nhí có tài năng vượt bậc.

“Để phát triển các cậu bé này cần phải huấn luyện các em từ khi còn nhỏ - HLV Gelsdorf nhấn mạnh - Nếu để các em luyện tập với những em khác giỏi tương tự thì chúng sẽ tiến bộ nhanh hơn”.

Tuy nhiên không phải tài năng trẻ nào cũng phát triển nhanh chóng và thuận lợi như tuyển thủ Đức Gonzalo Castro, vào học từ năm 8 tuổi và chơi trận đầu tiên ở Bundesliga năm 17 tuổi. Một số cầu thủ trẻ có thể bị mất thăng bằng vận động hoặc đánh mất tốc độ khi lớn quá nhanh. Các em cũng có những vấn đề về tâm lý. “Có những cậu bé khi ngủ vẫn ôm gấu bông, có cậu thì sớm biết tán gái” - HLV Gelsdorf giải thích.

Các lãnh đạo Học viện Leverkusen khẳng định đây là trung tâm đào tạo tài năng, do đó sẽ chỉ có một số ít cầu thủ trẻ vượt qua mọi thách thức để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. “Chúng tôi không hứa hão với bất cứ ai. Chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả để các em có cơ hội rèn luyện, học cách sống để sẵn sàng bước vào đời” - HLV Gelsdorf khẳng định.

NGUYỆT PHƯƠNG

(lược dịch theo sách 10 năm của những học viện bóng đá Đức)

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên