Các loại nông sản tại siêu thị hầu hết được đưa từ nhiều nơi khác về có giá bán khá cao, sản phẩm nông dân ĐBSCL làm ra không có mặt bởi khó vào siêu thị - Ảnh: Đ.Vịnh |
Được xem là vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước với không ít sản phẩm được xuất sang nhiều nước, nhưng thời gian qua nhiều loại nông sản tại ĐBSCL vẫn đứng ngoài hệ thống siêu thị trên chính các địa phương này.
Hơn 90% các loại rau, củ, quả bày bán tại các siêu thị ở khu vực ĐBSCL hiện nay là sản phẩm từ nhiều địa phương khác chuyển về, trong khi sản phẩm “cây nhà lá vườn” chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Đây là thông tin được chính các cơ quan chức năng và hệ thống siêu thị tại các địa phương này công bố.
Trong khi các siêu thị đưa ra nhiều lý do để giải thích cho hiện tượng này như sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, không có chứng nhận, chưa đáp ứng yêu cầu sản phẩm hàng hóa..., nhiều ý kiến cho rằng chính phương thức lấy hàng, tổ chức hệ thống thu mua... của hệ thống siêu thị cũng là rào cản đối với nông sản địa phương.
Chủ yếu tiêu thụ ở chợ truyền thống
Chuyên trồng hoa màu, bà Nguyễn Thị Hà (P.Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang) cho biết đã đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, áp dụng mô hình trồng hoa xung quanh phòng ngừa sâu bệnh để sản xuất các loại rau sạch.
Thế nhưng, từ nhiều năm nay sản phẩm chỉ bán được cho cánh bạn hàng, có thời điểm giá bán tính ra không đủ bù chi phí thuê nhân công thu hoạch.
“Nhiều lần vào siêu thị mua sắm thấy nhiều loại rau quả có giá bán cao mà ham, nải chuối mình bán chỉ 5.000 đồng, trong siêu thị bán tới 40.000 đồng. Nhưng muốn đưa hàng vào siêu thị khó quá, phải đăng ký rồi xin giấy chứng nhận đạt chuẩn của siêu thị quy định, chưa kể mình không thể giao dịch trực tiếp với họ. Phải chi có một ai đó đứng ra làm cầu nối” - bà Hà chia sẻ.
Cạnh trung tâm TP Long Xuyên, xã Mỹ Hòa Hưng có 250ha đất chuyên canh rau màu, trong đó có mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap đầu tiên tại An Giang.
Tuy nhiên, hầu hết rau màu chủ yếu đưa về các chợ quanh vùng tiêu thụ, cung cấp cho bữa ăn phục vụ du khách đến đây du lịch homestay, du lịch cộng đồng.
Ông Trần Anh Châu, chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết thời gian qua hội đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông và Phòng kinh tế của TP Long Xuyên triển khai rộng rãi việc áp dụng quy trình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác rau an toàn.
Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm vẫn chỉ tiêu thụ ở các chợ, số lượng đưa vào các siêu thị không đáng kể, mỗi ngày chỉ khoảng 250-300kg rau.
Tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cũng có tổ hợp tác rau an toàn với khoảng 2,1ha trồng các loại rau như cải xanh, mồng tơi, dưa leo, đậu đũa... đạt chuẩn VietGAP nhưng những sản phẩm này lại chủ yếu bán ở chợ phường 2 với khoảng 100-200kg vào mỗi buổi sáng, còn lại bán cho thương lái.
Bà Đặng Thị Kim Ngọc - trưởng Phòng kinh tế TP Sóc Trăng - cho biết chính quyền địa phương đã có tổ chức cho siêu thị Co.op Mart Sóc Trăng gặp gỡ nông dân nhưng do siêu thị lấy rất ít (80kg/ngày) nên nông dân chỉ còn cách bán cho thương lái hoặc đem ra chợ.
Ông Nguyễn Hữu Tặng - phó chủ tịch UBND Q.Thốt Nốt (TP Cần Thơ) - cho biết địa bàn này có hai phường chuyên canh rau sạch (chủ yếu là hẹ) với hơn 50ha và hai làng nghề (bánh tráng và đan lát) nhưng nhiều năm nay sản phẩm không thể đưa vào siêu thị.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cũng cho biết địa phương có mặt hàng gia cầm sạch nhưng lại bị vướng đầu ra, chủ yếu bán ở chợ truyền thống nên giá không cao. Tương tự, sản phẩm rau sạch được huyện triển khai nhiều nhưng chủ yếu bán ở chợ truyền thống.
Vào siêu thị không dễ
Ông Nguyễn Văn Hào, một người trồng dâu Hạ Châu (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), cho biết sản phẩm dâu Hạ Châu của các xã viên rất có tiếng, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt những tiêu chí của siêu thị.
Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn chưa vào siêu thị do giữa hai bên chưa đi đến tiếng nói chung. “Siêu thị lấy hàng số lượng có hạn, chọn trái tốt nhưng không làm ăn theo kiểu mua đứt bán đoạn mà trả lại hàng cho nông dân nếu không tiêu thụ hết.
Số hàng trả về không được thanh toán tiền, trong khi sản phẩm để qua một tuần bị hư hại nên đành phải bỏ chứ bán cho ai nữa, chưa kể giá cả bán cho siêu thị cũng rất thấp” - ông Hào nói.
Tương tự, ông Triệu Công Đỉnh, nông dân trồng rau an toàn ở phường Long Tuyền (Q.Bình Thủy), cho biết từ năm 2005 đã bắt đầu đưa các mặt hàng nông sản vào các siêu thị tại Cần Thơ, sau khi những sản phẩm này được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn.
Tuy nhiên, từ năm 2009, HTX trồng rau của ông không còn làm ăn với các siêu thị nữa mà chuyển sang bán hàng chợ vì các thủ tục mà phía siêu thị đưa ra quá khắt khe.
“Ngoài việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, HTX còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác như xây dựng nhà xưởng, làm thương hiệu... nên chúng tôi không thể tiếp tục đưa hàng vào siêu thị” - ông Đỉnh giải thích.
Ông Huỳnh Dù Chênh - chủ nhiệm HTX ngò rí Bạc Liêu - cho biết HTX có 11 xã viên với hơn 10ha nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho thương lái, không vào được siêu thị bởi nông dân không có điều kiện để được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do chi phí lớn, chưa kể các yêu cầu khác về chất lượng hàng hóa của siêu thị.
Tương tự, ông Lê Thanh Tú - chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu - cho biết địa phương có khoảng 331ha rau màu, siêu thị Co.op Mart Bạc Liêu cũng đã đến tìm hiểu nhưng sau đó từ chối mua hàng với lý do sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà siêu thị đặt ra nên đến nay nông dân chỉ biết đem hàng tiêu thụ tại các chợ.
Bà Đặng Thị Kim Ngọc khẳng định nhu cầu rau màu của siêu thị rất lớn, nhưng nông dân khó đưa sản phẩm vào siêu thị bởi đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh nghiêm ngặt, trong khi diện tích sản xuất rau an toàn hiện vẫn còn nhỏ lẻ, chỉ hơn 7ha.
Theo ông Trần Anh Châu, ngoài áp dụng quy trình sản xuất sạch, muốn đưa rau an toàn vào siêu thị cần phải sơ chế, bảo quản... “Phần lớn nông dân không có vốn đầu tư, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của siêu thị, chưa kể tâm lý thu hoạch xong bán ngay cho thương lái để có tiền tươi thóc thật nên cũng không mặn mà gì về chuyện đưa hàng vào siêu thị” - ông Châu nói.
Hàng vào Nhật được nhưng chưa thể vào siêu thị Việt! Tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ vào cuối tháng 9-2014, đại diện nhiều siêu thị tại TP Cần Thơ đều cho biết có rất ít hàng nông sản của địa phương vào được hệ thống các siêu thị, do chưa được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra làm đầu mối kết nối nông dân với siêu thị, nông dân ngán ngại thủ tục để đưa hàng vào siêu thị và muốn được thanh toán tiền mặt ngay trong khi chính sách của siêu thị là thanh toán hằng tuần... Ông Phạm Việt Bắc - phó giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ - thừa nhận lâu nay các trung tâm xúc tiến thương mại “đánh đông dẹp bắc” ở các nước nhưng việc kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn vẫn chưa làm. Theo ông Bắc, cần có những chương trình cụ thể, chọn từng mặt hàng để kết nối nông dân và siêu thị chứ không ôm đồm quá nhiều rồi làm không được. “Ví dụ như nem Thốt Nốt đã được thị trường Nhật công nhận nhưng tại sao không vào được siêu thị của mình, cơ bản là do chưa bắt tay nhau, chưa quan tâm nhau lắm” - ông Bắc nói. CHÍ QUỐC |
Đi lòng vòng, giá bị đẩy lên cao Ông Lê Quốc Trung - phó giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, trưởng đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về chuỗi sản phẩm rau củ quả do UBND TP Cần Thơ thành lập - cho biết theo kết quả làm việc với siêu thị Co.op Mart Cần Thơ, chỉ 3-5% nông sản bán tại siêu thị này được sản xuất và cung cấp bởi doanh nghiệp và nông dân Cần Thơ, số còn lại được lấy từ các nơi khác. Theo ông Trung, một số mặt hàng nông sản tại Cần Thơ dù rất an toàn và giá rẻ nhưng không trực tiếp vào siêu thị mà đi đường vòng sang địa phương khác rồi quay trở về Cần Thơ! Báo cáo của Sở Công thương Cần Thơ cũng cho biết các siêu thị trên địa bàn như Metro, Co.op Mart, Vinatex... hầu như chỉ nhập các mặt hàng rau củ quả từ các địa phương khác. Còn theo ông Nguyễn Khánh Tùng - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Cần Thơ, các siêu thị đều có bộ phận thu mua tập trung tại TP.HCM và phân phối về cho các hệ thống toàn quốc. Vì thế, nhiều khi hàng hóa từ Cần Thơ được đưa lên TP.HCM rồi sau đó quay ngược về Cần Thơ để tiêu thụ, khiến giá nông sản bị đẩy lên cao so với giá gốc tại nhà vườn. Bà La Thị Tú, chuyên thu mua các loại khoai củ tại huyện Chợ Mới (An Giang), cho biết việc tiêu thụ các loại nông, thủy sản đều thông qua thương lái, hằng ngày họ tỏa đi thu mua tận nơi rồi đưa về các vựa. Các sản phẩm này sau đó được đưa về bỏ mối các chợ quanh vùng, số khác được vận chuyển về các chợ đầu mối rồi phân phối về các chợ dân sinh lớn nhỏ cung cấp cho người tiêu dùng. “Giá mua các loại tại ruộng thường không cao, nhưng đường đi qua nhiều tầng nấc trung gian nên khi tới tay người tiêu dùng giá bị đội lên” - bà Tú nói. |
Kỳ tới: Liên kết để tìm đầu ra cho nông sản
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận