25/04/2020 20:38 GMT+7

J. Krishnamurti: Thách thức và giải thoát bạn đọc

XUÂN CẦU
XUÂN CẦU

TTO - Jiddu Krishnamurti là vị triết gia mà ta cần tìm tới mỗi khi muốn được bóc trần mọi sự giả tạo, lệ thuộc, bám víu mình đang mang.

J. Krishnamurti: Thách thức và giải thoát bạn đọc - Ảnh 1.

Sẽ có chút cảm xúc xấu hổ, khó chịu, hay thậm chí là tức giận khi lắng nghe ông, nhưng rồi, ta sẽ thấy biết ơn...

Sinh ra tại Ấn Độ, từ hồi còn thiếu niên, Jiddu Krishnamurti được nâng đỡ bởi hội Thông Thiên học (Theosophical Society) - một tổ chức lớn ở Ấn Độ. Ông được phong là vị thầy của thế giới (World Teacher), người có sứ mệnh "giải cứu loài người".

Kỳ cục thay, Krishnamurti cho rằng danh hiệu này vô cùng... vô nghĩa. Vào năm 1929, ở tuổi 34, ông chủ trì một buổi lễ của tổ chức, vốn được chuẩn bị cho sự ra mắt của ông, để rồi chính ông tuyên bố giải tán tổ chức.

Tôn giáo, bậc thầy về tâm linh ư? Krishnamurti từ chối tất cả những điều đó. "Đồng nhất hóa với cái to tát hơn chính là khước từ bản thân mình", ông thẳng thừng.

Tờ The New York Times gọi ông là người "từ bỏ mọi loại hình tôn giáo". Tờ The Guardian đặt cho ông danh xưng "bậc thầy không tin vào những bậc thầy". Ông tuyên bố rằng những tổ chức, với những tư tưởng vốn có làm lu mờ đi sự hiểu biết của mỗi cá nhân.

J. Krishnamurti coi niềm tin vào Thượng Đế chỉ là cách con người né tránh nỗi khổ và một hình thức lệ thuộc độc hại, giả tạo: "Bởi vì trái tim chúng ta đã héo tàn, nên Thượng Đế trở nên vô cùng quan trọng".

Ông coi các đạo sư hay bậc thầy tinh thần là không cần thiết. "Đạo sư cũng trở nên vô ích khi bạn chỉ biết có chút ít về chính mình. Không có đạo sư, không có sách vở hay kinh điển nào có thể giúp bạn tự biết mình", ông nói.

"Chân lý là vùng đất không lối mòn" (Truth is the pathless land) là tuyên ngôn nổi tiếng của ông, cho rằng nếu chạy theo một ai hay điều gì đó, dù là đạo sư hay Thượng Đế, dù là một hệ thống, tổ chức hay phương pháp, con người sẽ không bao giờ tìm thấy sự thật. Ông dành hơn 65 năm để diễn thuyết về tự do tâm lý dành cho bất cứ ai trên thế giới muốn lắng nghe mình.

Trong mọi phương diện cuộc sống, chúng ta dễ "nghiện công thức" và những thứ gì có sẵn, vì chúng dễ nắm lấy và mang lại cho ta sự an toàn, làm dịu những cảm giác bấp bênh. Ta đọc vô số sách, tham dự nhiều buổi hội họp và thảo luận, gia nhập nhiều tổ chức, bằng cách đó cố gắng tìm ra phương thuốc cho những đau khổ trong cuộc sống của mình. Chúng ta muốn có thứ gì đó để dựa dẫm, nương náu.

Có thể nói, trải nghiệm đọc sách Krishnamurti không hề dễ chịu. Người đọc nôn nóng, không chịu tư duy sẽ dễ nản chí và gấp sách lại sau vài trang đầu.

Dịch giả Nguyên Phong (người phóng tác Hành trình về phương Đông, Dấu chân trên cát) có lần nhận xét: "Nếu anh đọc kỹ sách của Krishnamurti thì ông ấy không hề khuyên bảo dạy hay trả lời gì hết - mà bắt anh phải tư duy suy nghĩ chiêm nghiệm để tự tìm ra câu trả lời".

Cũng như trong những buổi nói chuyện khi ông còn sống, người ta hỏi Krishnamurti một câu, ông lập tức xoay vấn đề và hỏi ngược lại, để người hỏi phải suy luận và tự tìm ra lời giải.

Nhưng với ai thật sự nghiền ngẫm, tư tưởng Krishnamurti có thể thay đổi hoàn toàn góc nhìn của họ về cuộc đời, về cách họ làm mọi việc.

Quà tặng - triết lý nhân sinh từ những câu chuyện lịch sử Quà tặng - triết lý nhân sinh từ những câu chuyện lịch sử

TTO - Tặng quà từ lâu đã là một hành động phổ biến trong đời sống xã hội. Việc tặng quà và nhận quà thực chất cũng chính là việc chúng ta học cách đối nhân xử thế ở cuộc đời.

XUÂN CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: J. Krishnamurti