Một công trình xây dựng ở Côn Minh. Tăng trưởng Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu xấu Ảnh: Reuters |
Kinh tế Trung Quốc ì ạch hơn nhiều so với các con số thống kê chính thức.
Theo AFP, trước khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hạ giá đồng NDT ngày thứ ba liên tiếp, phần lớn các chuyên gia kinh tế quốc tế đều dự báo giá đồng tiền của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng với tốc độ chậm hơn.
Phá giá NDT để cứu nền kinh tế
Trên thực tế, trong một thời gian dài vừa qua, kể cả khi nền kinh tế Trung Quốc trồi sụt thì giá đồng NDT vẫn cực kỳ ổn định. Nhưng chỉ trong ba ngày qua, giá đồng NDT sụt giảm tới 4,7%. Thông thường, tỷ giá đồng NDT chỉ dao động trong phạm vi cực nhỏ.
Do đó, bước đi của PBoC trong ba ngày qua đang dẫn tới những lo ngại lớn. Báo New York Times dẫn lời một số nhà phân tích nhận định điều đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn so với những gì chính phủ nước này thừa nhận.
Chính quyền Trung Quốc cho biết GDP nước này đạt 7% trong nửa đầu năm 2015. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế thấp hơn nhiều, và Bắc Kinh “tô hồng” số liệu để tránh nguy cơ bất ổn xã hội. Hiện tình hình kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu xấu.
Các thành phần cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc như ngành xây dựng đang suy yếu nghiêm trọng do thị trường địa ốc hụt hơi. Sản lượng xi măng giảm 5% tháng trước, kính tấm đúc sụt 13,5%, thép 1,8%... Tiêu dùng trong nước không cao như kỳ vọng trong khi ngành dịch vụ tài chính đang sa sút do khủng hoảng thị trường chứng khoán.
"Chắc chắn tăng trưởng sụt giảm mạnh"
Các nhà kinh tế cho rằng nhiều tỉnh và vùng ở Trung Quốc đang rơi vào suy thoái.
“Không ai biết nền kinh tế Trung Quốc đang ở trạng thái nào. Chắc chắn tăng trưởng sụt giảm mạnh. GDP chắc chắn không thể ở mức 7%” - nhà phân tích Viktor Szabo của hãng Aberdeen Asset Management khẳng định.
Chính phủ Trung Quốc giải thích rằng việc điều chỉnh tỷ giá đồng NDT là nhằm đảm bảo đồng tiền này theo định hướng thị trường hơn. Nhưng các nhà kinh tế xác định đây chủ yếu là “món quà” của Bắc Kinh dành cho các nhà xuất khẩu.
Giá đồng NDT rẻ đồng nghĩa với việc các mặt hàng xuất khẩu nước này, từ quần áo cho đến hàng điện tử, sẽ trở nên rẻ hơn ở thị trường Mỹ, châu Âu và các nước.
“Đây rõ ràng là một trong những biện pháp kinh thích kinh tế và tài chính để cứu tỷ lệ tăng trưởng đang sụt giảm mạnh” - cố vấn kinh tế George Magnus của ngân hàng UBS nhấn mạnh. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, chắc chắn GDP Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu 7% của năm 2015. Điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín của chính phủ Trung QUốc.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered dự báo nếu không có các biện pháp kích thích tăng trưởng, GDP Trung Quốc sẽ chỉ đạt hơn 6%. Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa, nhưng đó là quá trình đòi hỏi một thời gian dài.
“Đó là sự chuyển đổi từ từ, và cũng có thể mô hình cũ của Trung Quốc đã hụt hơi nhanh hơn những gì chính phủ nước này dự tính” - báo Washington Post dẫn lời ông Olin Wethington, đại sứ đặc biệt của Mỹ tại Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.
Tại sao các nhà đầu tư hoang mang? Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao đao và các nhà đầu tư lo ngại. Nguyên nhân đầu tiên là đây là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy yếu. Thứ hai, đồng NDT yếu sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu của các quốc gia khác. Nhiều khả năng các nước cũng sẽ giảm giá đồng tiền nước mình để giúp hàng xuất khẩu cạnh tranh với hàng Trung Quốc, dẫn tới một cuộc chiến tranh tiền tệ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận