Phương Trâm đã trải lòng cùng Tuổi Trẻ về những khó khăn của cô cùng HLV Võ Thị Mỹ Trang trong những ngày trên đất Mỹ.
Nhìn thực đơn đã “ớn”
Sau 6 tháng, Phương Trâm cao thêm 2cm (hiện cao 1,66m) nhưng nặng đến hơn 4kg. Phương Trâm chia sẻ cô đã phải “gồng mình” để đáp ứng mọi chế độ ăn uống - tập luyện rất khác lạ từ chuyên gia bơi lội hàng đầu nước Mỹ Steve Morsilli của CLB bơi lội Pleasanton Seahawks, bang California.
Phương Trâm (bìa trái) và đồng đội đoạt HCĐ tại Giải bơi lội vô địch lứa tuổi thiếu niên Mỹ. Ảnh: DỊU HÀ |
“Bữa ăn của tôi gồm thịt với thịt, tất cả đều là món luộc, nướng hoặc hấp. Buổi sáng, tôi ăn ngũ cốc với sữa. Bữa chính bao gồm khoảng nửa ký thịt gà hoặc heo, một chén canh, một tô rau củ và nửa chén cơm. Thực sự, bây giờ chỉ nhìn hình chụp bữa ăn thôi là tôi đã muốn... ói rồi, nhiều lúc ớn đến mức bỏ cả bữa”, Phương Trâm kể.
Ăn nhiều nhưng khối lượng bài tập của Phương Trâm lại ít hơn. Khi còn ở VN, cô nuốt trọn giáo án tập luyện gồm 7km trên đường bơi cùng một số bài tập thể hình, bổ trợ khác mỗi ngày. Nhưng sang Mỹ, mỗi ngày Phương Trâm chỉ bơi 5km, mỗi tuần chỉ tập thể hình hai lần. Tập ít, nhưng không có nghĩa là dễ dàng.
“Hồi ở VN, tôi bắt đầu tập từ 8h sáng. Còn giờ tập ở Mỹ bắt đầu từ 5h, vì các bạn tập của tôi phải tập xong sớm để còn đi học văn hóa. Ngày nào tôi cũng phải thức dậy khoảng 3h50, mà trời lại rất lạnh. Hồi mới sang tôi bị cảm suốt một tuần liền vì chưa quen thời tiết”, Phương Trâm kể.
Ngoài những trở ngại về chuyện ăn uống, thời tiết, Trâm tâm sự: “Ngày nào tôi cũng nhắn tin qua Facebook với ba mẹ. Có nhiều lúc gặp sức ép lớn quá, tôi cảm thấy cô độc đến phát khóc”.
Nhưng quả ngọt cũng đến khi sau 2 tháng đầu tập huấn tại Mỹ, Phương Trâm đã giành được 6 HCV, 2 HCB ở những giải bơi các nhóm tuổi trẻ. Đặc biệt, tại Giải bơi lội vô địch lứa tuổi thiếu niên Mỹ hồi tháng 8-2016 (giải đấu quy tụ những tài năng dưới 18 tuổi hàng đầu nước Mỹ), Phương Trâm đã đoạt được 2 HCĐ (lúc ấy Trâm 15 tuổi).
Giấc mơ vào đại học như thần tượng Ledecky
Môi trường tập luyện ở Mỹ tuy nhiều trở ngại nhưng cũng tạo nên nhiều thay đổi tích cực cho Phương Trâm. Chia sẻ về giấc mơ ở tương lai, Phương Trâm khiến chúng tôi bất ngờ khi cho biết hoài bão của cô không chỉ nằm trong con đường bơi lội. “Vài năm qua, kể từ khi quyết tâm theo con đường VĐV chuyên nghiệp, tôi chỉ nghĩ rằng tương lai sau khi giải nghệ có lẽ mình sẽ trở thành một HLV. Nhưng bây giờ, nguyện vọng thực sự của tôi không hẳn chỉ như vậy, tôi muốn vào đại học và theo ngành kiến trúc. Giờ đây, ngoài bơi lội, tôi sẽ nỗ lực theo đuổi giấc mơ này”, Phương Trâm nói.
Theo học các khóa huấn luyện để trở thành HLV là con đường tương lai được “đóng đinh” cho hầu hết các VĐV ở VN. Nhưng ở Mỹ mọi chuyện lại khác. Trong tổng số 554 VĐV tham dự Olympic Rio 2016 của đoàn Mỹ, có đến 436 người xuất thân là sinh viên, thậm chí là ở những trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới. Điển hình như Katie Ledecky - thần tượng của Phương Trâm, hiện đang học ở Đại học Stanford. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi Phương Trâm quyết theo đuổi sự nghiệp như Ledecky.
“Ở CLB của tôi có nhiều anh chị là sinh viên những trường đại học nổi tiếng, có người còn nhận được học bổng của Harvard. Ở đây các VĐV trẻ vẫn theo học chương trình học hoàn toàn bình thường như ở trường. Vì vậy, họ phải dậy từ rất sớm để tập bơi. Tôi cũng muốn giống như họ, được đi học ở trường bình thường bên cạnh việc tập luyện”, Phương Trâm nói.
Thời điểm mới chập chững bước vào nghiệp VĐV, Phương Trâm luôn có kết quả học tập rất tốt ở Trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), nhất là môn toán. Nhưng chuyện học của Phương Trâm đã bị gián đoạn rất nhiều bởi con đường tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp.
Sang đến Mỹ, cô càng gặp nhiều khó khăn hơn khi không có trường để theo học như bạn bè, đồng đội ở CLB. Quyết tâm vào đại học của Phương Trâm vì thế được cụ thể hóa qua những khóa học trên mạng. Đây là điều rất khó khăn bởi cô chỉ có thể tự mày mò sau những giờ tập luyện căng thẳng lúc sáng và chiều.
Cảm mến trước nghị lực của Phương Trâm, gia đình chủ nhà mà Phương Trâm cùng HLV Mỹ Trang ở tại Mỹ đã dùng tên của mình để đăng ký các khóa học này cho Phương Trâm. “Việc học rất khó vì tiếng Anh của tôi không tốt lắm. Dù vậy, tôi cũng cố để duy trì những kiến thức mình từng học trước đây”, Phương Trâm nói.
Trau dồi khả năng ngoại ngữ Cải thiện đáng kể nhất của Phương Trâm về ngoại ngữ là khả năng giao tiếp. Khi mới sang Mỹ, cô tâm sự rằng hầu như không thể hiểu được những điều mà HLV người Mỹ truyền đạt, bản thân cũng luôn rụt rè, lẩn tránh trong việc giao tiếp cùng đồng đội. “Lúc mới sang, tôi không hiểu HLV người Mỹ nói gì nên chỉ nhìn sang các bạn mà làm theo. Nhưng các đồng đội của tôi rất cởi mở, họ liên tục hỏi chuyện tôi. Một đàn chị còn chủ động giúp đỡ tôi trong việc giao tiếp. Dần dà tôi cũng nói được ít nhiều”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận