14/04/2012 08:22 GMT+7

Kinh doanh, sử dụng chất cấm: phải xử lý hình sự!

NGÔ THIÊN PHÚC
NGÔ THIÊN PHÚC

TT - Nếu không xử phạt nghiêm khắc hơn, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có lẽ sẽ chỉ tạm lắng trong một thời gian ngắn rồi có khả năng bùng phát trở lại như những lần trước.

bpUoI8f0.jpgPhóng to

Nhà nước luôn khuyến khích người chăn nuôi heo với quy trình sạch bệnh nhưng chưa bảo vệ được họ sau các vụ chất tạo nạc bị phát hiện. Trong ảnh: nhân viên trại heo Suốc Cao (thuộc Công ty cổ phần Nông súc sản Đồng Nai) chăm sóc đàn heo ở trại với quy mô 7.000 con - Ảnh: Sơn Định

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị “Nói không với chất kích thích tạo nạc beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN (VFA) và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (IAS) tổ chức sáng 13-4 tại TP.HCM.

Mua 1, bán 10

Tạm giữ gần 100kg chất tạo nạc

Ngày 13-4, Đội quản lý thị trường số 11 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai) đã gửi mẫu chất tạo nạc vừa phát hiện của cơ sở kinh doanh thuốc thú y Hòa Hiệp (ấp Dốc Mơ 1, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) đến cơ quan chuyên môn kiểm nghiệm xem có chất cấm hay không.

Trước đó, khoảng 11g ngày 12-4, Đội quản lý thị trường số 11 phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện Thống Nhất kiểm tra đột xuất điểm bán thuốc thú y Hòa Hiệp. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện tại cơ sở này có chín bao (loại 10kg/bao) chất tạo nạc với tên gọi BecomlexC-B12 và năm bịch (1kg/bịch) loại BecomlexC. Hiện gần 1 tạ chất tạo nạc trên đã được niêm phong chờ kết quả kiểm nghiệm.

Bước đầu, chủ cơ sở này cho biết số hàng trên được nhập về từ một công ty tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa vào đầu năm 2012.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch VFA, cho biết trước năm 2000 các chất kích thích tạo nạc (beta-agonist) được một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa vào trong sản phẩm của họ như một bí quyết để thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa. Từ khi bị cấm vào năm 2002, những chất cấm này vẫn cứ trà trộn trong ngành chăn nuôi, lúc âm ỉ khi bùng phát.

PGS Lã Văn Kính - phó viện trưởng IAS - cho rằng nguyên nhân là việc quản lý của VN chưa hiệu quả, trong khi lợi nhuận trong buôn bán chất cấm rất cao. “Người ta mua chất cấm một đồng nhưng bán cho người chăn nuôi tới mười đồng. Bản thân người sử dụng chất cấm cho heo cũng có lợi hơn người nuôi chân chính vì “heo thuốc” bán với giá cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg so với heo thường” - ông Kính giải thích.

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, các chất cấm họ beta-agonist lưu hành ở VN chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Để qua mặt các cơ quan chức năng, người mua thường vận chuyển qua đường tiểu ngạch hay pha trộn trong các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung với nhiều tên gọi khác nhau.

“Việc quản lý nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi bổ sung như premix, vitamin, khoáng, men tiêu hóa... không chặt chẽ trong khi đây là nhóm hàng có nguy cơ chứa chất cấm nhiều nhất” - ông Kính cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Lê Bá Lịch - chủ tịch VFA - cho rằng hiện nay các cơ quan quản lý quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập khẩu các loại premix và phụ gia sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Cơ quan nhà nước chỉ căn cứ vào mô tả của doanh nghiệp là đưa chất đó vào danh mục được phép nhập khẩu, trong khi lẽ ra phải đem mẫu đến phân tích thì mới đưa vào danh mục” - ông Lịch nói.

Đề nghị xử lý hình sự

Ông Lã Văn Kính cho rằng nếu không giải quyết triệt để vấn đề chất cấm, không những sức khỏe người tiêu dùng VN bị đe dọa, ngành chăn nuôi VN sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng mỗi khi thông tin về chất cấm được xới lên, chứ chưa nói đến chuyện xuất khẩu thịt heo. Theo ông Nguyễn Trí Công - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thiệt hại lớn nhất trong việc sử dụng chất kích thích tạo nạc chính là người chăn nuôi chân chính. Hiện mỗi con heo bán ra người nuôi bị mất từ 500.000-1 triệu đồng.

Ông Công cho biết nhiều người chăn nuôi ủng hộ làm “tới nơi tới chốn”, giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi. “Nhưng hiện tôi vẫn chưa thấy cách giải quyết thật sự hiệu quả của các cơ quan chức năng” - ông Công nói. Theo ông Phạm Đức Bình, khó có thể diệt tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nếu chúng ta vẫn thiếu chế tài xử lý đủ mức răn đe.

“Đã là chất cấm thì công an bắt cứ tịch thu tiêu hủy, phải răn đe mạnh mẽ bằng cách đưa ra xử lý hình sự, chứ chỉ xử phạt tối đa đến 25 triệu đồng như vừa qua thì sao cấm nổi” - ông Bình nói. Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, đồng tình và cho rằng chế tài đối với chất cấm trong chăn nuôi hiện chưa đủ sức răn đe, nếu không mạnh tay sẽ còn biến tướng nhiều dạng khác.

Theo ông Thảo, chỉ đòi hỏi nhận thức người nuôi là chưa đủ, cần phải giám sát quản lý chặt chẽ cả chuỗi thực phẩm. “Cần công bố những nguồn cung cấp thực phẩm không an toàn, kiểm tra ngay trên thịt sau giết mổ, nếu phát hiện sẽ tiêu hủy ngay chứ không chỉ kiểm tra trên vật nuôi sống như hiện nay. Nếu cứ lừng khừng chậm trễ như thế này thì nguy cơ chất cấm vẫn còn” - ông Thảo kết luận.

Cam kết nói không với chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi

Trong khuôn khổ hội nghị, VFA đã phát động phong trào cam kết nói không với chất tạo nạc beta-agonist trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các hội viên của VFA đã ký cam kết tuyệt đối không tàng trữ, buôn bán, lưu thông chất cấm trong thức ăn chăn nuôi dưới bất cứ hình thức nào, ký hợp đồng mua nguyên liệu, yêu cầu nhà cung cấp cam kết nguyên liệu không chứa chất cấm... (ảnh).

LluT4EZ0.jpgPhóng to
Ảnh: TRẦN MẠNH

______________

Sáng 13-4, tại hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN tổ chức tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế lại tiếp tục tranh cãi xung quanh việc cấm hay không cấm tồn dư chất tạo nạc (salbutamol, clenbuterrol và ractopamine) trong thịt.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hùng Long - cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế - thừa nhận đến tháng 7-2011, VN là một trong 26 nước chấp nhận ractopamine (một trong ba chất nằm trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT) tồn dư trong thịt, trong khi có 160 nước cấm chất này.

Ông Nguyễn Xuân Dương, cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng nên loại ractopamine trong nhóm chất cho phép tồn dư trong thịt và sản phẩm từ thịt. Theo ông Dương, trong khi Bộ NN&PTNT cấm mà y tế cho phép sẽ gây khó trong quản lý. “Cho phép tồn dư thì thịt nhiễm ractopamine ở các nước sẽ vào VN, trong khi VN cấm dùng trong thức ăn chăn nuôi nên thịt VN không có ractopamine, tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh” - ông Dương nói.

Cũng tại hội thảo, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã công bố báo cáo đánh giá tồn dư hóa chất độc hại trong thịt, được hội thực hiện năm 2011 trên thịt thương phẩm tại TP.HCM và vùng lân cận. Kết quả cho thấy đợt 1 của đợt khảo sát có đến 7/10 mẫu được lấy và kiểm tra nhiễm chất tạo nạc. Đợt 2 lấy 30 mẫu, số nhiễm chất tạo nạc chiếm 33%. Khảo sát cũng ghi nhận có 4/20 nơi bán hàng (bán mẫu thịt được kiểm tra) có điều kiện vệ sinh kém, đều tập trung tại chợ gần khu công nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai. Số mẫu có trọng lượng thiếu so với trọng lượng khi mua (người bán cân thiếu) là 10%.

Bà Lê Thị Hồng Hảo, viện phó Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, khuyến cáo không những dễ tồn dư trong thịt, clenbuterrol còn có thể gây hiện tượng trúng độc mãn tính và cấp tính như rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản..., thậm chí gây ung thư hoặc đột biến tế bào. Còn salbutamol dùng số lượng lớn gây hiện tượng tim đập nhanh, hệ thống thần kinh hưng phấn quá mức. Ractopamine tuy không gây đột biến gen và ung thư, nhưng liều độc trên chuột khoảng 400mg/kg thể trọng.

NGÔ THIÊN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên