![]() |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong một lần nói chuyện với chủ đề “Doanh nhân nữ với công tác đối ngoại” có nhắc đến một yếu tố: người phụ nữ nào cũng phải lưu ý đến hình thức bên ngoài và nữ tính là một ưu thế trong giao tiếp đối ngoại.
Và buổi trò chuyện đó, trong không khí cởi mở, thân tình, bà Ninh nêu một ví dụ: “Với chị Kim Hạnh (bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA), tôi e là nữ tính theo cách nghĩ phải là thùy mị, thẹn thùng thì không phải và cũng không phù hợp. Chị ấy có nhiều cách thể hiện nữ tính rất riêng...”.
Ví dụ của bà Ninh đã nhận được nhiều tràng vỗ tay của người tham dự hôm đó.
Người di chuyển
Năm qua là một năm bà xuất hiện nhiều trên truyền thông, tên bà gắn cùng với hàng Việt, với những chuyến hàng về nông thôn, hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, với các chương trình hoạt động xúc tiến cho doanh nghiệp VN. Một năm qua, người ta lại thấy một nghị lực, sức làm việc đến kinh ngạc ở người phụ nữ vừa bước qua tuổi 59 này.
Có dịp tình cờ nhìn thấy lịch làm việc của bà (nhưng nghĩ lại chắc cũng là tiêu biểu): 3 giờ sáng thức dậy, đọc và trả lời email, in tài liệu để đọc trên đường, chuẩn bị hành trang. 5 giờ sáng xuất phát, dọc đường đón mua báo mới. Hội ý chớp nhoáng với các cộng sự ở quán hủ tiếu ngay ngã ba Trung Lương. Tranh thủ đọc, viết ghi chú và gọi điện thoại, gửi email trên xe. 10 giờ họp và ăn trưa với Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia tại Cần Thơ, lên xe trực chỉ An Giang, đi thẳng xuống cửa khẩu kinh tế Tịnh Biên. Cuối giờ chiều về họp ở An Giang, ghé qua chợ mua vài món quà quê và đi thẳng về Sài Gòn để kịp chuyến bay sớm nhất ra Hà Nội họp sáng hôm sau.
Bà cười bảo: “Thật ra tôi di chuyển nhiều không phải vì ham đi. Cái chính là với những việc mới thì mình luôn muốn đến tận nơi, gặp trực tiếp những người mình đang cùng làm việc, quan sát, lắng nghe xem thực tế diễn ra như thế nào. Vả lại những chuyến đi về nông thôn thường là vào cuối tuần, lấy ngày nghỉ mà đi”.
![]() |
Thông qua chương trình Hàng VN chất lượng cao, ngày càng có thêm nhiều hàng VN có mặt tại Campuchia. Trong ảnh: Người dân Tà Lọt (Tà Keo, Campuchia) mua sắm tại hội chợ hàng VN chất lượng cao ở khu thương mại Tịnh Biên, An Giang (ảnh chụp ngày 23-8-2009)- Ảnh: MAI VINH |
Ngày 8-3 năm nay là tròn một năm chuyến hàng nông thôn đầu tiên được thực hiện tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang. Trong năm qua, 25 chuyến bán hàng nông thôn đã đến các vùng sâu vùng xa nhất của 13 tỉnh, thành dọc ba miền. Năm qua, công việc của bà gắn với những chuyến đi và hầu hết là đi xuyên đêm. Bà bảo đi sáng sớm hoặc lúc tối khuya có nhiều cái lợi: có thể ngủ được trên xe, đường vắng, không bị kẹt xe, kẹt phà, không phí cả một ngày làm việc. Cứ như rằng ẩn trong bà có một nguồn năng lượng bất tận chảy không mệt mỏi.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch Công ty tư vấn GIBC, chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu LBC): Chị đã tạo ra “giá trị Kim Hạnh” Với tôi, gần 30 năm biết chị Kim Hạnh là chừng ấy thời gian chứng kiến hành trình dấn thân đầy đam mê không mệt mỏi của người phụ nữ này. Đưa hàng VN lên một vị thế tốt hơn, với chị, là một niềm tin, một cuộc đấu tranh, một lý tưởng và một sứ mệnh mà chị tự đặt lên vai mình. Chị làm tất cả những việc không tên cho doanh nghiệp. Chị không được trả lương, không được gắn huân chương, nhưng tất cả những ai từng biết đến chị hoặc thừa hưởng những thành quả mà chị đã tạo ra cho cộng đồng đều xác tín một điều: đó là giá trị Kim Hạnh. |
Đầu tháng 11-2009, chương trình Hàng VN chất lượng cao đến Pleiku, Gia Lai. Khi buổi giao lưu với các giáo viên địa phương kết thúc, bà vội vã quay về TP.HCM để kịp cuộc họp sáng hôm sau. Nhưng các cô giáo vây quanh đại sứ hàng Việt Quyền Linh, dứt ra được đã 9 giờ tối.
Trong chuyến xe dài một mạch Pleiku - Sài Gòn, sợ tài xế ngủ gật, bà bảo các phóng viên trẻ cùng đi thay phiên nhau thức để nói chuyện với anh tài. Ai cũng xung phong và còn bảo bà ngủ đi... Nhưng chỉ rôm rả được một lúc là tất cả lăn ra ngủ. Sáng dậy ai cũng cười ngất: cả đêm chỉ có bà thức để... canh anh tài xế.
Cho đến khi gần tới trung tâm thành phố, bà lấy chiếc mền nhỏ, dựa hẳn vào thành ghế rồi che kín người, khéo léo thay chiếc áo mặc đi đường. Hình ảnh tưởng chỉ có thể tìm thấy trong những chiếc xe của các ca sĩ nổi tiếng chạy sô nhiều. Sửa lại mái tóc, đánh vội chút phấn, nhìn bà lúc đó thật gọn gàng, tươm tất như chưa hề có 10 giờ ngồi xe đường dài.
Vội cầm chai nước lọc để làm vệ sinh, bà bước xuống xe, tươi tỉnh chào tạm biệt mọi người rồi đi thẳng vào ngay địa điểm làm việc. Hôm đó diễn ra cuộc họp của ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Đồng hồ lúc đó chỉ 8 giờ kém 5 phút!
Đi nhiều, suy nghĩ nhanh, ghi chép liên tục, bà luôn nhắc mình làm xúc tiến trong tư thế của một nhà báo. Trên xe bà thường đọc báo bằng chiếc điện thoại cầm tay, thỉnh thoảng lại đọc to cho cả xe cùng nghe câu chuyện vui, hấp dẫn nào đó. Cũng từ những chuyến xe đó, các ý tưởng mới được hình thành. Có lúc bà còn gọi điện trao đổi ngay với các chuyên gia. Nhưng không phải chuyện thường có ý tưởng mới, quan trọng hơn, bà nói là làm, đã làm thì làm đến nơi, đeo đuổi đến cùng.
Chờ gặp... ông bạn già
Giây phút hiếm hoi chứng kiến về nét phụ nữ của bà chính là những chiếc ống cuốn tóc mà trong những chuyến công tác đường xa bà thường mang theo. Xe đi được một chặng, bà thường lôi chúng ra và thao tác tự cuốn tóc thật nhanh. Cho đến khi gần đến nơi thì tháo ra và chải tóc lại theo nếp, chỉnh trang lại áo quần, trông bà rất duyên dáng!
Trong suốt những năm làm việc cùng bà, chưa ai thấy bà tỏ vẻ yếu đuối, chán nản. Đôi mắt bà hạnh phúc khi nhắc đến chồng, người vẫn chờ bà về để tâm sự, hàn huyên sau mỗi chuyến đi. Sự quan tâm của ông thể hiện bằng những tin nhắn: đi đến đâu, ăn sáng chưa, họp hành tốt không...Hay những viên kẹo cao su, cả ống kem đánh răng và khăn mặt nhỏ ông gói thật khéo để sẵn trong balô của bà.
Kim Hạnh nói về... Kim Hạnh * ”Tôi chỉ giống người Sài Gòn ở lối suy nghĩ nhanh, kết nối những nguồn lực nhanh và kiên nhẫn theo đuổi sự kết nối này. Tôi không ngại thất bại, làm không tốt thì mình hoàn thiện dần dần. Tôi không có cái giỏi của người Sài Gòn là kinh doanh giỏi. Những người bạn tôi nhìn đâu cũng thấy cơ hội kinh doanh, đó mới là những người rất Sài Gòn”. * “Tôi nghĩ tôi ham đi có lẽ một phần quen tác phong người làm phong trào. Hồi phong trào sinh viên Sài Gòn, nhiều ngày tôi cứ di chuyển với đủ loại công việc quên cả thời gian. Rồi tôi về làm báo từ năm 1977, tình nguyện làm phóng viên chiến trường, thanh niên xung phong và các công trình xa, thế là vẫn được đi nhiều. Cũng vì thế mà hồi mới giải phóng Phnom Penh tôi đi cùng các anh bộ đội, mượn quân phục, ngồi lẫn trên xe Jeep vào thành phố đầu tiên...”. |
Kim Hạnh hát hay. Cái lối nhả chữ rất ngọt của một giọng ca cải lương được đào tạo bài bản làm lộ nữ tính nằm khuất sau hình ảnh của một nữ chiến binh. Bà luôn có chút áy náy về những chuyến đi dài và xa của mình, chạnh lòng rất phụ nữ khi nghĩ đến người chồng ăn cơm một mình. Người quen sẽ biết bà vẫn giữ vai trò là thư ký riêng, đọc và tuyển chọn tư liệu cho chồng viết lách. Bà cũng lấp đầy thời gian vắng mặt bằng những tấm giấy nhỏ, mấy câu góp ý bên bài viết mới của ông, vài viên thuốc ho hay một câu đùa lúc đi xa: “Ba Tèo nhớ uống thuốc đúng giờ”, “Anh tưới cây chưa?” hay “Con có gửi thư về tối qua...”.
Ở tuổi có đủ điều kiện để nghỉ ngơi, bà chọn việc mở trung tâm phi lợi nhuận để tiếp tục công việc mình đang làm: kết nối cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều người chắc mẩm bà này có lợi lộc mới làm, mắc mớ gì về hưu mà còn chịu cực dữ? Bà Hạnh làm hội chợ hàng VN mười mấy năm rồi hội chợ ở Campuchia, chắc quen thu tiền tỉ, giờ bỏ cũng uổng? Bà chỉ nhếch mép cười nhẹ hay lờ đi và lại lao vào các dự án mới.
Hỏi bà nghĩ gì về nhận xét bà là người sáng tạo và thường nghĩ trước, đưa ra trước nhiều ý mới? Bà đắn đo: “Không hẳn. Tôi phát hiện, lắng nghe từ thực tế, nghĩ sâu và rồi kéo các chuyên gia trẻ cùng mổ xẻ, tìm nhiều phương án, giải pháp. Nhờ vậy tôi hiểu hơn công việc xúc tiến. Xúc tiến là xúc tác để tiến cùng doanh nghiệp. Ỷ tiền Nhà nước, ban phát cho doanh nghiệp hay nói phục vụ mà rúc rỉa, trấn lột của doanh nghiệp đều là sai. Làm xúc tiến ở xứ mình càng khó trăm bề...”.
Mong muốn lớn nhất của bà là với kinh nghiệm tích lũy có được, bà có thể bắt đầu dành thời gian cho việc viết lách và dạy học. “Sướng nhất là có một căn nhà nhỏ ở Đà Lạt thật yên tĩnh để viết, để dành trọn thời gian cho gia đình hơn. Tôi sẽ không viết tiểu thuyết mà là bút ký. Tôi cũng muốn tiếp tục dạy học, hướng dẫn các bạn SV nghề nghiệp báo chí. Nhưng bây giờ công việc chưa xong. Năm vừa rồi tôi cùng các chuyên gia góp ý cho chương trình xúc tiến thị trường nội địa thấy có một số ý nghĩa nhất định. Và cũng thấy đường gập ghềnh quá...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận