20/10/2014 00:10 GMT+7

​“Kiềng 3 chân” để giảm nghèo bền vững

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Cần biết - Nâng cao giáo dục, dạy nghề; đầu tư giao thông, cơ sở hạ tầng; hỗ trợ vay vốn tín dụng là những giải pháp căn cơ, tạo thế “kiềng 3 chân” để giảm nghèo bền vững.

Chồng chéo chính sách, phân tán nguồn lực

Theo tổng kết của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Bình quân cả nước giảm 2% mỗi năm trong khi đó tỷ lệ này ở các huyện, xã nghèo giảm trên 5% mỗi năm.

Người nghèo đã có cơ hội tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều đó thể hiện qua tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi tăng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất dân sinh như thủy lợi nhỏ, công trình điện sinh hoạt, đường giao thông đến thôn bản được tăng cường…

Một số địa phương như Kon Tum, Đắk Lắk, Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng. Có 18 tỉnh, thành hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng một số chính sách trong vòng 2 năm như: khám chữa bệnh, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề, giáo dục đào tạo. Có 6 tỉnh, thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo của quốc gia.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

JSHEWQTD.jpg

Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo hiện hành còn quá nhiều và chồng chéo. Điều này dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Hơn nữa, việc chậm hướng dẫn, sửa đổi một số chính sách đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc tổ chức thực hiện.

Mặt khác, các chính sách về việc làm, cho vay tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất có mức hỗ trợ còn thấp, chưa đủ mạnh để thúc đẩy các hộ vươn lên thoát nghèo. Nhiều chính sách hỗ trợ còn “cho không” như hỗ trợ về gạo, vải mặc, cấp tiền điện… đã làm tăng sự phụ thuộc, khiến người nghèo ít có tính chủ động vươn lên.

Tập trung vào giáo dục, giao thông và vay vốn tín dụng

Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình giảm nghèo được xác định là chương trình mục tiêu quốc gia trọng điểm cùng với chương trình nông thôn mới. Giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, cần đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Dựa trên phân tích về các chính sách giảm nghèo và quá trình thực hiện cụ thể tại các địa phương, các chuyên gia đã đưa ra bài học kinh nghiệm về giảm nghèo: muốn bền vững cần đầu tư tập trung vào giáo dục, giao thông và vay vốn tín dụng.

Đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí ở các vùng, các huyện, các xã có nhiều hộ nghèo chính là trao “cần câu” cho người nghèo. Khi đã có kiến thức họ sẽ tự biết “câu cá”, biết trồng cây gì, nuôi con gì cho năng suất, có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện địa phương và biết học nghề phù hợp, tạo sinh kế ổn định cho gia đình.

Thực tế, giao thông nông thôn được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các vùng nghèo. Điều kiện đường xá khó khăn sẽ hạn chế sự giao thương trong khi sản xuất hàng hóa ở các vùng nghèo còn manh mún, nhỏ lẻ. Người dân khi sản xuất và chăn nuôi đã gặp khó do điều kiện tự nhiên và địa lý không thuận lợi, và khó khăn sẽ càng chồng chất khi sản phẩm làm ra không được tiêu thụ dễ dàng. Ở nhiều địa bàn, các mặt hàng nông sản khó tiếp cận thị trường, dẫn đến bị tư thương ép giá, cuộc sống của người nông nhân vốn nghèo lại gặp "cái eo".

Một chính sách đặc biệt quan trọng đối với người nghèo là hỗ trợ vay vốn nhằm giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất. Với một lãi suất ưu đãi, hợp lý, vốn được xem như một “cú hích” để người dân vươn lên thoát nghèo từ chính những tư liệu sản xuất vốn có.

Trong giai đoạn 2016-2020, chính sách giảm nghèo sẽ được thiết kế theo hướng gắn với từng đối tượng, từng địa bàn, tăng thời gian thụ hưởng. Điều đó sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận chính sách ưu đãi và khuyến khích sự chủ động tham gia của người nghèo.

Đặc biệt, sẽ tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã biên giới, xã thôn bản đặc biệt khó khăn. Tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở, thiếu đất sản xuất sẽ được giải quyết cơ bản, hướng đến mục tiêu 80% số hộ có đất ở, đất sản xuất.

Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên