Tàu vỏ thép không được bàn giao nên ngư dân phải đi làm thuê kiếm sống, không có khả năng trả nợ ngân hàng và lại tiếp tục đối mặt với kiện tụng.
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên nằm bờ gần 3 năm nay - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Vướng vào vòng kiện tụng
Sáng 14-3, ngư dân Trần Văn Liên (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có mặt tại TAND huyện Thăng Bình để dự buổi hòa giải giữa ông và công ty đóng tàu đâm đơn kiện ông. Vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi sau một thời gian dài bị cuốn vào vòng xoáy kiện tụng, gia đình ông đã khánh kiệt.
Ông Liên kể, sau khi chạy thử vào tháng 3-2016, dù chưa được bàn giao, chiếc tàu vỏ thép trị giá 16,5 tỉ của ông đã hư hỏng hệ thống đẩy thủy đồng bộ (máy chính).
Chiếc tàu do Công ty cổ phần đóng tàu Bảo Duy (trụ sở TP Đà Nẵng) đóng theo hợp đồng ký kết với ông và Công ty TNHH dịch vụ kỹ thuật Liên Á (nay đổi tên là Công ty CP Tập đoàn Liên Á, trụ sở tạt Hà Nội) cung cấp máy chính. Sau khi xảy ra sự cố, các bên liên quan đã tiến hành nhiều cuộc họp nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. Vì thế, ông Liên đã kiện hai công ty trên ra tòa.
Tháng 8-2016, TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã xử sơ thẩm và tuyên công ty Bảo Duy phải bồi thường 2,8 tỉ đồng để thay máy chính mới cho tàu ông Liên. Công ty này kháng cáo, phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam tháng 1-2018 lại tuyên công ty Liên Á phải bồi thường máy chính.
Tháng 11-2018, TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng đã xử giám đốc thẩm, giữ nguyên bản án phúc thẩm, tuyên công ty Liên Á phải bồi thường thiệt hại do sự cố hỏng máy tàu cho ông Liên với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng và nhận lại máy cũ bị hư hỏng. Ông Liên cho biết từ đó đến nay công ty Liên Á vẫn chưa đền bù số tiền trên cho ông.
Ông Liên kể trong giai đoạn này, vụ án đó chưa được giải quyết xong thì nay ông tiếp tục nhận đơn kiện của công ty Bảo Duy.
Theo nội dung đơn kiện, công ty này yêu cầu ông phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo biên bản thanh lý hợp đồng số tiền còn lại là khoảng 7,5 tỉ đồng, số tiền ứng để khắc phục sự cố khoảng 3,5 tỉ đồng và lãi phạt do chậm thanh toán hơn 368 triệu đồng. "Tuy nhiên, thực tế công ty đóng tàu này vẫn chưa hoàn thành hợp đồng đóng tàu với tôi, chưa hoàn thiện để bàn giao tàu cho tôi đánh bắt"- ông Liên nói.
Tại buổi hòa giải sáng 14-3, luật sư Lý Vinh Hoàng (luật sư của ông Liên) cho hay phiên hòa giải này thất bại vì không giải quyết được vấn đề, hai bên trình bày ý kiến nhưng không đi đến sự thống nhất.
Đại diện công ty Bảo Duy cho biết đã hoàn thành trách nhiệm khi đã đóng xong con tàu vỏ thép theo hợp đồng đã ký giữa các bên thì ông Liên phải nhận bàn giao con tàu, thanh toán tất cả các khoản phí còn lại. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng ông rất muốn nhận bàn giao con tàu nhưng không đủ vốn để thanh toán các khoản phí.
Ngư dân Trần Văn Liên tại phiên hòa giải ở TAND huyện Thăng Bình sáng 14-3- Ảnh: LÊ TRUNG
Theo ông Liên, vì con tàu vỏ thép của ông được đóng mới trên cơ sở hợp đồng tín dụng giữa ông với ngân hàng BIDV, chi nhánh Quảng Nam theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, ngân hàng này cho ông Liên vay 95% giá trị con tàu. Nhưng đến thời điểm này, ngân hàng chỉ mới giải ngân được 50% vốn (khoảng hơn 7 tỉ đồng), phần vốn còn lại phía ngân hàng không giải ngân do nghị định 67 đã hết hạn nên phía ngân hàng không có cơ sở nào để giải ngân phần vốn còn lại.
Ông Liên than thở sau ba năm theo đuổi vụ kiện đền bù máy chính, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần, tàu không được bàn giao nên ông phải đi làm thuê kiếm sống nên không có khả năng trả nợ ngân hàng. Ngân hàng lại không hỗ trợ ngư dân xử lý rủi ro theo Nghị định 67, tiếp tục giải ngân, công ty đóng tàu lại kiện ra tòa vì không thanh toán số tiền còn lại, giờ ông lâm vào cảnh khốn cùng.
Nên thanh lý con tàu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Tấn - phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Thường trực Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 Quảng Nam - cho biết tranh chấp giữa ông Trần Văn Liên với ngân hàng thương mại và công ty đóng tàu rất phức tạp.
Dù UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức nhiều buổi làm việc, giúp các bên tìm cách giải quyết vấn đề nhưng mỗi bên một ý trái chiều nên "vướng" nhiều năm qua.
Theo ông Tấn, bây giờ hướng cuối cùng là phải ba bên ông Liên, công ty đóng tàu và ngân hàng cùng ngồi lại bàn bạc với nhau, và ông Liên không còn tư tưởng phải giao tàu lại cho ông được nữa.
Hiện ông Liên không còn điều kiện gì để nhận lại con tàu, bởi nghị định 67 đã hết hiệu lực từ 31-12-2018. Ngân hàng cũng không đảm bảo cho ông Liên vay số tiền 50% còn lại nữa. "Ba bên giờ ngồi lại với nhau để giải quyết bài toán, thống nhất với nhau thanh lý con tàu để thu hồi lại vốn, trả nợ, phân chia thỏa đáng"- ông Tấn nói.
Ông Tấn chia sẻ rằng thời gian qua ông Liên lâm vào cảnh kiện tụng, nợ nần, thấy như vậy thiệt thòi cho ngư dân. Tỉnh cũng có văn bản báo cáo vụ việc ông Liên đến Bộ NN&PTNT nhưng không thể giải quyết được gì.
Ngư dân làm đơn cầu cứu
Ông Liên nói đã bán con tàu vỏ gỗ để có vốn đối ứng với ngân hàng vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, hiện nay ông đã thiệt hại quá nhiều tài sản. Ông muốn nhận con tàu để vươn khơi sản xuất.
"Tôi đã làm đơn cầu cứu để gửi lên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngân hàng để quan tâm có hướng chỉ đạo hỗ trợ các chính sách vay vốn để ông nhận tàu, vươn khơi bám biển mưu sinh" - ông Liên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận